Chương trình phi thuyền X-37B tối mật của Mỹ đang khiến giới chuyên gia và khoa học không ngừng đồn đoán về mục đích thật sự của quân đội Mỹ. Một cuộc du hành không gian đơn thuần hay mở đầu một kỷ nguyên tình báo mới? Phi thuyền X-37B được phóng vào vũ trụ lần ba vào ngày 12/12/2012. Không quân Mỹ tuyên bố X-37B được phát triển nhằm “thử nghiệm các công nghệ về một tàu vũ trụ của không quân có khả năng đáng tin cậy, tái sử dụng và không người lái”. Cũng như hai lần phóng trước vào năm 2010 và 2011, báo chí không thể “moi móc” được gì về chương trình phát triển và thử nghiệm phi thuyền X-37B. Lý do đơn giản: dự án này được xếp vào loại “tối mật”! Theo trang Space.com, chương trình phi thuyền không người lái X-37B do NASA khởi xướng vào năm 1999 và hiện do Văn phòng tốc độ cao của không quân Mỹ điều hành. Nó có thể bay trong vũ trụ nhiều tháng liên tục, như chuyến bay năm 2010 là 224 ngày và năm 2011 là 469 ngày. Tuy nhiên, không thể dự liệu thời gian X-37B sẽ hoạt động trong quỹ đạo ở lần phóng thứ ba này là bao nhiêu. Chỉ có thể biết được rằng: “Cuộc thử nghiệm vẫn đang diễn ra. Thời gian thật sự tùy thuộc vào mục đích thử nghiệm, hiệu quả hoạt động và điều kiện bãi đáp” như báo Huffington Post ngày 22-2 dẫn lời thiếu tá không quân Eric Badger, người phát ngôn của chương trình X-37B, tiết lộ hơn hai tháng sau khi X-37B được phóng đi. Hoạt động tình báo? Do sự bí mật của chương trình mang tên chính thức là USA-240, được biết đến nhiều hơn với tên gọi OTV-3 (tàu thử nghiệm trên quỹ đạo 3), giới truyền thông và các chuyên gia không ngừng suy đoán về mục đích thật sự của X-37B. Nhiều giả thuyết được đưa ra, chẳng hạn như X-37B là nhằm làm nhiễu hoạt động của các vệ tinh trong vũ trụ, hoặc đây là loại vũ khí có thể tấn công từ xa, hoặc có chức năng tình báo. Có điều thời điểm X-37B được phóng lần 3 - ngẫu nhiên hoặc cố tình - trùng với thời điểm CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa lần 3. Hình đồ họa mô phỏng phi thuyền X-37B khi hoạt động trong không gian - (Ảnh: EPA) Spaceflight - tạp chí về khoa học vũ trụ hàng đầu của Anh - nhận định phi thuyền X-37B có thể dùng để giám sát trạm vũ trụ Thiên Cung 1 của Trung Quốc. Giả thuyết này dựa trên phân tích quỹ đạo bay của X-37B. “Giám sát lẫn nhau từ vũ trụ là một hướng đi mới và hoàn toàn có thể thực hiện được với các bộ cảm biến cực nhạy... Tôi nghĩ rằng X-37B có thể dùng để theo dõi chặt chẽ trạm vũ trụ còn non trẻ của Trung Quốc” - tiến sĩ David Baker, biên tập viên của Spaceflight, nhận định. Ông cho biết: “Trong thời chiến tranh lạnh, việc gia tăng hệ thống giám sát từ vũ trụ đã giúp chúng ta đạt được những thỏa thuận quân sự mà sẽ không bao giờ có thể có được nếu không biết rõ đối phương ở bên kia đang làm gì”. Tuy nhiên, cựu chuyên gia phân tích của không quân Mỹ Brian Weeden, lại cho rằng nếu nước Mỹ thật sự muốn giám sát Thiên Cung 1 thì có những công cụ khác hiệu quả hơn X-37B. “Tầm bay của X-37B thấp hơn, có nghĩa là nó chỉ quan sát được trong các vĩ độ hẹp, và khu vực khả thi nhất là Trung Đông và Afghanistan” - ông Weeden nói với BBC. Một số nhà quan sát vệ tinh cho biết thỉnh thoảng X-37B lại thay đổi quỹ đạo bay. Lý giải điều này, giáo sư Joan Johnson - Freese (Trường cao đẳng Chiến tranh hải quân Mỹ) nói với BBC: “Một mục đích thử nghiệm của không quân Mỹ là khả năng cơ động của phi thuyền. Quỹ đạo vệ tinh rất dễ đoán nên dễ bị vũ khí chống vệ tinh triệt hạ”. Theo bà, quân đội Mỹ từ lâu đã quan tâm đến việc phát triển các khả năng “né tránh, cơ động và khó dự đoán” đối với một phi thuyền. Tấn công từ không gian Tháng 6/2012, sau khi X-37B hoàn tất chuyến bay lần hai và trở về Trái đất, Tân Hoa xã nhận định phi thuyền này “có thể là tiền thân cho một loại vũ khí hoạt động trong quỹ đạo, có khả năng thả bom hoặc vô hiệu hóa vệ tinh của đối thủ khi nó bay vòng quanh Trái đất”. Đề cập sự kiện phóng X-37B lần ba, Nhân Dân Nhật Báo, trong bài phân tích đăng cuối tháng 1/2013, nhận định xu hướng phát triển công nghệ quân sự thế giới trong năm nay sẽ tập trung vào loại vũ khí có khả năng không kích từ không gian. Theo báo này, nếu Mỹ muốn duy trì thế lực quân sự hiện tại của mình thì phải thực hiện chiến lược giảm phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân và phát triển các loại vũ khí thông thường có khả năng tấn công từ không gian. Vũ trụ cũng là một khu vực quan trọng để quân đội Mỹ thực hiện các cuộc không kích trong tương lai. Nếu Mỹ phát hiện một mục tiêu nguy hiểm thì nước này có thể tấn công ngay trước khi nó được phóng vào vũ trụ hoặc tiêu diệt ngay trong vũ trụ. “Máy bay siêu thanh Falcon và X-37B chính là đại diện cho xu hướng phát triển công nghệ vũ trụ tương lai của Mỹ” - Nhân Dân Nhật Báo nhận định. Nguồn VNExpress