Nỗi lòng bác sĩ với những em bé mang trọng bệnh

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Feb 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 496)

    Bé gái 6 tuổi ung thư giai đoạn cuối khóc gọi "mẹ ơi", ánh mắt khắc khoải của cô bé 12 khi chuyển từ phòng điều trị sang cấp cứu... đều khiến các bác sĩ day dứt, ám ảnh vì thấy mình bất lực trước những sinh linh bé nhỏ ấy.
    "Người lớn bị ung thư đã khổ, trẻ con càng khổ hơn, nhiều khi không cứu được mà chỉ kéo dài sự sống. Người lớn có thể chịu đau nhưng trẻ con thì khác, các cháu khóc rất nhiều", bác sĩ Vũ Hải Toàn, khoa Bệnh Máu trẻ em, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (Hà Nội) chia sẻ.
    Theo ngành huyết học được 7 năm, gần một năm nay vị bác sĩ 33 tuổi ấy mới bắt đầu chuyển sang điều trị cho bệnh nhi. Cũng gần như bằng đấy thời gian anh làm quen với vai trò mới - làm cha, vì thế anh càng xót xa hơn "vì các bé cũng xinh xắn, bụ bẫm, tầm tuổi con mình".
    "Việc đầu tiên tôi phải làm quen khi mới vào khoa là tiếng khóc của trẻ. Cứ nhìn thấy bóng áo trắng là nhiều cháu đã khóc, mặc dù mình đã dặn dò từ trước là 'Nhìn thấy bác thì không việc gì phải khóc vì bác chả làm gì cả' nhưng trẻ cứ nhìn là sợ bởi nỗi ám ảnh", bác sĩ Toàn nói.
    [​IMG]
    Chỉ nhìn thấy bóng áo trắng của bác sĩ là trẻ đã oà khóc nức nở. Ảnh: N.P.
    Cũng theo anh, việc điều trị cho trẻ nhiều khi rất khó khăn. Thể trạng yếu, bệnh nặng, sức đề kháng kém, bệnh nhi thường còn nhỏ nên khó lấy ven trong quá trình làm xét nghiệm, điều trị hóa chất. Có những bé cách 4 tiếng phải tiêm thuốc một lần, tính ra một ngày phải tiêm 6 lần, chưa kể những lần lấy máu xét nghiệm, nhiều khi lấy không được phải lấy lại. Tiêm truyền cho các cháu rất vất vả mà bệnh máu lại phải làm công đoạn này nhiều nên chân, tay, đầu, trán trẻ, chỗ nào lấy được ven được thì lấy hết. Có những bé chỉ cần nghe thấy tiếng xe đẩy đi tiêm truyền đã giật mình, khóc.
    "Nhiều khi làm thủ thuật tiêm tủy, đau khóc, có bé bảo bác sĩ "Bác cho cháu về, bác đừng tiêm cho cháu nữa" nhưng mình không làm thế được. Trẻ con nói nhiều câu rất ngây thơ, lại khiến người lớn đắng lòng", bác sĩ Hải Toàn buồn bã nói.
    Những bệnh nhi đã sang giai đoạn ung thư máu cấp thì gần như lúc nào người nhà cũng được dặn dò chuẩn bị sẵn tinh thần trẻ có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Có những cháu hôm trước vẫn "chào bác Toàn" thế mà qua một đêm đã mất.
    Là bác sĩ nam, anh tự nhận mình cứng rắn hơn nhiều chị em đồng nghiệp khác nên ít khóc. Dù vậy ánh mắt của một bệnh nhi 12 tuổi ở Hà Tây cũ mắc bệnh ung thư máu vẫn ám ảnh anh đến tận bây giờ. Điều trị nhiều, nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại, sức khỏe của cháu ngày một yếu dần. Đến lúc tiên lượng không thể cứu được nữa, các bác sĩ giải thích để gia đình đưa con về.
    "Thế nhưng mong muốn được sống của cháu bé quá mãnh liệt khiến những người làm nghề y như chúng tôi cảm thấy xót xa. Hôm trước cháu còn bảo 'Bác điều trị cho cháu để cháu còn khỏe, cháu về đi học', hôm sau mọi chuyện đã khác. Tôi không thể quên được ánh mắt cháu nhìn mình với hai hàng nước mắt chảy dài khi được chuyển sang cấp cứu, cảm giác như cháu đang trách mình vì đã không giữ lời hứa. Cảm giác bất lực, bó tay trước một đứa trẻ mà mình không thể làm được gì", bác sĩ Hải Toàn chia sẻ.
