(XHTT) Sau nhiều vụ bảo mẫu, người giữ trẻ trên cả nước bạo hành trẻ em, vụ 2 bảo mẫu của cơ sở mầm non Phương Anh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) bạo hành trẻ mới đây đã làm cho nỗi bức xúc của xã hội lên đến đỉnh điểm. Và sáng nay, 20/1, tại nhà Thiếu Nhi quận Thủ Đức, TAND quận Thủ Đức, TP.HCM đã tiến hành xét xử lưu động hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý về tội "hành hạ người khác". Nhiều trường hợp hành hạ trẻ từng xảy ra Từ nhiều năm trước, nhiều vụ bảo mẫu, người trông trẻ bạo hành trẻ mầm non đã khiến dư luận bàng hoàng. Sáng 20/1, hàng nghìn người đã kéo đến chật cả trong lẫn ngoài khuôn viên Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức để nghe xử án. Đầu năm 2008, nhiều người đã bị sốc khi xem đoạn video bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) túm tóc, giật ngửa mặt trẻ rồi trút cơm vào mồm. Rồi, vào ngày 7/1/2011, vụ hành hạ trẻ bởi người trông trẻ tại xã Thuận Giao, huyện Thuận An tỉnh Bình Dương đã được đưa ra xét xử. Bị cáo Trần Thị Phụng bị tuyên phạt mức án 24 tháng tù giam và bồi thường thiệt hại tinh thần cho bé Hồ Thị Thúy Ngân 5 triệu đồng. Hay như cuối năm 2012, dư luận chưa thể quên cái chết thương tâm của bé trai Đỗ Nhất Long 18 tháng tuổi do chính người trông trẻ Hồ Ngọc Nhờ gây ra. Khi thấy bé Long khóc khóc, Nhờ đã cầm tay và chân Long xách lên dọa cho nín, nhưng bị tụt tay làm rớt bé xuống nền nhà. Vì quá đau nên bé Long khóc, Nhờ liền dùng chân đạp mạnh một cái lên ngực, bụng em bé làm bé chết trên đường đến bệnh viện. Ngoài ra, còn rất nhiều thông tin về những người cha dượng, mẹ kế, “mẹ mìn” (buộc trẻ đi ăn xin), kể cả cha mẹ ruột cũng đang tâm hành hạ những đứa con của mình. “Tiếng chuông” cảnh tỉnh với các bảo mẫu khác Ngay từ sáng 20/1/2014, cả nghìn người từ khắp các ngả đường đã đổ đây để xem và dự nghe tòa xét xử hai bảo mẫu Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, ngụ tại Q.8, chủ cơ sở mầm non Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ Kiên Giang) về hành vi hành hạ trẻ em trước đó. Bị cáo - bảo mẫu Lê Thị Đông Phương tại tòa. Tại tòa, cả hai bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và lời khai phù hợp với lời khai, chứng cứ của cơ quan điều tra. Theo đó, các bị cáo đã có nhiều hành vi, hành động tàn ác, ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần, sức khỏe của trẻ. Nguy hiểm hơn, hành vi của các bị cáo đã lặp lại nhiều lần và với nhiều cháu chứ không phải là hành động nhất thời, bộc phát vì tức giận như lời các bị cáo khai tại phiên tòa. Hơn nữa, bị cáo Phương còn là người có học vấn, đã tốt nghiệp đại học, được cấp bằng về chăm sóc trẻ mầm non nhưng lại có những hành động đi ngược với những gì mình được dạy. Bị cáo Nguyễn Lê Thiên Lý tại tòa. Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định hành vi của hai bị cáo là nguy hiểm, cần có một bản án thích đáng. Sau khi xem xét, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cũng như việc các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi… vào lúc 11h05, HĐXX đã tuyên án: Cả hai bảo mẫu bị tuyên phạt mỗi người 3 năm tù cùng về tội “hành hạ người khác”. Thời gian giam giữ tính từ ngày 17/12/2013. Tòa cũng tuyên buộc hai bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình của hai cháu N.T.H. và L.T.K., mỗi gia đình 20 triệu đồng. Liệu chính quyền có vô can? Cuối năm 2013 trước đó, trả lời phỏng vấn các báo, Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, “…chính quyền địa phương không thể vô can được, vì anh chưa cấp phép cho trường tư thục này. Một nơi chưa cấp phép mà hoạt động diễn ra từ năm 2012 mà không bị xử lý thì rõ rằng đó là trách nhiệm của anh. Anh không thể thiếu trách nhiệm với nhân dân như thế được”. Ở đây trách nhiệm chính là của phường, bởi phường phải phối hợp với ngành giáo dục địa phương xem trên địa bàn xảy ra vấn đề gì. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn và công an khu vực, trong bộ máy chính quyền phải thực hiện vai trò tham mưu của mình cho lãnh đạo phường, xã… Để xảy ra như thế, rõ ràng khâu kiểm tra, kiểm soát không chặt và chưa tốt. Như vậy, ngoài việc xử lý những bảo mẫu, người trông trẻ vô nhân tính để răn đe, thiết nghĩ, đã đến lúc Nhà nước phải có biện pháp để ràng buộc chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong địa bàn mình, để tránh xảy ra những trường hợp đau xót tương tự. Và quan trọng hơn, để xã hội thấy được chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em của Nhà nước hiện nay. Thanh Trà Nguồn Xã hội thông tin