(XHTT) Sau hơn 3 tháng điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP. Hà Nội đã hoàn tất bản kết luận điều tra dài 8 trang, đề nghị truy tố Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường và Đào Quang Khánh, bảo vệ Thẩm mỹ viện, đồng phạm. Ngày 16.1, cơ quan CSĐT Công an Hà Nội cho biết, đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp, đề nghị truy tố 2 bị can này. Cùng bị truy tố về 2 tội danh Bị can Nguyễn Mạnh Tường bị đề nghị truy tố về 2 tội: “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo điều 242 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) và “Xâm phạm thi thể” – điều 246 của BLHS. Còn Đào Quang Khánh cũng bị đề nghị truy tố về 2 tội: “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” - điều 246 của BLHS và tội “Trộm cắp tài sản” - theo khoản 1, điều 138 của BLHS. Quá trình điều tra, gia đình bị can Nguyễn Mạnh Tường đã tự nguyện bồi thường cho phía gia đình bị hại (chị Huyền) 150.000.000 đồng. BS. Nguyễn Mạnh Tường, hung thủ chính trong vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường. Theo bản đề nghị truy tố, khung hình phạt mà bác sĩ Tường phải đối diện cao nhất cho cả hai tội danh là 22 năm tù, còn Khánh là 8 năm tù. Đào Quang Khánh, đồng phạm. Sở dĩ BS. Tường chỉ bị truy tố về 2 tội danh này, vì cho đến nay, dù đã rất cố gắng nhưng các lực lượng chức năng lẫn gia đình bị hại (Lê Thị Thanh Huyền) vẫn chưa tìm thấy xác nạn nhân. Sẽ tiếp tục tìm xác chị Huyền Liên quan đến vụ việc, ngày 9/1, TS. Vũ Văn Bằng (thành viên Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cùng các nhà khoa học và gia đình đã tiến hành khai quật đợt 1 trên sông Hồng, thuộc khu vực bãi Tự Nhiên (Thường Tín, Hà Nội) để tìm xác chị Huyền nhưng không có kết quả. Tối ngày 15/1, TS Bằng cho biết, sau khi bàn bạc, gia đình và các nhà khoa học đã thống nhất, tuần tới (khoảng sau ngày 20/1), sẽ tiếp tục tiến hành khai quật đợt 2 để tìm thi thể chị Huyền trên sông Hồng. Nguyễn Mạnh Tường bị dẫn giải lên cầu để chỉ nơi đã ném xác nạn nhân Trong đợt hai này, sẽ tiến hành khai quật tại 3 điểm trên sông Hồng, gồm: Điểm cách chân cầu Thanh Trì 300m và 700m, và điểm đối diện đền thờ của làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Theo TS. Bằng, vấn đề khó khăn trong lúc này chính là khả năng tài chính của gia đình nạn nhân đã bị kiệt quệ, trong khi việc thuê tàu hút cát để tìm kiếm rất tốn kém. Nếu các nhà khoa học và gia đình tìm thấy xác chị Huyền, hồ sơ truy tố kia (BS. Tường và Khánh) ắt sẽ phải hủy để làm lại. Nhiều tranh cãi Theo các quy định của pháp luật hiện hành (Bộ Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự), nếu không tìm được xác nạn nhân thì khó có thể buộc tội, truy tố và đưa ra xét xử BS. Nguyễn Mạnh Tường về tội danh “giết người”. Nhiều luật sư khi được hỏi về vụ việc này đều cho rằng, những dấu hiệu và kết quả điều tra cho thấy, đây là một vụ án hình sự, với tội danh “Vô ý làm chết người do vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp”. Ở một góc nhìn khác, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh (Hà Nội) cho biết: “Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả với luật hình sự quốc tế cũng phải bó tay trong trường hợp này. Luật hình sự của Liên hợp quốc đang sử dụng cũng phải xét xử dựa trên hậu quả để lại. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong tội phạm hình sự. Giờ không chứng minh được hậu quả thì cũng đồng nghĩa với việc không có đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội”. Theo phân tích của các luật sư (khác), họ đều đồng ý với ý kiến của luật sư Tiến và cho rằng, việc tìm thấy xác chị Huyền là mấu chốt của vấn đề, nếu không, vụ việc rất dễ đi đến bế tắc. Có luật sư còn khẳng định, nếu không tìm được xác chị Huyền thì không thể truy tố, xét xử Nguyễn Mạnh Tường ở bất kỳ tội danh nào. "Muốn xử Tường phải chứng minh được chị Huyền đã chết. Nhưng biết đâu chị Huyền chưa chết, mà đang ở một nơi nào đó thì sao?", luật sư kia lý luận thêm. Cho đến nay, cơ quan chức năng chỉ mới thu thập lời khai của Nguyễn Mạnh Tường và những người có liên quan đến vụ việc. Trong khi đó, xác chị Huyền vẫn chưa tìm thấy để đối chứng với lời khai của Tường. Do đó, các luật sư cho rằng, chỉ dựa vào lời khai của Tường và những người có liên quan thì không đủ căn cứ để đưa ra xét xử. Trước đó, cũng liên quan đến vụ này, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an từng cho biết: "Chưa thể khẳng định có khả năng tìm thấy xác hay không, nhưng nếu không thấy thì cũng đành phải chịu". Còn quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội là phải tìm bằng được xác đã bị phi tang của chị Huyền. Ông khẳng định: “Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Cơ quan công an quyết tâm phải tìm thấy xác nạn nhân”. Liệu có bỏ lọt tội? Với những phân tích của các luật sư, không riêng gia đình và những người thân của chị Huyền, nhiều người cũng vô cùng bức xúc. Ông Phạm Đức Quang, cậu ruột chồng chị Huyền cho biết, tội ác của tên Tường đã rành rành ra đó, hắn cũng đã khai nhận đầy đủ sự việc, thực nghiệm hiện trường. Tội ác của Tường khiến cả xã hội phẫn nộ, lẽ nào chỉ vì không tìm thấy xác nạn nhân mà bỏ lọt tội danh cho Tường? Về vụ việc này, ông Vũ Đức Khiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, Nguyễn Mạnh Tường vẫn có thể đưa ra xét xử, kể cả trong trường hợp không tìm thấy xác chị Huyền. Khi đó, Tường sẽ bị xét xử về tội vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp làm thiệt hại sinh mạng người khác, còn hành vi phi tang xác xuống sông là tình tiết tăng nặng. Vấn đề đặt ra là, liệu có tìm được xác chị Huyền để vụ án có đầy đủ chứng cứ pháp lý, đưa ra truy tố và truy tố BS. Tường đúng tội (đúng bản chất vụ việc) hay không? Và, liệu cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội có quá vội vàng kết luận vụ án, có quyết tâm hoàn thành án (không nói là vì thành tích-NV) đúng hạn hay không, khi người lãnh đạo cao nhất của cơ quan này từng khẳng định “như đinh đóng cột” trước báo giới, rằng “Chưa bao giờ có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Cơ quan công an quyết tâm phải tìm thấy xác nạn nhân”. Vậy đâu là chân lý và sự thật? Những câu hỏi này vẫn đang bỏ ngỏ, chờ các cơ quan chức năng và xã hội phân giải. Thanh Trà Nguồn Xã hội thông tin