Các nhà khoa học Úc vừa phát hiện ra ngôi sao già nhất trong vũ trụ, được hình thành từ 13,7 tỷ năm trước đây, ngay sau Vụ nổ lớn (Big Bang). “Đây là lần đầu tiên chúng tôi có thể khẳng định rằng đã tìm ra dấu vây tay hóa học của ngôi sao già nhất trong vũ trụ“ - báo Huffington Post dẫn lời nhà nghiên cứu Stefan Keller thuộc Trường Nghiên cứu Thiên văn học của ĐH Quốc gia Úc. Ảnh chụp ngôi sao già nhất trong vũ trụ (ở đầu mũi tên) - (Ảnh: Huffington Post) Nhóm nghiên cứu ĐH Quốc gia Úc đã quan sát thấy dấu vết của ngôi sao này từ Đài Quan sát thiên văn Siding Spring hôm 2/1. Sau đó, các nhà thiên văn học ở Chile đã xác nhận phát hiện này khi quan sát thấy ngôi sao bằng kính thiên văn Magellan. Ngôi sao trên nằm cách Trái đất khoảng 6.000 năm ánh sáng, một khoảng cách khá gần. Trước đó, kỷ lục ngôi sao già nhất là HD 140283, khoảng 13,2 tỷ năm tuổi. Các chuyên gia ĐH Quốc gia Úc cho biết ngôi sao 13,7 tỷ năm tuổi là loại sao thế hệ thứ hai, ra đời sau khi các ngôi sao nguyên thủy chết đi. Qua nghiên cứu thành phần hóa học của ngôi sao 13,7 tỷ năm tuổi, các nhà khoa học sẽ hiểu sâu hơn về sự hình thành của vũ trụ. “Phát hiện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn vị trí của loài người trong vũ trụ. Những gì chúng ta nhìn thấy là nguồn gốc của mọi vật chất xung quanh chúng ta” - tiến sĩ Keller cho biết. Các nhà khoa học cho biết ngoài ngôi sao này, rất có thể còn những ngôi sao thế hệ thứ hai vẫn đang tồn tại trong vũ trụ. Tuy nhiên rất khó để phát hiện ra chúng. Nguồn VNExpress