Flappy Bird bị gỡ bỏ: Đâu là sự thật?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Feb 10, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 381)

    (XHTT) Rạng sáng nay (10/2/2014), trò chơi Flappy Bird đã bị chính chủ nhân của nó “hạ xuống” khỏi hai gian ứng dụng Android và iOS sau hơn 2 tuần “gây bão” trên mạng. Cộng đồng mạng (cả người chơi lẫn người quan sát), các nhà làm game, cũng như giới kinh doanh đang xôn xao “bàn tán”, tìm lời lý giải cho sự việc này…


    Cộng đồng sôi sục

    Giới trẻ yêu công nghệ Việt nói riêng và thế giới nói chung đang chìm đắm trong sự tiếc nuối khi “cha đẻ” của trò chơi Flappy Bird, được hàng triệu người dùng trên thế giới yêu thích đã tuyên bố và làm thực khi gỡ bỏ trò chơi này khỏi các kho ứng dụng.

    Chỉ cách đây ít hôm, từ quán cà phê, tiệm ăn hay những nơi gặp gỡ, giao lưu khác, cụm từ “Flappy Bird” đã thực sự bùng cháy, đi kèm với sự hiếu kỳ, tò mò, chia sẻ, thậm chí là “cay cú” (kiếm được quá nhiều tiền) khi trò chơi mới này là trở nên phổ biến. Và trái ngược với tâm trạng “phấn khích” của những ngày qua, hôm nay (10/2), giới trẻ lại một lần nữa sục sôi khi trò chơi này đã không còn tồn tại. Tiếc nuối, buồn bã, thậm chí là “phẫn nộ”. Nguyên nhân nào đã gây sức ép, khiến cha đẻ của trò chơi “hot” Flappy Bird buộc phải từ bỏ nó? Hàng triệu người đặt ra câu hỏi này hôm nay, sôi sục tìm kiếm và buồn bã với sự vô vọng.

    Sáng nay lên Google, gõ từ “Flappy Bird” để tìm kiếm, chỉ trong 0,19 giây đã có 366 triệu kết quả.

    “Chưa kịp tải về để chơi đã bị gỡ bỏ, nay, lúc ở nhà thì phải chơi ké của thằng em, đến lớp thì chơi ké của bạn, đang mong có thể sở hữu trò chơi này trên chiếc điện thoại của mình thì nó lại không còn” – Nguyễn Linh Đan, một học sinh cấp III, ở phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy chia sẻ, và đây cũng là tâm trạng của giới trẻ trên thế giới.

    Trái với tâm trạng tiếc nuối của giới trẻ, nhiều người khác lại tìm kế nhằm kiếm tiền từ “sự cố” này. Trên trang eBay, những lời rao bán điện thoại cũ, có cài sẵn trò chơi Flappy Bird với giá khủng đã xuất hiện. Điện thoại iPhone 5s, cài sẵn trò chơi này được rao bán với giá tương đương gần 32 triệu đồng. Mức này cao gần gấp đôi so với giá của điện thoại mới cùng chủng loại trên thị trường.

    [​IMG]

    Cộng đồng mạng với nhiều cảm xúc đan xen sau khi Flappy Bird xuất hiện và gỡ bỏ

    Ai đã “giết chết” Flappy Bird?

    Chúng ta hãy cùng tự nhìn lại xem sự “quan tâm” của cộng đồng và dư luận như thế nào, để đến nỗi một sản phẩm trí tuệ Việt mang tính toàn cầu lại có thể “chết yểu” chỉ trong vài ngày?

    Khoảng ngày 5/2, truyền thông Việt Nam (gồm cả các báo, trang tin, facebook, blog) bắt đầu đưa thông tin về sự kiện một chàng trai Việt Nam đã làm nên kỳ tích. Tuy nhiên, truy nguyên những tin này, đa phần nó được dịch từ các báo nước ngoài hoặc đăng lại.

    Đang tận hưởng nỗi sung sướng tột độ từ việc sản phẩm trí tuệ của mình được lên ngôi, Nguyễn Hà Đông phải đối mặt với hàng loạt áp lực từ đám đông. Ấy là cáo buộc: “Sao chép” ý tưởng, vi phạm bản quyền, thậm chí cáo buộc chủ nhân đã dùng thủ thuật đẩy vị trí xếp hạng… Không những thế, cơ quan Thuế cũng nhảy bổ vào và tuyên bố sẽ rốt ráo vào cuộc để kiểm soát nguồn thu nhập cá nhân, tránh thất thu thuế, mặc dù mức doanh thu của trò chơi (1 tỷ đồng mỗi ngày) mới dùng ở “tin đồn”.

