Theo đánh giá của các chuyên gia phát triển ứng dụng, các công cụ nhắn tin miễn phí trên di động như Line, Kakao Talk, Zalo, Wala phải thu hút 2 triệu người mới có thể đạt khả năng phát tán tự nhiên như Facebook ở Việt Nam. Whatsapp và Viber là hai trong số các phần mềm nổi tiếng nhất cho phép gọi điện, nhắn tin, gửi hình ảnh miễn phí giữa smartphone với nhau. Người dùng Việt Nam đã biết đến ứng dụng này khá sớm. Họ chỉ cần vào App Store hay Android Market tải về, đăng nhập số điện thoại và máy sẽ tự động gửi mã xác thực, tìm kiếm trong danh bạ những bạn bè đã tham gia ứng dụng, từ đó, dễ dàng gọi điện, nhắn tin miễn phí khi kết nối Internet. Ngày càng nhiều người dùng quen với việc dùng công cụ nhắn tin "chùa" trên di động thay cho dịch vụ SMS truyền thống. Tuy nhiên, nếu xét về sự có mặt chính thức thì Wechat của Tencent là ứng dụng xuất hiện đầu tiên trên thị trường trong nước từ tháng 4/2012. Hãng này thuê các ngôi sao ca nhạc quảng bá rầm rộ khiến lượng người dùng tăng vọt lên con số gần 1 triệu cuối năm 2012. Tuy nhiên, đến đầu 2013, Wechat bị phát hiện tích hợp bản đồ "đường lưỡi bò" trong sản phẩm và bị tẩy chay hàng loạt khiến lượng thành viên tụt dốc không phanh tại Việt Nam. Cùng thời điểm với cú "đột quỵ" của Wechat là sự vươn lên của Zalo và Wala do lúc này, cộng đồng trong nước quay sang ủng hộ sản phẩm thuần Việt. Trong khi đó, 2 ứng dụng miễn phí khác là Kakao Talk của Hàn Quốc và Line của Nhật Bản cũng đồng thời đổ bộ vào Việt Nam với các chiến dịch truyền thông quy mô không kém. Đến giữa tháng 2/2013, bảng xếp hạng ứng dụng tin nhắn miễn phí di động đã có sự thay đổi với vị trí số một thuộc về Zalo, tiếp đến là Line, thứ ba là Kakao Talk. Khi Wechat gần như đã bị loại khỏi cuộc chơi còn Whatsapp và Viber tuy quen thuộc nhưng lại chưa ra mắt chính thức ở Việt Nam, thì đa số đối thủ còn lại đều tăng tốc để thâu tóm thành viên. Họ tung ra các màn khuyến mại và quảng bá lớn trước Tết Nguyên Đán như thiết kế các bộ sticker mừng Tết miễn phí, chương trình chúc Tết trúng iPhone 5... Trong số này, Wala tỏ ra yên ắng do đây là sản phẩm của một nhóm cá nhân phát triển, chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực để hậu thuẫn về marketing. Ngược lại, Line, Kakao Talk và Zalo đều có thế mạnh là sản phẩm của những công ty với tiềm lực tài chính mạnh. Line và Kakao Talk hoạt động tốt trên smartphone có kết nối 3G và Wi-Fi còn Zalo hỗ trợ cả mạng 2G và 2,5G cùng các dòng điện thoại Symbian của Nokia. Nhiều người đơn thuần coi ứng dụng tin nhắn trên điện thoại chỉ để chat miễn phí nhưng thực tế đây có thể biến thành một mạng xã hội thu nhỏ. Một số chuyên gia công nghệ trong nước nhận định, bất cứ công cụ nhắn tin miễn phí nào cán đích 2 triệu người dùng trước thì sẽ trở thành ứng dụng chiến thắng. Cơ hội chiếm lĩnh thứ hạng số một trong lĩnh vực này tại Việt Nam hiện là ngang nhau bởi vẫn chưa ứng dụng nào cán mốc một triệu người dùng. Ngoài ra, năm nay người dùng có khả năng tiếp tục chứng kiến thêm sự ra mắt của nhiều ứng dụng nhắn tin di động miễn phí nữa. Châu An Nguồn: VNExpress