Lộ tuyến cổ tử cung nhiều trường hợp nếu không chữa khỏi dễ dẫn đến viêm nhiễm âm đạo, có thể cản trở thụ thai hoặc dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, khi các xét nghiệm lộ tuyến không có vấn đề gì đi kèm thì không cần điều trị. Lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng xảy ra với khá nhiều phụ nữ hiện nay, hay gặp ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, lộ tuyến cổ tử cung là một hình ảnh đặc biệt của cổ tử cung. Từ "viêm lộ tuyến cổ tử cung" được dùng từ xa xưa, những năm gần đây, hình ảnh này không được gọi là viêm lộ tuyến nữa. Bình thường cổ tử cung có hai loại tế bào. Ở lỗ trong cổ tử cung được tráng bằng tế bào hình trụ, có tiết chất nhầy. Ở lỗ ngoài cổ tử cung có tế bào lát tầng, trơn láng không tiết dịch. Thông thường, khi nhìn vào cổ tử cung người chưa sanh, đa số chỉ thấy lớp ngoài trơn láng, nếu không bị viêm nhiễm, tổn thương thì cổ tử cung có màu hồng nhạt. "Vì một lý do nào đó, lớp tế bào hình trụ ở bên trong mọc lan ra ngoài, nhìn vào thấy cổ tử cung không còn trơn láng mà thấy tế bào sần sùi thì đó chính là hình ảnh lộ tuyến cổ tử cung", bác sĩ Thông cho biết. Lộ tuyến cổ tử cung thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh đẻ. Ảnh: Lê Phương. Theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế, viêm ống cổ tử cung hay viêm cổ tử cung mủ nhầy, viêm âm đạo thường do 3 tác nhân gây nên là nấm, trùng roi và vi khuẩn. Ở một số phụ nữ, hình ảnh lộ tuyến cổ tử cung có thể là do bẩm sinh, không rõ nguyên nhân. Những người đã sanh đẻ là đối tượng dễ mắc phải, do cổ tử cung mở rộng sau quá trình vượt cạn. Những người có tổn thương sau một số thủ thuật cũng có thể khiến tế bào bên trong mọc lan ra ngoài, gây lộ tuyến cổ tử cung. Những người chưa sinh đẻ vẫn có khả năng lộ tuyến cổ tử cung do các biến động về nội tiết sinh dục nữ hoặc đôi khi không có lý do. Thông thường, các bác sĩ sẽ đo diện từ tâm trở ra để đánh giá mức độ lộ tuyến. Tuy nhiên do sự lộ tuyến thường không đồng đều nên những đánh giá chỉ là những mô tả hình ảnh. "Lộ tuyến cổ tử cung không có nghĩa là ung thư. Tuy nhiên nếu có hình ảnh bất thường trên soi cổ tử cung cũng là một triệu chứng gợi ý để phát hiện ung thư cổ tử cung", bác sĩ Thông nhấn mạnh. Khi có hình ảnh lộ tuyến, phối hợp với các triệu chứng khác, các bác sĩ sẽ tiến hành làm các xét nghiệm như soi khí hư, phết tế bào cổ tử cung, thậm chí nếu nghi ngờ thì bấm sinh thiết... Khi các xét nghiệm lộ tuyến không có vấn đề gì thì không cần điều trị, đôi khi can thiệp sẽ không có lợi. Việc đốt lạnh, đốt nóng, đốt nhiệt... không làm đại trà cho tất cả các trường hợp lộ tuyến. Việc đặt thuốc cũng chỉ được thực hiện khi nào có viêm nhiễm, khí hư thì mới đặt, việc đặt thuốc không đúng chỉ càng làm rối loạn môi trường âm đạo, có thể gây ra bệnh do mất cân bằng vi khuẩn có lợi, tổn thương các mô bên trong. Thạc sĩ Đặng Lê Dung Hạnh, Trưởng khoa khám A, Bệnh viện Hùng Vương TP HCM cũng cho biết, cổ tử cung lộ tuyến không phải là bệnh mà là một tình trạng thay đổi lành tính và thường xuyên tại cổ tử cung. Thông thường, lộ tuyến cổ tử cung không cần điều trị, chỉ cần trị khi có viêm nhiễm kèm theo hay có quá nhiều huyết trắng gây khó chiụ. Nếu lộ tuyến nhiều, sẽ gia tăng chất nhày tại cổ tử cung, gây khó chịu và có thể là điều kiện dẫn đến viêm nhiễm vùng cổ tử cung hay âm đạo. Nhiều phụ nữ khi tử cung bị lộ tuyến thường hay sử dụng thuốc hoặc thảo dược tại nhà mà không hỏi ý kiến bác sĩ. "Thuốc uống không làm giảm lộ tuyến, chỉ trừ các loại thuốc có liên quan đến nội tiết tố sinh dục của người phụ nữ, là có thể tác động đến quá trình thay đổi sinh lý của cổ tử cung. Và nếu đã dùng các loại này, thì còn có khả năng ảnh hưởng đến kinh nguyệt nữa, thay đổi theo hướng nào thì cần xem lại thành phần thuốc", bác sĩ Hạnh cho biết. Theo bác sĩ Ngọc Thông, viêm lộ tuyến khi nào cần phải điều trị, việc điều trị như thế nào, chỉ định đốt hay đặt thuốc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt trong thủ thuật đốt cần phải lưu ý tuân thủ việc tái khám, kiêng cử quan hệ tình dục theo bác sĩ hướng dẫn cho từng trường hợp cụ thể. Thông thường, điều kiện đốt cổ tử cung khi điều trị lộ tuyến là khi - Sau kinh 3 ngày, không quan hệ tình dục - Kết quả thử tế bào âm đạo nhóm 1 và nhóm 2 - Kết quả soi cổ tử cung bình thường - Không đang viêm cấp âm đạo, cổ tử cung Sau khi đốt: - Tuần lễ đầu ra nước vàng nhiều - Tuần lễ thứ hai có thể tróc mày và ra ít máu - Rửa vệ sinh bên ngoài, không ngâm, không thụt rửa bên trong âm đạo - Đặc biệt, khi ra huyết nhiều cần phải đến khám ngay Cần thực hiện tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị. Kiêng quan hệ tình dục trong thời gian điều trị, cho đến khi lành hẳn. Hạn chế đi xe đạp trong 2 tuần lễ đầu. Thực hiện chế độ ăn uống bình thường. Để tránh tái phát, cần vệ sinh phụ khoa đúng cách, chú ý giữ vệ sinh vùng kín vào những ngày có kinh nguyệt và sau khi quan hệ tình dục. Lê Phương Nguồn VNExpress