(XHTT) Thế vận hội mùa đông sẽ khai mạc vào ngày 7/2/2014 tại thành phố Sochi (Nga) và sẽ trở thành một trong những sự kiện thể thao đắt giá nhất hành tinh. Ấy vậy mà ngay từ khi nó chưa diễn ra, đã có rất nhiều hình ảnh “dìm hàng” Olympic Sochi và lây lan nhanh như virus. Chiếc bồn cầu chỉ có một nửa, những công trình xây dựng còn dang dở, cảnh quang rất thiếu không khí của mùa đông, chất lượng nước sinh hoạt còn thua cả nước nhiễm phèn ở Việt Nam… được phát tán trên mạng kèm "caption" liên quan đến Olympic Sochi khiến nhiều người lắc đầu lo ngại. Hầu hết các hình ảnh đó đều là “hàng fake” cho vui nhưng lại khiến lắm người tưởng thật. Điều này lại một lần nữa khiến người ta phải nghĩ về hiện trạng like và share “không não” tràn lan trên các mạng xã hội. 1. Bồn cầu “một bên” Bức ảnh này lan truyền trên mạng, trở thành trò cười về một sai lầm không thể tưởng tượng nổi tại Sochi. Nhưng thật ra, nó không xuất phát từ Sochi, và trên thực tế cũng không đời nào có một thợ xây nào lại mắc sai lầm ngớ ngẩn đến vậy. Sự thật thì bức ảnh này đã xuất hiện cách đây hơn 6 tháng (và tuổi đời thật có lẽ còn hơn thế), có thể là một trò đùa của một tay thiết kế nào đó trong lúc rảnh nỗi, hoặc cũng có thể là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng không đời nào nó xuất hiện trong một toilet ở Sochi. 2. Thực đơn “phết kem lên mông” 99% người ta sẽ dính vào một “thảm họa” dịch thuật nếu quá tin tưởng vào công cụ Google Translate mà hoàn toàn không có khả năng ngoại ngữ để kiểm tra lại kết quả. Thực đơn “Ice cream in the ass.” (tạm dịch: Kem nằm trên mông) mà cư dân mạng cười đùa như một lỗi dịch thuật ngớ ngẩn tại Sochi là một ví dụ. Tuy nhiên, sự thật thì bức ảnh này đã xuất hiện từ năm 2012, và chữ “ass.” ở đây không phải là “mông”, mà là viết tắt của “assortment” có nghĩa là “tổng hợp, nhiều loại”. Có lẽ chủ nhà hàng muốn đưa ra món “Kem thập cẩm”, đúng là một hiểu lầm tai hại, nhưng nó tuyệt đối không xuất phát từ Sochi. 3. Chất lượng nước sinh hoạt quá kém Bức ảnh này được tung lên với chú thích về nguồn nước sinh hoạt trong các khách sạn tại Sochi, trông còn kém hơn nước nhiễm phèn ở Việt Nam. Thật sự gốc tích của bức ảnh này xuất phát từ Ukraine (nước láng giềng nhưng tuyệt đối không phải ở Nga), có từ tháng 8/2012 và trong thời gian đầu chính phủ nước này lắp đặt hệ thống cấp nước mới. 4. Đi toilet cũng cần có khán giả Chẳng biết ai thiết kế loại toilet này để làm gì, và mặc kệ mục đích là gì thì nó cũng trông vô cùng buồn cười. Người ta nói loại toilet này ở Sochi, nhưng chắc chắn nó sẽ chẳng liên quan gì tới các cơ sở của Olympic. Bức ảnh này lan tỏa như virus bởi sự quái dị của nó từ tháng 12/2013 trên khắp các website tin, ảnh hài hước. Rất khó tin loại toilet quái lạ này xuất hiện ở Olympic Sochi, rất có thể, nó là một sản phẩm của người Nhật… 5. Biển cảnh báo “Có nổ súng bất ngờ” Một tấm biển khiến ai trông thấy cũng phải xanh mặt. Nó có thể ở đâu đó tại Nga, nhưng không thể ở tại Sochi, nơi an ninh đang được siết rất chặt chẽ. Thật ra, những tấm biển loại này thường được thấy ở xung quanh các doanh trại quân đội nhằm cảnh báo việc người ta sẽ bất ngờ nghe thấy tiếng súng (do tập dợt quân sự bên trong) và sẽ không gây nguy hiểm. 6. Toilet công cộng như thời La Mã Nếu đây thật sự là toilet trong làng Olympic, chắc chắn sẽ có rất nhiều vận động viên xuống phong độ hoặc mắc các bệnh về hô hấp… Thật ra, toilet dạng này cũng xuất phát từ Nga, nhưng chính xác là từ Kazan University vùng Volga chứ chẳng phải làng Olympic. Có thể một người thích đùa nào đó đã Google cụm từ khóa “toilet Russia” và tìm được kết quả này. 7. Sochi không có mùa đông Ở đây đúng là Sochi, nhưng theo Reuters, bức ảnh này đã được chụp 1 năm trước đây. Đây là một hình minh họa hợp tình hợp lí cho một bài báo viết về những người nghèo tại Sochi, nhưng chắc chắn, đó không phải là thứ sẽ chào đón các vận động viên, giới truyền thông và du khách khi đến Sochi trong tháng 2 này. Huy Bách Nguồn Xã hội thông tin