(XHTT) Đã bao giờ bạn thử điều khiển chụp ảnh từ điện thoại hay tablet chưa? Sẽ vô cùng thú vị nếu bạn làm điều này bởi các ứng dụng được viết ra có thể hỗ trợ và đồng bộ với tất cả các chức năng trên máy ảnh. Ngoài ra, nó còn có thêm nhiều công cụ khác giúp tăng đáng kể trải nghiệm chụp ảnh. Cần hiểu rõ những thông tin sau đây trước khi bắt đầu. Trước hết, cần phải chắc rằng máy ảnh và điện thoại/tablet của bạn có thể tương thích với nhau, đặc biệt điện thoại/tablet phải là loại tương thích với trình điều khiển DSLR Controller. Để biết chắc chắn điều này, không có cách nào khác là bạn kiểm tra trên trang web của nhà phát triển ứng dụng và xem trong phần tương thích thiết bị. Ứng dụng được viết ra để chạy trên hầu hết các loại điện thoại Android nhưng lại chỉ có một số máy ảnh hỗ trợ được. Hầu hết các dòng máy Canon đều tương thích với trình điều khiển DSLR Controller, trong khi Nikon lại chạy ổn hơn với ứng dụng DSLR Dashboard. Bắt đầu Trước tiên, bạn cần tải về ứng DSLR Controller từ Google Play. Tiếp sau đó hãy cài đặt trình điều khiển này trên thiết bị Android. Sau khi cài đặt xong, bạn hãy cắm đoạn cáp USB OTG vào điện thoại để biến nó thành một thiết bị USB. Nó sẽ cho phép bạn kết nối nhiều loại thiết bị khác nhau, trong đó có máy ảnh, với điện thoại. Tiếp theo, bạn cắm cáp USB từ máy ảnh và đầu cáp USB OTG còn lại ở trên rồi bật máy ảnh lên. Trình điều khiển DSLR Controller sẽ khởi động ngay sau khi thiết bị Android nhận được chúng. Một số nguyên tắc cần thiết Việc đương nhiên đầu tiên là bạn phải biết thao tác trên máy ảnh. DSLR Controllerđược lập trình để có thể tương tác với tất cả các chức năng điều khiển mà bạn quen dùng trên máy ảnh. Nó thậm chí còn có thêm một vài công cụ khác kèm theo nhưng không hiển thị trên máy ảnh. Để chụp ảnh, bạn chỉ cần gõ vào nút lấy nét rồi sau đó nhấn vào nút chụp ở bên phía phải màn hình. Để lấy nét lại, bạn chỉ cần nhấn giữ vào một điểm khác nhau trên khung ngắm rồi sau đó sử dụng các công cụ tùy chỉnh ở phía mép màn hình. Thao tác Trên màn hình điều khiển chính, bạn sẽ thấy nhiều công cụ cho phép chụp ảnh trực tiếp từ điện thoại. Phía bên trái thanh sidebar là một loạt các điều khiển nhanh trong đó có chế độ lấy nét, kiểu ảnh, chế độ Drive, cân bằng trắng và các chế độ chụp riêng biệt khác. Chế độ lấy nét ở đây là dạng thức bổ trợ tự động cho lấy nét thủ công. Nó được biểu thị bằng các mũi tên tăng giảm theo cấp độ. Để chỉnh nét, trước tiên bạn cần chọn mức độ tăng giảm ở phần trên cùng rồi sau đó dùng mũi tên ở phía dưới để điều chỉnh độ nét đến mức phù hợp thì thôi. Khi mọi thứ đều ổn, bạn có thể nhấn vào nút chụp để chụp lại ảnh. Bạn có thể xem lại tất cả ảnh chụp trên thẻ nhớ điện thoại bằng cách nhấn vào nút Play trên màn hình. Có nhiều lựa chọn để xóa và lưu ảnh trong phần chỉnh sửa và chia sẻ nhanh trên ứng dụng. DSLR Controller cũng chạy ổn với các chế độ: Manual (thủ công), Aperture Priority (ưu tiên khẩu độ), hoặc Shutter speed Priority (ưu tiên tốc độ) và chế độ quay phim. Tiếp theo là dãy mũi tên ở thanh dưới cùng, bạn sẽ quan sát thấy các chức năng như tốc độ chụp, độ mở ống kính, phơi sáng và ISO. Các thông số về số lượng ảnh chụp còn lại và pin cũng hiển thị ngay góc bên phải. Thanh sidebar bên phải sẽ là nút hiển thị histogram để bạn xem lại mức ảnh sáng và độ phơi sáng của ảnh. Cùng ở thanh này còn có công cụ phóng to (kéo ô màu trắng tới khu vực ảnh bạn cần zoom và nhấn nút phóng to) và grid. Để tinh chỉnh sâu hơn, bạn có thể nhấn vào nút Settings ở góc phải dưới màn hình. Trong phần này có các tinh chỉnh sau. Thứ nhất là phần thiết lập nâng cao bao gồm phần xem lại ảnh (Image review), cho phép lưu ảnh trên thiết bị Android thay vì trên điện thoại hoặc có thể chọn cả hai. Phần HDR và phơi sáng tự động (HDR and Auto-exposure) cho phép bạn điều khiển mức phơi sáng dành cho các ảnh chụp theo kiểu HDR. Tiếp tới là phần lấy nét (Focus) cho phép chụp ảnh ở nhiều tiêu cự khác nhau để sau đó có thể kết hợp tạo thành một ảnh với khoảng tiêu cực rộng hơn. Tiếp theo theo là Time-lapse. Về cơ bản, time-lapse cũng là một dạng stop-motion (chụp liên tục nhiều tấm ảnh và ghép thành video) nhưng đặc biệt hơn là nó được tua nhanh thời gian thực trong khi stop-motion vẫn diễn ra với tốc độ bình thường. Phần cuối cùng là Wi-Fi cho phép một thiết bị Android khác có thể kết nối vào thiết bị đang sử dụng thông qua trình điều khiển DSLR Controller nhằm biến thiết bị thứ hai trở thành trình điều khiển chính. Các thao tác cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần kết nối cả hai thiết bị cùng vào một mạng Wi-Fi, rồi sau đó vào phần Settings và nhấn nút Launch để “bắn” DSLR Controller lên thiết bị Android thứ hai. Văn Hân Nguồn Xã hội thông tin