Đó là những phương pháp phẫu thuật theo dòng lịch sử loài người. Trải qua hàng ngàn năm, loài người đã đạt được bước tiến đáng kể trong y học, từ việc loại bỏ những cuộc phẫu thuật đau đớn như đục sọ, lấy que nhọn chọc vào mắt... đến ca phẫu thuật cùng máy móc tiên tiến, tăng cơ hội sống sót. Hãy cùng trang New Scientist điểm qua một vài phương pháp phẫu thuật có phần hơi ghê rợn cùng tiến bộ của nó theo dòng lịch sử loài người dưới đây. 1. Phẫu thuật hộp sọ - thời xa xưa Các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra những bằng chứng rất thuyết phục cho thấy, thời xa xưa, phương pháp phẫu thuật hộp sọ, khoan xương đã được áp dụng. Biện pháp phẫu thuật này đã được sử dụng để điều trị những chấn thương ở đầu, rối loạn đau nửa đầu, động kinh hoặc các bệnh về tâm thần do quỷ ám. Máy khoan tay chính là công cụ duy nhất được dùng để loại bỏ một phần của xương sọ. Đương nhiên, những ca "phẫu thuật" này hoàn toàn không được vô trùng và không có bất cứ loại thuốc gây mê, giảm đau nào. Nhiều kỹ thuật cắt hộp sọ được tiến hành cùng một lúc. Đầu tiên, người bệnh được cạo tóc, rồi bôi loại chất thảo dược đánh dấu vùng sọ cần tác động và tiến hành khoan. Điều kỳ lạ là rất nhiều bệnh nhâu sống sót sau những cuộc phẫu thuật đặc biệt này. Nếu khỏi bệnh, sau vài năm, xương sọ của bệnh nhân sẽ dần phát triển để che phủ khoảng trống bị khoan. Nhưng cũng có trường hợp nó không thể lấp đầy hoàn toàn, dẫn đến việc người bệnh sẽ chung sống suốt đời với một lỗ hổng trên hộp sọ. 2. Phẫu thuật đục thủy tinh thể - thời Trung Cổ Đây là một trong những phương pháp phẫu thuật ghê rợn có từ thời Trung Cổ. Để loại bỏ đục thủy tinh thể, người ta chèn một vật kim loại cong và sắc bén được gọi là Salaka Jabamukhi vào bên trong mắt. Vật này “xuyên thủng” giác mạc của mắt, rồi đẩy nhân đục ra khỏi vùng mắt. Dần dần, phẫu thuật đục thủy tinh thể cũng được cải thiện hơn. Thay bằng việc sử dụng vật kim loại sắc, người ta sử dụng một ống tiêm kim loại rỗng chọc vào “phần trắng” của mắt và hút chúng ra. Đương nhiên, trong quá trình phẫu thuật, người bệnh phải chịu sự đau đớn khủng khiếp do các dụng cụ phẫu thuật thô sơ, không thuốc gây mê và đặc biệt là không chất khử trùng. Hầu hết người bệnh không được chữa khỏi mà thường tử vong trong thời gian điều trị. 3. Chữa trị bằng… "phép thuật" - thời Hy Lạp cổ đại Đôi khi, những mẩu truyện thần thoại cũng là nguồn tư liệu tốt cho chúng ta hiểu hơn về nền y khoa của người cổ đại. Trong thần thoại Hy Lạp, người anh hùng Achilles đã giao chiến và đả thương Telephus - con trai của Á thần Heracles. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng, “thứ gì gây nên vết thương cũng có thể chữa lành”, nên Telephus đã thuyết phục Achilles chữa trị cho mình. Đây có thể coi là một phương pháp phẫu thuật với việc sử dụng vật sắc nhọn, loại bỏ phần thịt bị nhiễm trùng, khiến vết thương mau lành hơn. 4. Phẫu thuật cắt bỏ - 7.000 năm trước Hai nhà khảo cổ học Cécile Buquet-Marcon và Anaick Samzun cùng với chuyên viên giám định Philippe Charlie đã nghiên cứu các hiện vật trong hầm mộ tại Buthiers-Boulancourt, Pháp. Nghiên cứu này đã cho thấy 7.000 năm trước, con người đã biết cách phẫu