UHD TV - giải pháp cho phim 3D

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by bboy_nonoyes, Feb 18, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 461)

    UHD TV có thể là "cứu cánh" cho các nội dung 3D dạng thụ động trong cuộc cạnh tranh với 3D chủ động.

    [​IMG]

    Các nội dung 3D thụ động mang lại trải nghiệm tốt hơn khi được trình chiếu trên TV UHD. Ảnh: Sarah Tew/CNET.


    Mặc dù phim 3D vẫn ra mắt định kỳ trên đĩa Blu-ray hay tại các rạp chiếu bóng, như loạt phim Người Hobbit (The Hobbit), Trận chiến Thái Bình Dương (Pacific Rim), Người đàn ông thép (Man of Steel), Thần sấm 2: Thế giới bóng tối (Thor: The Dark World)... nhưng dường như trào lưu hỗ trợ 3D trên TV đang dần đi xuống do những hạn chế khó khắc phục liên quan đến chất lượng hình ảnh.

    Hiện trên thị trường vẫn còn khá nhiều TV có tính năng hỗ trợ trình chiếu 3D, thậm chí người mua còn được tặng kèm kính xem 3D chuyên dụng để xem tại gia. Tuy nhiên, cho đến nay, các tính năng hỗ trợ 3D của các TV, dù ở dạng này hay dạng khác, đều phải chấp nhận hy sinh một phần chất lượng hình ảnh cho tiện ích này.

    Nhưng với sự nở rộ của các thế hệ TV độ phân giải siêu cao mới (TV UHD - Ultra High Definition), có vẻ như nội dung 3D, nhất là 3D thụ động, đã dần tìm được phần nào lời giải đáp. Một trong những thử nghiệm đầu tiên của các chuyên gia tạp chí Cnet đã được tiến hành với phiên bản Toshiba 65L9300U cho thấy chiếc TV UHD này đã tái hiện được hình ảnh trong trẻo nhất, ít hiệu ứng nhân tạo nhất trong số các TV từng thử nghiệm khi trình chiếu phim 3D thụ động.

    Chủ động hay thụ động: hay dở chẳng kém ai

    Nói chung, tính năng 3D được hỗ trợ trên các đời TV hiện nay chủ yếu thuộc hai dạng: 3D chủ động và 3D thụ động. Điểm khác biệt lớn dễ nhận thấy của hai dạng này nằm ở kính dùng để xem nội dung 3D. Kính chủ động sử dụng màn chập tinh thể lỏng, được nuôi bằng pin, về cơ bản hoạt động theo cơ chế che tuần tự các khung hình đến mắt trái và mắt phải và phải được đồng bộ với tốc độ làm tươi khung hình. Còn kính thụ động thì sử dụng thấu kính phân cực đơn giản, tương tự như những cặp kính bạn vẫn thấy ngoài rạp, về cơ bản hoạt động theo cơ chế cùng một khung hình nhưng một nửa độ phân giải của khung hình theo hàng ngang được gửi đến mắt này, nửa độ phân giải còn lại gửi đến mắt kia. Kính thụ động thường khá rẻ, trong khi kính chủ động lại đắt hơn nhiều.

    Nhưng nếu xét về chất lượng hình ảnh, thì cả hai dạng đều có những hạn chế nhất định.

    [​IMG]

    Hiện tượng bóng ma (crosstalk) xuất hiện khi nếu đeo kính, lẽ ra chỉ nhìn thấy một thì người xem vẫn thấy cả hai hình ảnh chồng nhau – chẳng hạn trong ảnh là tay vịn thang bên phải. Ảnh: Sarah Tew/CBS Interactive.


    Các hệ thống 3D chủ động thường bị hiện tượng bóng ma (crosstalk). Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện dưới dạng hình chồng mờ của hình ảnh hoặc đường viền mờ quanh đối tượng, và nếu quá lộ liễu sẽ trở nên khá khó chịu khi xem. Một số TV 3D chủ động đắt tiền hơn có thể xử lý tốt hơn các TV rẻ tiền, nhưng về cơ bản thì hiện tượng bóng ma trong dạng 3D chủ động gần như không thể loại bỏ.

    Trong khi đó, đối với 3D thụ động, hiện tượng này lại được hạn chế khá hiệu quả.

