Từ chiếc máy Mac đầu tiên ra đời vào năm 1984, năm nay Apple đã kỷ niệm 30 năm tham gia vào cuộc cách mạng máy tính để trở thành đối thủ cạnh tranh với PC Windows, đặc biệt là trong lĩnh vực máy tính đồ họa. Ngày 24 tháng 1 năm 2014 là ngày kỷ niệm 30 năm chiếc máy tính Apple Macintosh đầu tiên ra đời. Đó là mẫu máy đã khởi động một cuộc cách mạng máy tính mà chúng ta từng biết đến. Sau đây là sơ lược lịch sử về mẫu máy luôn tiến hóa của Apple, mẫu máy tính cá nhân đầu tiên từng có giao diện người dùng đồ họa trên thị trường đại chúng. 1984 – Khởi đầu mẫu máy all-in-one Mẫu máy Mac đầu tiên. Ngày 24/1/1984, CEO của Apple lúc đó là Steve Jobs đã công bố mẫu máy Mac đầu tiên trên thế giới là một mẫu máy tính all-in-one (tất cả-trong-một) với màn hình 9 inch, chip xử lý 8MHz 68k, bộ nhớ RAM 128k và ổ đĩa mềm 3,5 inch. Điểm nổi bật nhất của chiếc máy này là giao diện người dùng đồ họa được điều khiển bởi chuột máy tính, bao gồm những yếu tố của hãng nghiên cứu Xerox Parc huyền thoại tại Palo Alto, bang California (Mỹ). Chiếc máy Mac đầu tiên này còn có hai ứng dụng mang tính cách mạng là MacPaint và trình xử lý văn bản MacWrite. Máy có giá bán lẻ vào thời đó là 2.495 USD, có độ cao khoảng 14 inch và trọng lượng khoảng 7,5kg, nhưng tổng trọng lượng kể cả túi xách tùy chọn mua riênglà khoảng 10kg. 1985 – Ứng dụng văn phòng có mặt trên Mac Người ta thường cho rằng Microsoft là kẻ thù của máy Mac. Nhưng sự thật không phải là thế. Microsoft là một trong những đối tác lớn đầu tiên của Mac, chính xác là một năm sau khi máy Mac được tung ra thì Microsoft đã cung cấp hai ứng dụng độc quyền là Word và Excel. Vào lúc này, Microsoft cũng đã mua lại ứng dụng PowerPoint từ công ty Forefront. Ngoài ra, trong năm 1985 đã có máy in laser Apple đầu tiên và chương trình xuất bản Aldus PageMaker cho máy tính để bàn. Đây là hai yếu tố phát triển giúp khởi động cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản của máy tính để bàn mà máy Mac từng nổi tiếng trong lĩnh vực này. Đến cuối năm 1985, hai nhà đồng sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak đều rời khỏi hãng Apple, trong khi Microsoft đã tung ra phiên bản Windows 1.0 – một động thái làm cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của máy tính cá nhân PC sau này. 1986 – SCSI là then chốt Mẫu máy Mac được nâng cấp chủ yếu dưới dạng máy Macintosh Plus. Lúc này máy có RAM 1MB và chuẩn SCSI; một chuẩn kết nối ngoại vi mới giúp kết nối thành chuỗi các thiết bị như máy in và ổ đĩa cứng ngoài với nhau. Hệ điều hành Mac đã đạt đến phiên bản 3.0 và gồm có các cải tiến như khả năng xếp lồng các thư mục vào nhau. 1987 – Chú trọng đến doanh nghiệp Mẫu Macintosh Plus dọn đường cho hai mẫu máy Mac mới: Macintosh SE có tùy chọn hai ổ đĩa mềm (floppy drive) hay một ổ đĩa cứng gắn trong, trong khi Macintosh II nhắm vào người dùng doanh nghiệp. Mẫu Mac II có màn hiển thị 13 inch 256 màu, bộ xử lý 16Mhz và có thể được trang bị đến 128MB RAM. Trong khi đó, HĐH Mac đã đạt đến phiên bản 5.1 hỗ trợ khả năng in chạy nền (background printing). 