Hậu Flappy Bird bị gỡ: Đủ “hỷ, nộ, ái, ố”

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Feb 12, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 511)

    (XHTT) Tựa như một “tấn trò đời”, Flappy Bird thực sự là một “vở kịch” hay, đầy kịch tính, dù nó mới diễn được hai màn đầu nhưng đã vội kết thúc. Màn 1, im ắng, suôn sẻ, nhưng sang màn 2, kịch tính đã được đẩy lên. “Cả rạp nhốn nháo”, kẻ đứng người ngồi, thậm chí còn la hét. Nhiều khán giả không xem được, hoặc bị sự “nhốn nháo” kia nên không thể xem đã nhảy cả lên sân khấu, đe dọa từ diễn viên đến chủ trò. Thế là “vỡ rạp”… và ai nấy chưng hửng.


    Từ đe dọa “lấy mạng” của Fan cuồng

    Trang công nghệ nổi tiếng Mashable cho hay, một số fan hâm mộ trò chơi chú chim Flappy Bird đã đe dọa lấy mạng Nguyễn Hà Đông nếu anh không khôi phục lại trò chơi.

    Những phản ứng tiêu cực kể trên xuất hiện sau khi chủ game Nguyễn Hà Đông thông báo trên Twitter, rằng anh sẽ gỡ bỏ trò chơi gây sốt sau 22 giờ. Ngay sau đó, nhiều người hâm mộ đã khẩn thiết đề nghị anh giữ trò chơi nhưng đúng 12 giờ đêm ngày 9/2 (giờ Việt Nam), trò chơi này đã bị gỡ và không thể tải xuống. Riêng những người đã tải Flappy Bird, họ vẫn có thể tiếp tục chơi trên máy của mình.

    Bởi Flappy Bird đã trở lên quá phổ biến và gây nghiện, các trang game bắt đầu tỏ ra tức tối với chủ của nó. Một blogger đã cáo buộc Hà Đông gian lận, nhằm đẩy game này lên trong danh sách những ứng dụng có xếp hạng cao. Hay, những câu chuyện bịa đặt, hết sức điên rồ về việc có người đã trở lên bạo lực sau khi chơi game v.v... Vì không chịu nổi những áp lực, Đông đã tuyên bố “Tôi không thể chịu nổi nữa” và quyết định gỡ bỏ.

    Một người viết trên Twitter: "Hà Đông, nếu anh gỡ game, tôi sẽ chết cho anh xem". Một người khác thì viết: "Đây là game yêu thích của tôi, nếu anh làm vậy, tôi sẽ săn tìm anh và sẽ giết chết anh". Hay, “Tốt nhất bạn đừng nên xóa Flappy Bird, nếu không tôi sẽ giết bạn!”, hoặc, “Tôi sẽ tìm ra bạn và giết bạn”. Và nhiều lời với đủ cung bậc cảm thán trên mạng khi game Flappy Bird không còn trên các kho ứng dụng.

    [​IMG]

    Nhiều tài khoản Twitter đã bày tỏ bức xúc khi ứng dụng bị gỡ bỏ (Nguồn: Twitter)

    Đến tung tin “cha đẻ” game Flappy Bird tự sát

    Trang tin Hollywood Life (Mỹ) cho biết, ngày 10/2, một trang cá nhân thuộc mạng xã hội Twitter vào đã đăng tải hình chụp một bản tin (Hollywood Life cho là giả mạo), khẳng định Nguyễn Hà Đông đã tự sát sau khi gỡ bỏ trò chơi Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng trực tuyến.

    Bản tin thậm chí còn miêu tả chi tiết rằng Hà Đông được tìm thấy nằm chết trong nhà vì một phát đạn vào đầu. “Dong Nguyen, nhà phát triển Flappy Bird, đã gỡ bỏ trò chơi này khỏi các kho ứng dụng trực tuyến và đây được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ tự sát.” - Trang kia viết.

    Và ngay sau đó, tin đồn này đã nhanh chóng được lan truyền trên Internet.

    [​IMG]

    Trang cá nhân trên mạng xã hội Twitter đăng tin cho rằng Nguyễn Hà Đông tự sát

    Không riêng Hollywood Life, trang báo điện tử lá cải nước ngoài Huzlers cũng đưa tin, "Người sáng tạo ra game Flappy Bird gây bão trong thời gian vừa qua là Nguyễn Hà Đông đã được tìm thấy tại nhà riêng với một vết thương do đạn bắn vào đầu gây tử vong. Cơ quan chức năng xác nhận rằng Nguyễn đã tự tử bằng cách bắn vào đầu mình với một khẩu súng lục ".

    Cũng liên quan tới game Flappy Bird, ít ngày trước, Huzlers.com đã lan truyền thông tin thất thiệt về vụ một thanh niên Mỹ Gary Wright, 16 tuổi, đã đâm anh trai ruột 17 nhát dao chỉ vì có điểm chơi Flappy Bird cao hơn mình.

    Và nhiều kẻ “ăn theo”

    “Theo đóm ăn tàn”, ấy là câu các cụ ta thường nói. Sự đời vẫn thế, khi Flappy Bird “vỗ cánh bay cao”, đã có bao kẻ nhìn theo. Kẻ đố kỵ thì tìm cách “phá bĩnh”, chê bai hay nói xấu đủ điều, nhưng những kẻ “cơ hội” thì lại tìm cách kiếm ăn “chút chút” từ nó và game nhái Flappy Bird là ví dụ điển hình. Nào là Squishy Bird, rồi Clumsy Bird, hay Desert Bird... Chúng đều “dựa hơi” Flappy Bird để ăn theo, với những mong sẽ “câu” được những “kẻ amator” khù khờ, nghe đồn về Flappy Bird nhưng không rành, không thuộc tên hoặc những người vì hiếu kỳ, cho rằng đây là một dòng game mới của Flappy Bird mà tải về thử.

    Chẳng hạn, Squishy Bird là một game mang phong cách nhẹ nhàng, có giao diện tương tự Flappy Bird nhưng cách chơi hoàn toàn ngược lại, đó là đi "đập chim" thay vì để chim vỗ cánh (bay). Trong Squishy Bird, người chơi không (phải là) điều khiển chú chim non vượt qua những khe hở giữa những cột hình ống mà thay vào đó, phải điều khiển cho hai đoạn ống dập lại với nhau để giết những chú chim bay ngang qua.

    [​IMG]

    Cư dân mạng còn lập cả "bia mộ" cho Flappy Bird để tỏ lòng tiếc thương.

    Rồi “chớp thời cơ”, những máy điện thoại cũ, có cài đặt sẵn game Flappy Bird đang được nhiều người rao bán với giá cao. Như trên trang mua bán trực tuyến nổi tiếng eBay, ngay khi game Flappy Bird miễn phí không, họ đã tung ra những gói giá khủng cho những ai “lỡ cơ hội” cài đặt trò chơi này về điện thoại của mình. Có trên 4.500 iPhones được cài đặt sẵn game đang rao bán trên eBay với giá lên đến 20.300 USD.

    Nhưng theo đánh giá của nhiều giới, được lợi nhất trong vụ việc này chính là Google. Quả thế, Google thực sự là một “ngư ông đắc lợi” trong vụ này, bởi nếu Flappy Bird là một “cỗ máy in tiền” cho tác giả thì Google cũng thế, nhờ Flappy Bird mà mảng quảng cáo hiển thị trên di động của Google cũng tăng vọt.