    Nhưng đổi lại, 3D thụ động lại cho hình ảnh với độ phân giải thấp hơn. Nếu một TV Full HD (có độ phân giải 1.920 x 1.080 điểm ảnh), thay vì Full HD định dạng 2D thông thường, ở nội dung 3D mỗi mắt sẽ chỉ nhìn thấy hình ảnh có độ phân giải 1.920 x 540 điểm ảnh do các kính phân cực đã che mất một nửa các đường ngang, thể hiện dưới dạng các đường đen ở hình dưới đây. Kể cả khi những đường sọc này không dễ nhận thấy, nếu quan sát các đường chéo trên hình ảnh, người xem có thể phát hiện ra hiện tượng răng cưa do hiệu ứng này.

    [​IMG]

    Hình ảnh nhìn qua kính 3D trên TV 3D thụ động. Lưu ý rằng mặc dù cơ chế tự nhiên của hai mắt sẽ tự trộn hai khung hình thành một khung hình hoàn chỉnh, nhưng nếu ngồi đủ gần hoặc TV đủ to, người xem vẫn có thể phát hiện các đường sọc này. Ảnh: Cnet.

    [​IMG]

    Trái: 3D thụ động khi nhìn qua kính – Giữa: 3D thụ động không có kính – Phải: 3D chủ động. Ảnh: Cnet.


    Bên cạnh lợi thế kinh tế, các kính 3D thụ động cũng dễ sử dụng và dễ đeo hơn. Do chúng không có các linh kiện điện tử và pin nên chúng nhẹ và tạo cảm giác dễ chịu hơn nhiều. Thêm vào đó, người ta có thể thiết kế theo các hình dạng khác nhau, từ dạng đeo độc lập cho đến dạng kẹp dùng bên ngoài cho những người phải đeo kính cận/viễn. Người xem cũng không gặp phải hiện tượng nháy hình (flicker) khi dùng kính này xem trên các loại màn hình hiển thị khác nhau (laptop, điện thoại, máy tính…) hay sử dụng dưới ánh sáng đèn huỳnh quang như với kính 3D chủ động.

    Ngoài hiện tượng nháy hình của kính 3D chủ động trong một số trường hợp kể trên (do sự khác biệt về tốc độ cửa trập của kính và tốc độ làm tươi của màn hình), thực tế nếu được đồng bộ chuẩn xác với TV 3D, thì hiện tượng này khó có thể phát hiện. Nhưng do dùng nguồn nuôi, nên ngoài hình dáng nặng nề, kính 3D chủ động còn cần phải được thay pin hoặc xạc định kỳ.

    Như vậy, với công nghệ TV Full HD hiện tại, nếu không phải do độ phân giải bị suy giảm, 3D thụ động có lẽ đã là một lựa chọn tối ưu. Nhưng cũng nhờ những hạn chế về 3D trên các TV Full HD, một miền đất hứa cho các TV UHD lại đang dần hình thành.

    3D thụ động hoàn hảo hơn với phân giải UHD

    Tại phòng thử nghiệm, các chuyên gia của tạp chí công nghệ Cnet cho biết họ đã bỏ hàng giờ xăm soi, so sánh nhằm tìm ra những lợi thế đáng giá của TV UHD so với TV Full HD thông thường, nhưng có vẻ như kết quả cuối cùng không lớn như mong đợi. Với các đoạn video được trình chiếu trên TV, sự khác biệt giữa độ phân giải 4K/UHD và 1080p/HD là không nhiều, thậm chí trong nhiều trường hợp còn không hề nhận thấy, nhất là các chương trình TV HD thông thường hay các nội dung trên đĩa Blu-ray.

    Nhưng khi độ phân giải UHD được sử dụng để trình chiếu các nội dung 3D thụ động thì sự khác biệt về số lượng điểm ảnh giữa UHD và Full HD bắt đầu cho một cảm nhận rõ ràng hơn. Mặc dù với dạng 3D thụ động, người xem vẫn mất một nửa độ phân giải ngang, nhưng nhờ có độ phân giải lớn nên chất lượng hình ảnh vẫn ở mức chấp nhận được. Chẳng hạn thử nghiệm với chiếc Toshiba L9300U độ phân giải 3.840 x 2.160 điểm ảnh, kể cả khi mất một nửa độ phân giải ngang, thì hình ảnh đến mỗi mắt người xem vẫn đạt ở mức 3.840 x 1.080 điểm ảnh, gấp đôi so với phân giải Full HD.

    Cụ thể, khi Cnet tiến hành so sánh hình ảnh trong bộ phim Cuộc phiêu lưu của Hugo (Hugo) được hiển thị trên màn 65 inch Toshiba L9300U 3D thụ động và màn 60 inch Vizio 3D thụ động (Full HD), chất lượng hình ảnh trên Toshiba được cải thiện rõ rệt. Ngay từ những khung hình đầu tiên với các logo giới thiệu các hãng sản xuất như Paramount, Infinitum nihil hay GK film, các đường sọc, cạnh răng cưa và các hiệu ứng nhân tạo trên màn Full HD gần như biến mất, thay vào đó là các đường nét mịn màng và hình ảnh trong trẻo.