1988 – CD-ROM mở hướng cho tương lai Apple giới thiệu mẫu Macintosh IIx chạy phiên bản 6.0, một trong những máy tính cá nhân đầu tiên có ổ đĩa CD-ROM. Cùng lúc, Steve Jobs giới thiệu thành quả đầu tiên của công ty máy tính mới của ông, mẫu máy NeXT. Đó là mẫu máy tính liền khối có tên gọi NeXT Cube trang bị một ổ đĩa quang học từ tính (thay vì ổ đĩa mềm floppy) và có màn hình 17 inch tiêu chuẩn. Steve Jobs lúc đó đã hướng đến các công nghệ tương lai mà hầu hết các mẫu máy Mac sau này đều có. 1989 – Laptop Mac đầu tiên Năm 1989, Apple đã giới thiệu 3 mẫu máy Mac để bàn mới gồm SE/30, Mac IIc và Mac IIci. Trong những mẫu này, Mac IIci là model hấp dẫn nhất thuộc dạng kết cấu nhiều khối với màn hình màu rời và vỏ máy để bàn gọn hơn, có bộ xử lý 25MHz 68k khiến nó trở thành mẫu máy Mac nhanh nhất được sản xuất lúc bấy giờ. Apple cũng đã giới thiệu mẫu laptop đầu tiên của hãng là Mac Portable nặng 7,25kg, có giá 6.500 USD vào tháng 9 năm đó. Tại công ty NeXT, Steve Jobs giới thiệu HĐH NeXTstep mới dựa trên Unix có liên quan đến các mẫu Mac tương lai sau này. 1990 – Máy tính cho thị trường đại chúng Cỗ máy Macintosh IIfx mạnh mẽ nhất thời đó. Năm 1990, Apple đã giới thiệu mẫu máy tính nhanh nhất của hãng Macintosh IIfx có tốc độ xử lý 40MHz. Model này được thiết kế để phản bác ý kiến cho rằng máy tính chạy DOS của Microsoft là nhanh hơn nhiều so với máy Mac sử dụng giao diện người dùng đồ họa GUI của Apple. Microsoft Windows 3.0 bắt đầu xuất hiện cùng năm khi Apple đã nắm 20% tổng thị trường máy điện toán. 1991 – Hiệu năng là chủ yếu Apple nâng cao chất lượng máy tính bằng cách tung ra 6 mẫu máy Mac mới, gồm cả hai mẫu Quadra cao cấp dạng tháp để bàn với các CPU Motorola 68040 có tốc độ nhanh gấp 2,5 lần so với các mẫu tiền nhiệm. Apple cũng đã giới thiệu một loạt các mẫu máy Mac xách tay gọi là PowerBook. Đây là các loại laptop đầu tiên có bàn phím ở phía sau và bàn rê ở phía trước. Hệ điều hành Mac lúc này đã được nâng lên phiên bản System 7.0. 1992 – Apple gặp thất bại Apple dường như không còn hài lòng với chính mình nữa. Thoạt đầu, hãng cho xuất xưởng một loạt máy Mac có tên Performa hiệu năng thấp. Sau đó, Microsoft kết hợp với Intel để tung ra các loại máy tính x486 có hiệu năng tốt hơn chạy Windows 3.1 ngày càng được ưa chuộng. Ở công ty NeXT, mọi việc tiến triển tốt hơn với phiên bản 3.0 của HĐH NeXTstep chuyển đổi từ CPU Motorola 68k sang CPU Intel. Phiên bản này được tung ra vào một năm sau đó. 1993 – Windows cạnh tranh thị phần Apple giới thiệu 19 mẫu máy Mac mới chia làm 6 loại khác nhau, gồm loại cơ bản ColorClassic cho đến loại LC bình dân, Centris tầm trung và Quadra cao cấp. Ngoài các mẫu Performa và PowerBook, Apple còn cho biết hãng đã xuất xưởng máy Mac thứ 10 triệu của hãng, nhưng mức cạnh tranh ngày càng gay gắt và Microsoft cho biết Windows lúc đó đang được hơn 25 triệu người sử dụng. 1994 – Chuyển sang PowerPC Apple bắt đầu bước chuyển đổi chủ yếu đầu tiên trong suốt lịch sử 10 năm của máy Mac. Bắt đầu với 3 mẫu Power Mac đầu tiên là các mẫu máy chạy trên cấu trúc PowerPC RISC (Reduced Instruction Set Computer). Các loại chip PowerPC chạy nhanh hơn nhiều so với loại chip CISC mà Apple đã dùng trước đó và là sản phẩm kết hợp giữa Apple, IBM cùng với Motorola. Trong năm 1994, Apple cũng đã giới thiệu phiên bản hệ thống System 7.5. 