Những chiếc đèn đường “biết nói”

Discussion in 'Khám phá - Phát minh' started by bboy_nonoyes, Jan 21, 2014.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 327)

    Hãy tưởng tượng một chiếc đèn đường biết bạn đang đi đến từ xa và bật sáng để soi đường. Hay bạn đang có một buổi hẹn hò, đèn có thể thay đổi màu sắc giúp bạn thể hiện “lời muốn nói”. Nó cũng có thể đổ chuông chào đón năm mới cùng với hiệu ứng ánh sáng rực rỡ, thay đổi màu sắc và thời gian chiếu sáng theo ý muốn, thậm chí thông báo kết quả trận đấu thể thao đang diễn ra... Hệ thống đèn chiếu sáng do nhà thiết kế người Hà Lan phát minh không chỉ dừng lại ở việc tiết kiệm điện.

    Tiết kiệm 80% năng lượng


    Hệ thống đèn đường có tên gọi Tvilight do nhà thiết kế Chintan Shah phát minh từ lúc còn là sinh viên trường Đại học Công nghệ Delft. Trong những lần ra nước ngoài, anh nhận thấy có rất nhiều đèn đường vẫn còn chiếu sáng trên đường phố, ngay cả khi ban đêm, đường vắng vẻ không một bóng người. “Tôi bắt đầu nghiên cứu và phát hiện ra một con số đáng kinh ngạc” - Chintan Shad cho biết. Và anh thấy rằng, châu Âu phải tốn hơn 13 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống đèn đường, chiếm hơn 40% hóa đơn năng lượng của chính phủ. Điều này cũng đồng nghĩa với khoảng 40 triệu tấn khí thải CO2 mỗi năm - tương đương 20 triệu xe ô tô.

    [​IMG]

    Giải pháp của Chintan Shad đưa ra là tạo một hệ thống chiếu sáng thông minh “theo yêu cầu”, sử dụng bộ cảm biến không dây. Đèn đường chỉ sáng lên khi có sự xuất hiện của con người, xe đạp hay ô tô, còn những lúc khác, nó chỉ sáng mờ mờ. Nhà thiết kế Shah cũng phát triển công nghệ để đèn có thể phân biệt giữa con người và các loại động vật nhỏ hơn khác để tránh việc chiếu sáng không cần thiết. “Tôi đã rất băn khoăn rằng, tại sao mỗi công dân phải trả tiền thông qua việc đóng thuế cho những chiếc đèn chiếu sáng trên đường phố mà họ không sử dụng. Và giờ đây, chúng ta đã có giải pháp cho vấn đề này” - anh nói.

    Được sự khích lệ và trợ giúp của các giáo sư, Shah đã mang ý tưởng sáng chế của mình tham dự cuộc thi trong quy mô trường và giành chiến thắng. Sau đó, Đại học Delft đã tạo điều kiện và hỗ trợ tài chính để chế tạo mô hình thí nghiệm ngay trong khuôn viên của trường. Kể từ đó, Tvilight đã được thực hiện tại 4 thành phố của Hà Lan, 1 thành phố ở Ireland và sắp tới là nhiều thành phố khác trên thế giới. “Chúng tôi đã nhận được đơn đặt hàng từ Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản” - Shah nói.

    Hiệu ứng nghệ thuật


    Hệ thống này sẽ giúp cắt giảm chi phí năng lượng tới 80% và giảm lượng khí thải CO2 nhờ các bộ cảm biến không dây tích hợp, cho phép những chiếc đèn cảnh báo một trung tâm điều khiển khi nào là thời gian “phục vụ”, cần chiếu sáng. Mục đích chính của Tvilight là để bảo tồn năng lượng, nhưng không chỉ đơn thuần là thế. Nghệ sĩ người Hà Lan Daan Roosegaarde đã đưa ra một lời khuyên trong vai trò người cố vấn cho Shah, ông nhấn mạnh tới tiềm năng nghệ thuật của công nghệ này. “Làm cách nào chúng ta sử dụng công nghệ làm cho môi trường của con người bền vững hơn, tự nhiên hơn? Chúng tôi muốn làm cho nó giống như sự tương tác giữa những người bạn. Nó không đơn thuần chỉ là máy móc với một vòng phản hồi mà nó thể “giao tiếp” với con người”.

    [​IMG]
    Tvilight chỉ chiếu sáng khi cần thiết

    Chẳng hạn, một chiếc xe cứu thương hay xe cứu hỏa có thể “giao tiếp“ với các loại đèn để chúng nhấp nháy màu đỏ báo hiệu trước lúc họ lái xe qua. “Những chiếc đèn có thể báo trước, giúp các phương tiện nhường đường cho xe cứu thương. Cụ thể, màu đèn sẽ thông báo cho mọi người biết có xe ưu tiên đang đến, và những phương tiện khác sẽ đủ thời gian tạt sang hai bên đường một cách nhanh chóng để nhường đường” - Shad nói.

    Nhà thiết kế Roosegaarde còn gợi ý việc chiếu sáng có thể là “thiết thực hay lãng mạn”. “Hãy tưởng tượng xem tôi có thể viết một phần mềm, để khi tôi đưa bạn gái ra ngoài đi dạo, những ánh đèn tương tác sẽ tạo ra một hiệu ứng đặc biệt, giúp bạn thể hiện tâm trạng. Tùy thuộc vào từng dịp, đèn đường có thể nhấp nháy và thay đổi màu sắc để tạo ra bất kỳ thiết kế nào” - Roosegaarde nói. Shad còn hình dung rằng, trong một sự kiện thể thao trực tiếp, điểm số trận đấu có thể được thể hiện ngay trên đuờng phố, nhờ hệ thống đèn. “Đây không chỉ đơn thuần là tiết kiệm điện, không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn là thông điệp và những gì bạn muốn những chiếc đèn chuyển tải” - Roosegaarde nói.

    Nguồn KhoaHoc.com.vn
     
  2. Facebook comment - Những chiếc đèn đường “biết nói”

Share This Page