    Kể cả trong các cảnh quay thực địa, chẳng hạn như cảnh đoàn tàu chạy vào ga với hệ thống đường ray chằng chịt hay loạt đèn treo phía trên sân ga ở những thước phim đầu tiên đều tái hiện được sự sắc nét và rõ ràng. Hay những cảnh có các đường xiên liên tục rất dễ xuất hiện hiệu ứng nhân tạo như cảnh hai bác cháu Hugo và Claude đi bộ ngoài sân ga bên cạnh bức tường lửng (phút 22:05), hình ảnh thể hiện vẫn rất sạch và mịn.

    Có thể nói, với chất lượng như vậy, hình ảnh trên Toshiba L9300U 3D thụ động đủ độ sắc nét không thua gì các phiên bản 3D chủ động cùng hạng của Panasonic như FT600 hay F8000. Trên thực tế, nếu tính cả việc các hình ảnh trên dòng 3D thụ động này xử lý bóng ma tốt hơn hẳn hai phiên bản trên (cũng như hầu hết các phiên bản 3D chủ động khác), thì chất lượng 3D trên Toshiba còn hơn nhiều.

    Thêm vào đó, thử nghiệm cũng cho thấy nội dung 3D khi được hiển thị trên một màn TV UHD 3D chủ động không tạo được sự khác biệt đáng kể nào so với khi được trình chiếu trên màn hình Full HD cả, cụ thể là khi so sánh trên Samsung UN65F9000 (UHD) với UN55F8000 (Full HD), chất lượng hình ảnh thu được gần như y hệt nhau.

    [​IMG]

    Phiên bản TV 3D thụ động trong năm 2014 của LG - LG UB9800.


    Khó tìm nhưng đáng giá

    Có thể nói, các TV UHD 3D thụ động quả là đáng giá khi so sánh về khả năng trình chiếu. Tuy nhiên, một phần do hạn chế về giá cả, một phần do cuộc cạnh tranh giữa 3D chủ động và thụ động vẫn chưa đến hồi kết nên các dòng UHD 3D thụ động trên thị trường vẫn còn là của hiếm. Trong các phiên bản TV UHD đời 2013, chỉ có một số hỗ trợ 3D thụ động, nổi lên trong đó là các tên tuổi như LG (với các series LG LA9700 và LA9650), Toshiba (series L9300U) và Sony với series X900A.

    Năm 2014 có khởi sắc hơn nhưng chưa trở thành một tín hiệu đáng mừng cho các tín đồ 3D khi thị trường 3D thụ động vẫn chủ yếu dẫn đầu bởi LG (với các phiên bản thuộc series UB9800 và UB9500, phiên bản 77EC9800 và các phiên bản OLED 55 inch và 65 inch mới) và Sony với series XBR-X850B. Toshiba mặc dù trong năm nay có hai phiên bản UHD là L9400 và L8400 nhưng hãng này cho biết hai phiên bản mới sẽ không hỗ trợ 3D nào nữa.

    Trái lại, trào lưu 3D chủ động tiếp tục do Samsung dẫn đầu với hầu như mọi phiên bản UHD đều hỗ trợ. Trong khi đó, Sony thì tỏ rõ tham vọng sẽ không bỏ thị phần nào bằng hai series UHD 3D chủ động mới trong năm nay là X950B và X900B. Panasonic cũng vừa chào hàng phiên bản UHD TC-AX800U tại CES 2014 đầu năm nay nhưng hiện vẫn chưa rõ phiên bản này sẽ hỗ trợ 3D chủ động hay thụ động.

    Cho đến giờ người xem đã có thể thấy sơ bộ một bức tranh toàn cảnh về thị trường màn hình trình chiếu 3D đang và sẽ có. Việc lựa chọn định dạng nào là tùy quyết định của từng người dựa trên hạng mục ưu tiên của người đó. Nhưng nói gì thì nói, TV UHD hỗ trợ 3D thụ động cũng vẫn là một lựa chọn đáng giá khi so sánh về chất lượng hình ảnh tại thời điểm này, cho đến khi các hãng công nghệ có thể tìm được những bài toán giải được tốt hơn những hạn chế mà các công nghệ 3D còn đang vấp phải.

    Nguyễn Hà

    Nguồn: VNExpress
     
  2. Facebook comment - UHD TV - giải pháp cho phim 3D

Share This Page