1995 – Máy Mac không thể cạnh tranh Trong khoảng thời gian này, Apple đã gặp hai tai họa liên tiếp. Đó là sự ra đời của Windows 95 và sự thành công liên tục của CPU Pentium được ưa chuộng không ngờ của Intel. Các loại máy Mac chạy PowerPC của Apple đang bán chạy nhưng các model khác không gây được ấn tượng. Apple đã để hệ điều hành của hãng cạnh tranh quá muộn với các nền tảng Windows và Intel. Nhưng đến tháng 9/1995, Steve Jobs phát biểu rằng ông biết cách thay đổi vận mệnh của Apple nhưng không ai ở hãng chịu nghe ông. 1996 – Steve Jobs trở về Vào tháng 2/1996, Steve Jobs làm nhiều người ngạc nhiên khi nói rằng nếu được giao quản lý Apple, ông sẽ khai thác hết mức máy Mactintosh và sẽ bắt tay vào những công việc to lớn kế tiếp. Chiến tranh máy tính đã chấm dứt. Microsoft đã thắng cách đây đã lâu. Apple sau cùng đã cho ngưng các bộ xử lý 68k cũ kỹ và bắt đầu nghiên cứu nền tảng System 8.0, là phiên bản kế tiếp của hệ điều hành Mac. Vào cuối năm này, Apple cũng đã mua lại công ty NeXT của Jobs và hệ điều hành NeXTstep của công ty này. Steve Jobs đã trở về, báo hiệu Apple sẽ trở thành một hãng công nghệ hàng đầu được biết đến như ngày nay. 1997 – Jobs quay về với khái niệm cơ bản Thời điểm này, Apple có quá nhiều loại sản phẩm nhưng lại quá ít khách hàng và đang chảy máu dòng tiền. Vào tháng 10/1997, Steve Jobs lúc đó đang là CEO tạm thời đã giải thích về tình thế khó khăn là Apple có vài tài sản giá trị lớn nhưng ông tin rằng hãng có thể sẽ chết nếu không đi đúng đường. Apple thuyết phục Bill Gates mua cổ phần trị giá 150 triệu USD của Apple. Jobs cho diệt hết các bản nhái Mac. Hệ điều hành Mac đã được nâng lên phiên bản System 8.0 và Apple bắt đầu nghiên cứu Rhapsody, tiền thân của Mac OS X. Đến cuối năm, Apple xuất xưởng các loại máy Mac có chip PowerPC G3 có hiệu năng tốt hơn các mẫu tiền nhiệm. 1998 – iMac báo trước một kỷ nguyên mới Steve Jobs tiếp tục tấn công vào danh mục sản phẩm của Apple, cho ngưng sản xuất sản phẩm Newton PDA. Ông cho tập trung vào một sản phẩm mới giúp mang Apple lại khởi nguyên của hãng, là chiếc máy tính iMac đầu tiên. Theo hình dung của Jobs, đó là một thiết bị liền khối có bộ xử lý PowerPC G3 tốc độ 233MHz, 32MB RAM, ổ đĩa cứng 4GB và màn hình 15 inch. Máy không có ổ đĩa mềm hay các loại cổng truyền thống, nhưng thay vào đó là hệ thống kết nối Internet dễ dàng cùng với cổng USB, một chuẩn kết nối ngoại vi mới của Intel. Loại máy này là một thành công bất ngờ đối với người tiêu dùng trên khắp thế giới lúc bấy giờ. 1999 – G4 tăng tốc Mẫu iMac Bondi Blue nguyên thủy. Mẫu iMac có tốc độ càng ngày càng nhanh và được sản xuất với nhiều màu hấp dẫn hơn. Còn có thêm mẫu Power Mac màu xanh dương Bondi Blue với bộ xử lý G3 PowerPC có tốc độ lên đến 450MHz. Apple cũng đã giới thiệu một loạt laptop G3 mới, gồm loại iBook có dạng ghế toilet. Ngạc nhiên nhất là mẫu máy dạng tháp Power Mac G4 mà Apple gọi là “siêu máy tính để bàn đầu tiên trên thế giới”. Sau cùng, Apple công bố bộ định tuyến AirPort chuẩn Wi-Fi 802.11b và phiên bản Mac OS X Server đầu tiên dành cho máy chủ. Đó là trải nghiệm đầu tiên của thế giới về bước chuyển chủ yếu của giao diện người dùng Mac. 2000 – OS X lộ diện Steve Jobs công bố phiên bản người dùng cá nhân của Mac OS X với những bản beta xuất hiện vào cuối năm. Nói cho cùng thì hệ điều hành này trông đẹp mắt nhưng vẫn còn thiếu nhiều tính năng và chạy quá chậm. Tuy nhiên, nó rất khác so với nền tảng System 9. Các sản phẩm Mac lúc đó của Apple như iMac, iBook, Power Mac và PowerBook đều có cải thiện tốc độ và thay đổi màu sắc so với các sản phẩm cách mạng khác. Ngoài ra còn có mẫu Power Mac G4 Cube – một mẫu máy Mac không sử dụng lại dạng của thời Steve Jobs còn ở công ty NeXT. Mẫu máy này thất bại hoàn toàn vì quá mắc và vỏ dễ bị nứt. 2001 – Hiện tượng “Windows Vista” của Apple Apple trình làng hệ điều hành Mac OS X 10.1 có thiết kế màu Aqua, dùng hiệu ứng mờ và bổ sung các tính năng còn thiếu. Tuy nhiên, phiên bản này vẫn còn rất chậm và thuật ngữ “spinning beach ball of death” (tạm dịch là “quả bóng quay tử thần”) đã nhanh chóng trở thành nhóm từ quen thuộc trong từ vựng của người dùng Mac. Về mặt thiết kế, có thể gọi đây là hiện tượng Windows Vista của Apple – quá chậm và không thể thật sự dùng được. Apple cũng giới thiệu một thiết kế hoàn toàn mới cho các mẫu laptop của hãng với model PowerBook có màn hiển thị 15 inch định dạng rộng tỉ lệ 16:9 và CPU G4 trong vỏ titanium dày. Lúc đó cũng bắt đầu có các mẫu iBook đầu tiên, nhưng mẫu iMac mới lại là một thảm họa: thiết kế vỏ có hoa văn Blue Dalmation và Flower Power đã khiến khách hàng xa lánh. Sau cùng, Apple tung ra một thiết bị chơi nhạc 5GB gọi là iPod, trong khi Microsoft tung ra hệ điều hành Windows XP vẫn còn chậm chạp. 2002 – Nhịp độ cập nhật OS X khởi sắc hơn Apple tung ra một phiên bản sửa chữa của iMac với đế bán cầu và màn hiển thị phẳng nằm trên giá đỡ mạ crôm. Hãng cũng trình làng các mẫu iBook mới, các mẫu G4 Power Mac cải tiến và mẫu eMac dùng trong trường học. Phiên bản OS X 10.2 Jaguar cũng được giới thiệu với 150 tính năng mới và gia tăng tốc độ lâu nay được chờ đợi. 2003 – Làm mới hoàn toàn Apple đã cho ngưng chế độ Mac OS Classic và cải tiến toàn bộ dòng máy Mac: iBook, PowerBook, máy tháp Power Mac G4, iMac và eMac. Power Mac G5 cũng được tăng tốc độ với hai bộ xử lý PowerPC G5 64-bit của IBM, mỗi bộ chạy ở tốc độ 2.0GHz. Chiếc máy nghe nhạc iPod của hãng lúc này có dung lượng đạt 40GB được tung ra cùng lúc với iTune Store và ứng dụng iTunes dùng trên Windows. 