thuật trong điều kiện vô trùng. Đó là bộ xương của một chiến binh lớn tuổi. Vết thương đó được phỏng đoán là do bị thú tấn công nhiều hơn là vì gặp nạn trong chiến trận. Cánh tay trái bị dập nát, nếu kéo dài tình trạng này thì người bị thương có thể tử vong vì đau đớn hoặc nhiễm trùng. Bức ảnh diễn tả quá trình phẫu thuật của bác sĩ Ambroise Paré thế kỷ XVI Các thầy thuốc thời đó đã dùng viên đá rất cứng, sắc nhọn để cắt lìa cánh tay của người bị thương. Trước đó họ giảm đau cho người bệnh bằng cà độc dược và dùng một số loại thảo dược để sát khuẩn. Sau này, phẫu thuật cắt bỏ tay chân được thực hiện nhiều hơn, đặc biệt khi có chiến tranh. 5. Phẫu thuật sử dụng thuốc gây tê - 1849 Bên cạnh các loại thuốc được sử dụng để giảm đau như rượu hoặc thuốc phiện, thuốc gây tê ra đời vào thế kỷ XIX đánh dấu một bước tiến lớn trong nền y học của nhân loại, mà từ đó cơn ác mộng do phẫu thuật gây ra đã không còn. Bức ảnh trên mô tả ca phẫu thuật đầu tiên sử dụng Ete do bác sĩ William Morton thực hiện vào năm 1849, tại bệnh viện Đa khoa Massachusetts. 6. Phẫu thuật cấy ghép tim - 1960 Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sĩ đã có thể tiếp cận với bộ phận được coi là “không thể đụng tới” trong quá khứ - trái tim. Một trong những kỳ tích của nhân loại, đó là cấy ghép tim nhân tạo để cứu người, được bác sĩ ngoại khoa nổi tiếng Denton Cooley thực hiện lần đầu tiên vào năm 1960, tại bệnh viện St Luke, Houston, bang Texas (Mỹ). Tuy sau đó 3 ngày, bệnh nhân đã tử vong, nhưng đây được coi là cơ sở để bác sĩ Cooley thực hiện một số ca phẫu thuật tim hở không truyền máu, cứu sống nhiều bệnh nhân sau này. 7. Mổ nội soi - đầu thế kỷ 20 Từ khi kỹ thuật nội soi ra đời vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20 (từ 1902 - 1910), đây có thể coi là sự lựa chọn hàng đầu của bác sĩ lẫn bệnh nhân hiện nay. Khi thực hiện mổ nội soi, các bác sĩ sử dụng ống soi có gắn camera và đèn, luồn vào trong vết mổ để nhìn phía trong cơ thể bệnh nhân. Vết mổ khi thực hiện mổ nội soi rất nhỏ, chảy máu ít, có tính an toàn và hiệu quả cao hơn hẳn so vơi mổ hở, đồng thời để lại ít biến chứng. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân không mất một giọt máu nào trong quá trình phẫu thuật. 8. Phẫu thuật bằng robot Các robot phẫu thuật được lập trình hoạt động bằng các phần mềm chuyên sâu về bệnh lý, cơ thể người. Vì vậy nó có thể tiến hành những ca mổ từ đơn giản đến phức tạp. Bác sĩ đôi khi vẫn gặp sai lầm trong thao tác - nhất là với những ca mổ khó nhưng robot thì không. Trong những ca vi phẫu hoặc bóc tách những khối u ác tính, với sự trợ giúp của cánh tay robot, ca phẫu thuật sẽ được thực hiện chính xác đến từng phần trăm milimet. Bởi vậy, đây cũng là lý do tại sao ngày càng nhiều bệnh viện trên thế giới đưa robot phẫu thuật vào ứng dụng trong giải phẫu lâm sàng. Trong tương lai, không nhất thiết bác sĩ và bệnh nhân phải ở cùng một phòng, thậm chí là cùng đất nước khi thực hiện phẫu thuật. Các bác sĩ có thể thực hiện giải phẫu từ xa, thông qua các hệ thống lập trình như hệ thống robot phẫu thuật Da Vinci - được đặt tên theo Leonardo Da Vinci, người có thể coi là cha đẻ của robot. Nguồn KhoaHoc.com.vn