    Và đương nhiên, trước sức ép khổng lồ như vậy, một chàng trai trẻ, lại là dân công nghệ, quen cuộc sống đơn giản như Nguyễn Hà Đông chắc chắn sẽ không chịu nổi và buông tay. “Tôi không thể chịu nổi nữa” – Lời thú nhận của Đông trên mạng.

    Nhưng lại có người nghĩ khác, chỉ có 1% Flappy Bird sẽ bị khai tử và đây sẽ là một trong những scandal mà Nguyễn Hà Đông sử dụng nhằm đẩy độ "hot" của game lên hơn nữa, một chuyên gia về game phỏng đoán.

    Bản thân Nguyễn Hà Đông khẳng định, sẽ xóa Flappy Bird khỏi các kho ứng dụng và không bán nó cho bất cứ hãng game nào. Tại thời điểm này, việc liên hệ với Đông rất khó, và anh từ chối trả lời các câu hỏi của giới truyền thông.

    Dự đoán về lý do gỡ bỏ Flappy Bird, các phương tiện truyền thông nước ngoài cho rằng, khả năng lớn nằm ở vấn đề bản quyền. Flappy Bird được đồn đoán rằng sẽ gặp rắc rối lớn từ hãng game Nintendo (Nhật Bản), khi sử dụng các hình ảnh đã được bảo hộ của hãng này.

    Cũng có người đưa ra dự đoán, khả năng Flappy Bird bị rút khỏi App Store và Google Play là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng tựa game này vẫn sẽ được phát triển sau đó.

    Suốt trong ngày 9/2/1014, giới truyền thông công nghệ quốc tế và trong nước sục sạo tìm câu hỏi “Vì sao Hà Đông lại gỡ bỏ trò chơi đang cực kỳ thành công này?”.

    Câu trả lời của chàng trai này cực kỳ đơn giản: “Quyết định này không có liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Chỉ có điều tôi không thể giữ nó được nữa”.

    [​IMG]

    Game Flappy Bird "đình đám" và chủ nhân của nó nay đã trở thành dĩ vãng.

    Flappy Bird được viết và đưa lên App Store trong khoảng tháng 5/2013 và sau đó là Android. Cuối 2013, ứng dụng này có sự tăng trưởng đột ngột và trở thành trò chơi ăn khách nhất trên Android và iOS. Chính tác giả đã tiết lộ với The Verge về doanh thu quảng cáo trên game Flappy Bird đạt khoảng 50.000 USD/ngày. Và chỉ chưa đầy 4 ngày, kể từ 5/2 đến 9/2, sự quan tâm của đám đông, đặc biệt là giới truyền thông, đã giết chết một sản phẩm đang gây sốt trên toàn thế giới.

    Một quyết định thông minh…

    Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty truyền thông NBN Media, "Sự thành công của Flappy Bird còn nhiều điều phải tranh cãi nhưng rõ ràng, người dùng đã có phản ứng và lan truyền tốt về game. Họ cho Flappy Bird 4,5 sao là mức cao nhất có thể đạt được. Game cũng được đến gần 30.000 đánh giá (review) là mức chỉ có các game hay nhất thế giới như Clash of Clan hoặc Hay Day đã đạt được".

    Nói về quyết định gỡ bỏ Flappy Bird ra khỏi gian hàng Apple Store và Google Play của tác giả, ông Ngọc cho rằng, tuy “cha đẻ” của trò chơi không chia sẻ lý do, nhưng theo phỏng đoán của ông, thoạt đầu Hà Đông viết game chỉ để thử nghiệm hoặc chơi, không hình dung được nó sẽ thành công vang dội đến thế, và càng không nghĩ đến các hệ luỵ. Khi “đứa con” đã trở nên nổi tiếng, chàng lập trình viên trẻ phải đối mặt ngay với vô số vấn đề về: Bản quyền, kỹ thuật marketing... Và ông cho rằng, để giải quyết được những rắc rối này, cần rất nhiều chuyên gia hàng đầu của thế giới. Ngoài ra, còn phải tốn nhiều tiền, thời gian và công sức. Vì vậy, viêc Hà Đông gỡ bỏ game Flappy Bird là quyết định thông minh thay vì anh có thể mất trắng. Nhưng dù có gỡ bỏ, từ trò chơi này, tên tuổi của anh đã là một hiện tượng của thế giới, rồi nhiều cơ hội khác sẽ đến với anh.