2004 – Hiện trạng iMac Phiên bản mừng Sinh nhật thứ 20 của máy Mac. Trong năm này, iPod vượt trội hẳn so với máy Mac dù Apple cho rằng máy Mac là từ những người sáng tạo ra iPod. Chiếc iMac được nâng cấp nhiều với thiết kế liền khối, “gói” một máy tính vào sau chiếc màn hình LCD phẳng. Đây cũng là thiết kế quen thuộc của mẫu máy iMac trong suốt một thập niên nay. Lúc bấy giờ, Apple đang vững mạnh nhưng thị phần máy tính của hãng đã giảm xuống mức thấp nhất, chỉ còn 3% trên toàn thế giới. 2005 – Mac G5 ra đời nhưng không thể cạnh tranh IBM đã cung cấp chip PowerPC G5 hai nhân đầu tiên cho Apple, giúp hãng này cung cấp mẫu máy Power Mac G5 cho các khách hàng chuyên nghiệp với các CPU hai nhân bên trong. Tuy nhiên, IBM không thể đáp ứng những gì Apple thật sự cần là một loại chip PowerPC G5 có công suất nhỏ để có thể sử dụng trong dòng iBook và PowerBook yếu hơn của Apple. Do đó, vào tháng 6/2005, Steve Jobs tuyên bố Apple phải thực hiện chuyển đổi lớn lần thứ 3 sang dùng bộ xử lý Intel. Điều này cũng có nghĩa là phần cứng của Apple sẽ không còn khác với các loại máy tính PC khác. Mac OS X 10.5 được công bố vào tháng 4 năm này. Mac Mini cũng chào ra mắt vào tháng 1/2005 với bộ xử lý PowerPC G4 và cho đến nay đã được sửa chữa nhiều lần. Bắt đầu với một cấu hình khiêm nhượng, hiện nay Mac Mini đã trở thành một máy tính rất mạnh với các bộ xử lý Intel Core i7. 2006 – Intel xâm nhập máy Mac Mỗi máy Mac mà Apple sản xuất đều bỏ chip PowerPC để chuyển sang dùng bộ xử lý Intel Core Duo, bắt đầu với iMac, Mac Mini và MacBook Pro vào tháng 1/2006, và kết thúc với Mac Pro vào tháng 8/2006. Đến cuối năm đó, MacBook Pro đã được nâng cấp lại lần nữa với bộ xử lý Core 2 Duo. Ứng dụng Boot Camp cũng được giới thiệu trong năm này, giúp tất cả các chủ sở hữu máy Intel Mac khởi động song song hai nền tảng Mac và Windows. Các ứng dụng phổ dụng cho cả Intel lẫn PowerPC không thông dụng như thế, nhưng phần mềm Rosetta của Apple giúp các ứng dụng PowerPC chạy trên máy Intel Mac. 2007 – Máy Mac xách tay có hiệu năng mạnh mẽ Mẫu laptop MacBook đầu tiên. Năm này, Apple khởi động rất thành công và hãng tuyên bố sẽ bán Mac Pro 8 nhân như một tùy chọn đặt hàng. Apple dùng chipset Intel Santa Rosa cho MacBook Pro trong tháng 8/2007 và nâng cấp iMac với vỏ bằng nhôm và kính, sử dụng CPU Intel Core 2 Duo. Trong năm 2007, mẫu điện thoại iPhone của Apple được giới thiệu với quảng cáo tại triển lãm Macworld Expo vào tháng 1 về lịch sử của công ty và tuyên bố “30 năm đầu tiên chỉ mới là thời gian đầu”. Cũng trong năm này, Microsoft Windows Vista được phát hành và bị nhiều người chỉ trích trước khi OS X 10.5 Leopard được bán ra vào tháng 10. Đây là phiên bản nâng cấp OS X bán được nhiều nhất của Apple lúc bấy giờ. 2008 – MacBook Air tạo đột phá Năm thành công nhất của Apple bắt đầu với tuyên bố rằng Mac Pro sẽ có tính năng xử lý 8 nhân làm chuẩn, thêm vào đó là có các loại iMac, MacBook và MacBook Pro chạy nhanh hơn. Apple cũng công bố MacBook Air − một loại notebook cực mỏng nhẹ có bàn rê đa chạm dành