Các nhà khoa học Mỹ đã hoàn tất bản đồ địa hình tổng thể đầu tiên của Ganymede, mặt trăng lớn nhất của sao Mộc và cũng đứng số 1 về kích thước trong hệ mặt trời. Các nhà nghiên cứu hy vọng bản đồ mới có thể hỗ trợ cho những sứ mệnh thám hiểm Ganymede trong tương lai, theo Space.com. Bản đồ địa chất mặt trăng Ganymede - (Ảnh: USGS) Bản đồ ghi nhận những thay đổi về địa hình và những nơi có thể xuất hiện đại dương bên dưới lòng đất trên mặt trăng Ganymede, vốn được xem là mục tiêu chính cho sứ mệnh tìm kiếm các môi trường phù hợp với sự sống trong hệ mặt trời. Bản đồ mới, được Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ vừa công bố, là công trình nghiên cứu nhiều năm do đội ngũ chuyên gia của Đại học Brown (Mỹ) thực hiện. Các nhà khoa học đã kết hợp hình ảnh được bộ đôi phi thuyền Voyager và Galileo ghi nhận trong các sứ mệnh không gian khác nhau. Voyager là phi thuyền đầu tiên bay ngang qua hệ thống vệ tinh của sao Mộc và đã lướt ngang Ganymede vào năm 1979. Trong khi đó, tàu du hành Galileo đã được đặt lên quỹ đạo sao Mộc vào năm 1995, và bắt đầu truyền về những hình ảnh có độ phân giải cao về bề mặt Ganymede, giúp cải thiện sự hiểu biết về những đặc điểm địa chất của thiên thể này. Nguồn VNExpress