    Hay như ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty ePi Technologies cũng cho rằng, quyết định hạ Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông là quyết định thông minh và hợp lý, dù khiến nhiều người tiếc nuối. Theo ông Tuấn, những người làm công nghệ thường có cuộc sống khá đơn giản và khép kín, họ chỉ muốn tập trung làm việc vì đam mê của họ mà thôi. Thời gian vừa qua, rõ ràng là giới truyền thông đã gây ảnh hưởng quá nhiều và không tốt đến cuộc sống của tác giả. Vì thế, việc gỡ bỏ game sẽ làm giảm thiểu những áp lực phát sinh.

    …hay một bài học kinh doanh “cay đắng”?

    Theo nhiều người, Nguyễn Hà Đông đã phạm một sai lầm lớn, đó là vội vàng tiết lộ doanh thu của game (đạt 50.000 USD mỗi ngày) với trang công nghệ The Verge. Việc nổi tiếng nhanh chóng sẽ tạo ra ngay nhiều áp lực: Được giới truyền thông săn đón hoặc được mời gọi hợp tác - trong khi anh còn quá non nớt, dễ rơi “vào bẫy”; Có thể bị kiện cáo (về ý tưởng, kỹ thuật);… Một số ý kiến còn cho rằng, Nguyễn Hà Đông đã sử dụng các “tiểu xảo” để tăng thứ hạng của Flappy Bird trên Apple Store và Google Play. Chính những điều này đã gây một áp lực rất lớn cho chủ nhân của game. Quả đúng như thế, trên trang Twitter của mình, Nguyễn Hà Đông đã chia sẻ: “Tôi có thể cho rằng Flappy Bird là thành công của mình, nhưng nó đang phá huỷ cuộc sống đời thường của tôi. Vì vậy tôi ghét trò chơi này”.

    Cũng theo ông Nguyễn Bá Ngọc, với con số doanh thu “khủng” từ game Flappy Bird, khiến cả thế giới “thèm thuồng”, nên họ đã lái câu chuyện sang hướng khác. Đó là những cáo buộc về vấn đề bản quyền, cho rằng Đông vay mượn ý tưởng của người khác, rồi thì copy những hình mẫu, đồ hoạ từ các trò chơi khác. Ngoài ra, câu chuyện về sự thành công bất ngờ của Nguyễn Hà Đông cùng với khoản thu nhập lớn đã được Tổng cục Thuế của Nhà nước bắt đầu “để mắt” tới…

    Bài học cho nhiều phía, nhiều người

    Không thể phủ nhận, rằng từ lâu, chưa có bất cứ sự kiện công nghệ nào của Việt Nam nổi đình, nổi đám trên thế giới như chú chim nhỏ Flappy Bird. Nó đã trở thành một biểu tượng, một niềm tự hào của Việt Nam. Và câu chuyện về chú chim Flapply Bird đã khiến cho nhiều người Việt tự đúc rút ra được những bài học.

    Game Flappy Bird đã chứng minh được một điều rằng, trong thế giới phẳng ngày nay với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và mạng xã hội, chúng ta có thể ở bất cứ một quốc gia nào, sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào thì đều có cơ hội ngang nhau khi đưa sản phẩm ra toàn cầu và nếu biết tận dụng và sử dụng truyền thông xã hội sẽ tốn một chi phí không lớn.

    Ở một góc độ khác, một điều cần rút ra trong vụ việc này là cộng đồng cần biết cách ứng xử phù hợp với những nhân tài, thay vì soi mói, đố kỵ, hãy có những hành động hỗ trợ, động viên để cùng tôn thương hiệu Việt lên.

    Bên cạnh đó, sự việc cũng nhắc nhở chúng ta rằng, để đủ khả năng hội nhập, vươn ra biển lớn thì không chỉ có sản phẩm tốt mà còn đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng khác cộng với một bản lĩnh vững vàng và một cộng đồng đồng cảm, có cùng chí hướng.

    Dù gì đi chăng nữa, việc game Flappy Bird xuất hiện và đã “khuynh đảo” cả công đồng thế giới trong thời gian ngắn (vừa qua) vẫn là một sự thành công lớn, có nhiều ý nghĩa đối với toàn thể cộng đồng công nghệ Việt Nam.

    Thanh Trà (tổng hợp)

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Flappy Bird bị gỡ bỏ: Đâu là sự thật?

Share This Page