cho cử chỉ. Đến cuối năm, MacBook và MacBook Pro được cải tiến một lần nữa với vỏ khung cấu trúc nguyên khối làm từ nhôm chắc chắn. 2009 –MacBook Pro nhỏ hơn Vào tháng 6/2009, Steve Jobs tuyên bố rằng phiên bản hệ điều hành OS X 10.6 Snow Leopard sẽ giúp tất cả các ứng dụng khai thác tối đa công suất của các bộ xử lý đa nhân. Tuy nhiên, năm này đáng chú ý là có sự ra mắt của phiên bản MacBook Pro 13,3 inch được mong chờ từ lâu. Đây là phiên bản kế tiếp tất yếu của phiên bản PowerBook G4 kích thước 12 inch. 2010 – Tải xuống là tương lai Người dùng được hứa hẹn sẽ có thể cập nhật các phiên bản hệ điều hành OS X tương lại không cần đến ổ đĩa quang mà chỉ cần tải xuống từ cửa hàng ứng dụng Mac App Store vừa mới ra mắt. Tuy nhiên, phiên bản Snow Leopard được giới thiệu trong năm này vẫn chưa được cải tiến như lời hứa. Mẫu laptop siêu mỏng MacBook Air 11 inch cũng được giới thiệu với ý đồ Apple sẽ tung ra một loại máy để cạnh tranh với tất cả các loại netbook giá rẻ đã có trên thị trường lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau đó hãng lại quyết định tung ra mẫu tablet iPad và mở ra một cuộc cách mạng điện toán mới. 2011 – Giao tiếp Thunderbolt nhanh hơn Hệ điều hành OS X Lion được tung ra vào tháng 7/2011. Đây phiên bản đầu tiên của OS X không được phát hành trên đĩa quang dưới bất kỳ định dạng nào. Có một phiên bản flash USB dành cho phép người dùng có thể nâng cấp nếu gặp vấn đề trong kết nối mạng. Nhiều người chưa nâng cấp lên Snow Leopard đều bị kẹt vì họ không truy cập được vào cửa hàng trực tuyến Mac App Store. Cũng trong năm 2011, Apple đã cho xuất xưởng các mẫu laptop MacBook Pro đầu tiên có công nghệ Thunderbolt của Intel. Công nghệ này dùng cùng chuẩn cổng vật lý như Mini DisplayPort vốn là loại cổng vẫn chưa bị loại bỏ mà vẫn tiếp tục có trên tất cả máy Mac mới. 2012 – Màn hình Retina Người hâm mộ dòng Mac Pro từ lâu bị quên lãng cuối cùng cũng phấn khởi với nguồn tin là sẽ có một phiên bản mới được công bố trong năm 2013. Vào mùa hè 2012, cửa hàng ứng dụng Mac App Store đã có phiên bản OS X 10.8 Mountain Lion, tiếp tục khuynh hướng của OS X Lion được đồng nhất với thiết kế của nền tảng di động iOS. Cuối năm 2012 có mẫu Mac Mini cải tiến cùng với một mẫu iMac mới có màn hình mỏng hơn nhiều, chỉ 5mm ở các cạnh. Mẫu laptop MacBook Pro cũng được nâng cấp nhưng sở hữu một phiên bản màn hình hiển thị Retina hoàn toàn mới cùng cấu trúc khung nguyên khối viền mỏng mà không có ổ đĩa quang. Cả 2 phiên bản 15 inch và 13 inch của năm 2012 đều được sửa đổi vào đầu năm 2013. Các model mới này cũng nổi tiếng nhờ có cổng HDMI. 2013 – Mac Pro mới với thiết kế độc đáo Mẫu Mac Pro hình trụ độc đáo. Cuối năm 2013, mẫu máy tính để bàn Mac Pro với thiết kế hình trụ tròn mới lạ được tung ra cùng với phiên bản hệ điều hành OS X 10.9 Mavericks. Marvericks không phải là một bước nhảy vọt lớn và cũng gặp vài vấn đề như đa số sản phẩm mới khác, nhưng hệ điều hành này vẫn cực kỳ thành công đối với Apple. Nguồn PC World VN