Sau thời kỳ phát triển nhất cùng với PDA, bút cảm ứng tưởng như lỗi thời khi iPhone xuất hiện nhưng những công nghệ mới đã giúp phụ kiện này dần lấy lại chỗ đứng. Người Ai Cập cổ đại sử dụng bút sậy nhúng mực để viết trên giấy cói cuộn. Kể từ khi được người Ấn Độ cổ đại phát minh cách đây hơn 2.500 năm, cây bút đã đóng vai trò quan trọng trong xã hội khi giúp con người có thể ghi lại thông tin và giao tiếp. Người Ai Cập cổ đại sau đó nổi tiếng với việc sử dụng bút sậy nhúng vào mực để viết trên giấy cói cuộn nhằm ghi lại các thông tin, câu chuyện cũng như lịch sử. Khi các thiết bị cá nhân PDA được phát triển và sau này là smartphone hay tablet, nhiều loại sử dụng một cây bút thay cho thiết bị đầu vào. Các bút ban đầu sử dụng công nghệ điện trở và thường kết hợp với hệ thống nhận dạng chữ viết tay Graffiti. Cho tới trước năm 2007, hầu hết các điện thoại thông minh màn hình cảm ứng vẫn tiếp tục đi kèm với một chiếc bút stylus điện trở với giao diện người dùng được thiết kế dành riêng cho loại thiết bị này. Đình đám nhất tại Việt Nam có thể kể đến các dòng máy O2 với bút đi kèm, niềm mơ ước của khá nhiều người yêu công nghệ thời bấy giờ. Cho tới khi iPhone thế hệ đầu tiên ra mắt, cảm ứng điện dung đã giúp ngón tay người dùng thân thiện hơn với các thao tác trên màn hình. Xu hướng khi đó đảo ngược và người dùng được khuyến khích tương tác với các thiết bị bằng cách sử dụng trực tiếp ngón tay của mình. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, trào lưu dùng bút đang quay trở lại khá mạnh mẽ với những sản phẩm nổi bật như Galaxy Note của Samsung, Flyer của HTC, Optimus Vu của LG và mới nhất Asus FonePad Note 6. Bút cảm ứng điện trở cùng các điện thoại cảm ứng như O2 từng làm "mưa gió" một thời. Sự phát triển của công nghệ bút cảm ứng luôn gắn liền với công nghệ màn hình cảm ứng. Đầu tiên là màn hình cảm ứng điện trở bao gồm hai tấm nhựa dẻo, tấm phía trên được thiết kế để uốn cong dưới tác động của ngoại lực. Khi hai tấm chạm nhau thì điện áp phát ra tại vị trí đó giúp điện thoại nhận biết được thao tác cụ thể. Màn hình cảm ứng điện trở thường đòi hỏi một lực lớn nhất định thì máy mới có thể "cảm nhận". Hơn nữa, độ chính xác cũng không thực sự cao nên lúc này các cây bút đi kèm máy tỏ rõ sự quan trọng. Trong khi đó, màn hình cảm ứng điện dung cho phép sử dụng ngón tay dễ dàng đã làm bút stylus trở nên dư thừa. Lý do khiến loại màn hình cảm ứng này phổ biến hơn là vì chúng cho phép người dùng tương tác một cách tự nhiên và trực tiếp bằng ngón tay rất nhạy thay vì phải dùng lực hay bút điện trở. Dù vậy, các linh kiện bút dạng này vẫn bán ra thị trường cho một số nhu cầu nhất định như viết vẽ hoặc phác thảo đơn giản. Bút điện dung chủ yếu hoạt động theo phương thức bắt chước tính chất điện của ngón tay. Tuy nhiên, độ chính xác của bút dạng này cũng hạn chế do đầu vào của bút điện dung có kích thước xấp xỉ bằng ngón tay. Việc tạo một bản vẽ chi tiết khi đó là rất khó khăn. Gần đây hơn, các nhà sản xuất như Samsung, HTC, LG hay Asus đã bắt đầu giới thiệu các dòng bút cảm ứng thông minh hơn cho máy tính bảng hay điện thoại thông minh. Các sản phẩm vẫn sử dụng một màn hình cảm ứng điện dung nhưng có thêm một hệ thống riêng biệt nhằm phát hiện bút stylus chính xác. Các loại bút cảm ứng thông minh mới sử dụng cộng hưởng điện từ. Những loại bút cảm ứng thông minh như S Pen của dòng Galaxy Note với model mới nhất là Galaxy Note 10.1 hoạt động khác biệt với bút cảm ứng điện dung thông thường. Áp dụng công nghệ cảm ứng phát triển bởi Wacom, bút sử dụng cộng hưởng điện từ (EMR) và chỉ sử dụng với các máy có tích hợp hệ thống nhận diện. Loại bút S Pen trang bị trong Galaxy Note 10.1 có một số tính năng thông minh cho phép nhận chính xác đầu vào với chữ viết tay và 128 độ nhạy áp lực khác nhau. Các bút dạng này sẽ không sử dụng được với sản phẩm khác, ví dụ như S Pen thì không hoạt động trên iPad. Một công nghệ khác đi kèm loại bút cảm ứng mới là giúp tay tỳ lên màn hình trong khi viết hoặc vẽ nhưng máy vẫn chỉ nhận nét từ bút, điều không thể làm được với bút stylus điện dung thông thường. Thậm chí ngay cả khi chưa chạm bút vào màn hình, máy đã có thể nhận ra phụ kiện ở một khoảng cách nhất định và thực hiện một số tính năng. Không hướng đến mục tiêu trở thành công cụ chính tương tác với các thiết bị di động nhưng rõ ràng các dòng bút cảm ứng thông minh kiểu như S Pen đã tạo ra một hướng đi khá mới. Sau khoảng thời gian im ắng khi màn hình cảm ứng lên ngôi, việc phát triển những công nghệ mới thông minh đang giúp bút cảm ứng dần lấy lại vị thế trong xu hướng phát triển thiết bị số mới. Điều này thúc đẩy xu hướng viết, vẽ sáng tạo cho người dùng phổ thông cũng như trở thành công cụ đắc lực cho các nghệ sỹ, nhà thiết kế. Tuấn Hưng Nguồn: VNExpress