    "Nghề của bọn mình là vậy, bác sĩ nào cũng sẽ phải chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân mà mình không thể làm gì được. Đó có lẽ là cái nghiệp rồi. Nhưng một số chuyên ngành sẽ có được niềm vui trọn vẹn khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. Như bác sĩ sản sẽ rất vui khi đón một sinh linh mới chào đời, bác sĩ ngoại cũng thở phào khi thực hiện xong ca phẫu thuật nội tạng, nhưng với những người điều trị bệnh máu ác tính như chúng tôi thì niềm vui không bao giờ trọn vẹn", bác sĩ Hải Toàn nói.
    Bệnh không khỏi mà chỉ lui bệnh trong một giai đoạn nhất định. Nhiệm vụ của bác sĩ là kéo dài thời gian đó càng lâu càng tốt. Và đến một lúc nào đó, họ lại gặp lại những bệnh nhân ấy trong tình trạng nguy kịch.
    Gắn bó với chuyên ngành huyết học đã được 15 năm, bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng phải thú thật "không dám nghĩ mình có thể làm việc với các bệnh nhân nhi". Chuyên về ghép tế bào gốc, chủ yếu là điều trị cho người lớn nên những lần đi trực tối hoặc ở phòng khám là những dịp hiếm hoi chị tiếp xúc với trẻ bị bệnh máu ác tính.
    "Những lúc cấp cứu, tiếng khóc của các cháu mà mình không cầm lòng được, khó làm lắm. Nhiều hôm trực cùng với một cô bác sĩ khác, cả hai chị em cùng khóc, cô ấy chạy ra ngoài khóc còn mình vẫn phải cố đứng ở trong đấy", bác sĩ Bình chia sẻ.
    Đó là một bệnh nhi mới 6 tuổi bị ung thư máu, đã đi chữa ở Singapore mà không có tác dụng. Lúc đó, bé đã ở giai đoạn cuối, gọi "mẹ ơi". Nghe tiếng gọi đó khiến chị không cầm được nước mắt.
    [​IMG]
    Với trẻ mắc bệnh máu việc kéo dài sự sống là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: N.P.
    "Khi đứng trước một đứa trẻ ốm đau bệnh tật không phải chỉ mình tôi mà tất cả các bác sĩ khác đều cảm thấy đau xót, thông cảm với nỗi đau của gia đình. Cứ nghĩ nó cũng bằng tuổi con mình thôi thì lại càng thuơng hơn. Mình lại càng muốn làm cái gì tốt nhất để kéo dài thêm được cuộc sống cho các cháu. Các bé rất hồn nhiên, vô tư chưa ý thức được bệnh tật của mình", bác sĩ Bình tâm sự.
    Bệnh về máu, một khi đã mắc, kể cả một số bệnh nhân đã được chẩn đoán lành tính thì cũng là nhóm bệnh nặng, nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào. Theo bác sĩ Bình, với sự tiến bộ của các phương pháp điều trị hóa chất, ghép tế bào gốc đồng loại thì cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư máu cao hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, có các phương pháp điều trị đặc hiệu hơn, điều trị nhắm đích, một số bệnh ung thư máu khả năng kéo dài cao hơn. Với bệnh ung thư kéo dài thêm được 5 năm, người ta cũng nói đấy là khỏi bệnh. Đặc biệt với ung thư máu, ghép tế bào gốc đồng loại không chỉ giảm được nguy cơ tái phát so với phương pháp điều trị hóa chất thông thường mà còn giúp cho bệnh lui lâu hơn.
    "Không phải tất cả bệnh nhân đều áp dụng được phương pháp ghép tế bào gốc vì phụ thuộc vào bệnh, có người cho tế bào gốc phù hợp hay không... Cũng vì thế, bệnh viện cố gắng khai thác triển khai trên nhóm bệnh có thể tiến hành được, đồng thời định hướng mở rộng áp dụng cho nhiều nhóm bệnh hơn dựa trên nguồn cho tế bào gốc từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải chỉ là anh chị em ruột", bác sĩ Bình nói.
    "Với những người làm chuyên ngành máu như chúng tôi, niềm vui chính là kéo dài được sự sống cho bệnh nhân càng lâu càng tốt. Quan trọng hơn cả là giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường. Chỉ cần giúp được một người là đã thấy mình có đóng góp cho đời", bác sĩ Bình tâm sự.
    Nam Phương
    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nỗi lòng bác sĩ với những em bé mang trọng bệnh

Share This Page