    Tuy không công bố cụ thể tỷ lệ ăn chia doanh thu của dịch vụ quảng cáo AdSense trên di động, nhưng theo những gì được Google công bố, với dịch vụ AdSense nói chung, bên xuất bản được hưởng 68% về nội dung và 51% về tìm kiếm. Sẽ là hợp lý nếu cho rằng, đối với quảng cáo AdSense trên di động, tỷ lệ ăn chia cũng tương tự. Và Google kiếm được số tiền ngang ngửa với Nguyễn Hà Đông từ Flappy Bird.

    Hơn thế nữa, trong dài hạn, thậm chí Google còn “bỏ túi” nhiều hơn từ trò chơi này. Flappy Bird đang ở cao trào, được hàng triệu người “ghé thăm” mỗi ngày thì khi được tin nó được gỡ bỏ, lượng người vào Google để tìm kiếm còn cao hơn. Rồi những thông tin về việc này được lan truyền, nhân lên để lượng người tìm, đọc (tìm hieru các góc độ) về sự kiện càng tăng lên gấp bội, chưa kể game nhái, ăn theo,… Nói cách khác, Flappy Bird đã ra đi, nhưng chiến dịch gặt tiền của Google chỉ mới bắt đầu.

    Nintendo cao đạo tuyên bố, không có ý định kiện Đông

    Ngày 10/2, AFP đã đăng tải bài phỏng vấn hãng game nổi tiếng Nintendo (Nhật Bản) về nhiều đồn thổi, cho rằng Flappy Bird đình đám thời gian gần đây đã sử dụng chiếc ống nước trong game Super Mario của hãng game này. Đại diện công ty, phát ngôn viên Nintendo đã khẳng định, hãng này không có ý định kiện Nguyễn Hà Đông vì sử dụng hình ảnh ống nước giống trong game Mario của họ. "Chúng tôi không đưa ra bất cứ hành động gì vào thời điểm hiện tại" – Ông này cho biết. Và trong một lá thư gửi cho tờ Wall Street Journal, Yasuhiro Minagawa, người phát ngôn của Nintendo nhấn mạnh rằng, hãng không có lời than phiền nào liên quan đến game Flappy Bird. "Mặc dù chúng tôi thường không bình luận gì về tin đồn và những nghi vấn, nhưng chúng tôi đã bác bỏ nghi ngờ này." – Ông này nói.

    Tuy nhiên, ở góc độ khác, Nguyễn Hà Đông cho hay, có nhiều e-mail than phiền rằng trò chơi của anh cóp nhặt chỗ này chỗ kia, nhưng bản thân Nintendo chưa hề liên hệ với anh. Còn hai người bạn của Đông lại cho hay, Nintendo đã gởi cho Đông một lá thư cảnh báo.

    Vậy nên, dù công ty sản xuất game Nhật Bản kia có tuyên bố rằng họ chưa nghĩ đến chuyện kiện cáo (theo Reuters), nhưng có lẽ vì đây là câu chuyện “đã rồi”, có đặt ra cũng chẳng được lợi lộc gì, vì thế mà họ “cao đạo” tuyên bố chăng?.

    Rồi báo nước ngoài lên tiếng cũng xin lỗi

    Kotaku, một trang từng chê trách nặng lời về phong cách đồ họa của Flappy Bird khi giật tít "Flappby Bird kiếm 50.000 USD mỗi ngày từ phong cách sao chép", nhưng nay trang này đã không ngần ngại công khai xin lỗi Đông: "Chúng tôi xin lỗi vì những gì mình viết đã góp phần gây ra sự bức xúc mà bạn phải nhận. Chúng tôi ước rằng mình có thể làm lại". Còn tác giả của bài báo đó, Jason Schreier cũng tâm sự, anh đã dành nhiều thời gian những ngày sau đó để đọc các phản ứng, phản hồi về bài báo và chừng ấy thời gian để "hối hận". "Đó là bài viết ác ý, thấp hơn mọi chuẩn mực nghề nghiệp thông thường của chính tôi. Xin lỗi về những gì đã xảy ra. Xin lỗi Dong-Nguyen về những từ ngữ thiếu chọn lọc mà tôi đã sử dụng. Hy vọng anh có thể tìm thấy sự thanh thản".

    Điều éo le là, Đông đã thành công từ một tựa game mà anh viết cho vui chỉ trong vài ngày. Liệu có phải chính sự mổ xẻ quá mức của giới truyền thông đã khiến mọi việc trở nên tệ hại? Liệu những lời “giận cá chém thớt” trên Twitter khiến Đông cảm thấy mệt mỏi? Liệu có phải khoản thu nhập “khủng” bất thình lình dồn đến khiến Đông bối rối? Thật khó để nói, điều gì đã khiến Đông quyết định “kết liễu đứa con tinh thần” đang thành công lớn của mình theo cách bất ngờ như vậy. "Chúng tôi mong Dong Nguyen sẽ được bình lặng và yên thân khi tung ra những game tiếp sau, dù chúng tôi sẽ vẫn chơi chúng và đưa tin về chúng với sự tôn trọng. Thành công không phải lý do duy nhất để tồn tại, nhưng nếu bạn tạo ra một tựa game được mọi người yêu mến, hiển nhiên là bạn xứng đáng được hưởng thành công đó" - Trang Kotaku kết luận.

    Và Phó thủ tướng, đại biểu Quốc hội muốn gặp để động viên Đông

    Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Đại biểu Quốc hội đương nhiệm cho biết, tác giả của Flappy Bird cần được khuyến khích hơn là bị "ném đá".

    Ông cho hay, ông cứ nghĩ về Nguyễn Hà Đông, đã dành thời gian đọc rất nhiều phản hồi, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt trên nhiều báo và thấy “Đáng trách là dư luận quá ầm ĩ, có nhiều ý kiến có vẻ như đố kỵ, khuyến khích thì ít, ném đá thì nhiều”. Và, “Đặc biệt là vị lãnh đạo nào đó của ngành tài chính yêu cầu rà soát về thuế. Tôi cho rằng phải tìm hiểu thận trọng kỹ lưỡng và thậm chí có thể miễn thuế một năm cũng được. Có thể còn có điều này điều khác nhưng có thể nói Hà Đông là nhân tài cần được quan tâm” - Vị đại biểu này thể hiện quan điểm.

    Ở Việt Nam, công nghệ giải trí lành mạnh chưa được để ý đúng mức, trong khi đến ngưỡng nào đó về vật chất thì con người sẽ có nhu cầu giải trí để xả stress. Flappy Bird dễ chơi nhưng tạo ra tâm thế tự chiến thắng bản thân, là trò giải trí lành mạnh. Hà Đông cần được khuyến khích để có thêm sản phẩm có bản quyền, vừa mang lại thu nhập cho bản thân và đóng thuế cho nhà nước, ông Vân nhấn mạnh.

    Hôm qua, 11/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc gặp gỡ Nguyễn Hà Đông. Ông đã động viên tinh thần anh sau những ngày phải chịu sức ép to lớn từ truyền thông cũng như dư luận trong và ngoài nước. Và theo ông, đất nước cần những người tài năng như Đông để đất nước thêm giàu mạnh.

    Kết

    Cho dù Flappy Bird là một game có “vay mượn” rất nhiều từ những người tiền nhiệm, có thể gợi đến hình ảnh của game Super Mario, hay game khác, nhưng một lần nữa, giống như hàng ngàn tên tuổi khác, nó đã thu hút được hàng triệu người chơi và thành công. Một bài học được rút ra, rằng “Thành công không phải lúc nào cũng mang đến hạnh phúc”, nhất là trong thời buổi có đầy những đố kỵ, phán xét, thậm chí soi mói của cộng đồng, đặc biệt là những “tiếng nói” tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” – cho “sướng miệng” qua mạng xã hội, đang tràn ngập như hiện nay.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Hậu Flappy Bird bị gỡ: Đủ “hỷ, nộ, ái, ố”

Share This Page