(XHTT) Ngày 14/1/2014, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã bất ngờ thông báo thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền trên Internet Banking và thu 3.300 đồng/lần giao dịch chuyển khoản nội mạng của khách hàng cá nhân khi thực hiện dịch vụ ngân hàng trực tuyến kể từ ngày 15/1. “ Phát súng đầu tiên”: Vietcombank Theo đó, kể từ 15/1, mỗi lần giao dịch chuyển khoản nội mạng của khách hàng cá nhân thông qua dịch vụ ngân hàng trực tuyến, Vietcombank sẽ thu phí 3.300 đồng/giao dịch. Đây là thông tin mới, hết sức bất ngờ với người dùng thẻ, bởi từ trước tới nay, ngân hàng này vẫn miễn phí giao dịch nội mạng của khách hàng cá nhân qua Internet Banking. Các ngân hàng khác cũng không thu phí chuyển tiền nội mạng, thậm chí nhiều ngân hàng nhỏ còn miễn cả phí chuyển tiền ngoại mạng. Với nhiều người dân, thẻ ATM đã trở nên gần gũi, thiết thực (ảnh minh họa). Theo lý giải của ngân hàng, số tiền nhỏ nhoi này để giúp ngân hàng bù đắp phí đầu tư, tăng chất lượng dịch vụ. Thế nhưng liệu chất lượng dịch vụ ATM có được cải thiện không và lấy gì đẻ bảo đảm, chưa kể, tại các trụ ATM có đảm bảo luôn có tiền phục vụ người rút/chuyển tiền, đặc biệt là dịp Tết này. Ngoài khoản phí này, hàng tháng, Vietcombank còn thu thêm 8.800 đồng - phí để duy trì dịch vụ tin nhắn (báo thay đổi số dư, thay đổi mật khẩu cho giao dịch, chuyển khoản…) của người sử dụng thẻ ATM để thực hiện các giao dịch chuyển khoản qua kênh ngân hàng trực tuyến. Hiện, Vietcombank đang là một trong những ngân hàng “tận thu” thu nhất. Như, phí rút tiền nội mạng là 1.000 đồng/lần, ngoại mạng là 3.000 đồng/lần; phí vấn tin tài khoản là 500 đồng/lần, phí chuyển tiền ngoại mạng là 5.000 đồng/lần... Cả chục loại phí ATM – Các ngân hàng đang “móc túi” khách hàng Theo Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước-NHNN), toàn hệ thống thanh toán đang có khoảng gần 50 triệu thẻ các loại gồm: thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán, thẻ mua hàng... Chủ thẻ chỉ cần đút thẻ vào máy là bị các loại phí bủa vây. Với thẻ tín dụng cho phép người dùng tiêu dùng trước trả sau (loại thẻ “đỉnh” nhất), những khách hàng VIP được các ngân hàng cấp hạn mức tín dụng tới cả trăm triệu đồng và miễn phí 45 ngày không phải trả lãi. Thế nhưng, để sở hữu và sử dụng một chiếc thẻ như vậy, chủ thẻ phải gánh không dưới 17 loại phí, cùng mức lãi suất cho vay cao ngất ngưởng. Theo tính toán, một thẻ ATM đang phải chịu: Phí phát hành thẻ lần đầu từ 50.000 đồng đến 90.000 đồng; phí phát hành lại thẻ 25.000 -> 66.000 đồng; phí cấp lại số pin 10.000 -> 33.000 đồng; phí thường niên (quản lý tài khoản thẻ) 39.600 -> 132.000 đồng; phí tra soát (nếu không đúng) 10.000 -> 110.000 đồng; phí chuyển khoản 1.650 đồng; phí rút tiền khác hệ thống 3.300 đồng; phí truy vấn số dư/in sao kê 550 -> 1.650 đồng; phí trả thẻ bị nuốt tại máy ATM 5.000 -> 20.000 đồng;... Cá biệt, có ngân hàng còn thu thêm 10.000 đồng tiền phí báo mất/bị đánh cắp thẻ. Quả là một gánh nặng ! Phí chồng phí như vậy, nhưng từ ngày 1/3/2013, ngay khi Thông tư 35 của NHNN về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa có hiệu lực, 12 ngân hàng lập tức thu phí rút tiền ATM nội mạng. Thông tư 35 quy định, năm 2013, phí rút tiền nội mạng đối với thẻ ghi nợ nội địa từ 0 đồng -> 1.000 đồng/giao dịch. Qua năm 2014, mức phí này từ 0 –> 2.000 đồng và từ năm 2015 trở đi, mức phí này từ 0 –> 3.000 đồng. Các ngân hàng phát hành thẻ có thể tự quyết định mức phí (trong khung) hoặc miễn phí cho chủ thẻ ATM. Làm sao để dung hòa? Theo quan điểm của NHNN, trong giai đoạn hiện nay, việc thu phí đối với giao dịch ATM rút tiền nội mạng không nhằm bù đắp, thu hồi toàn bộ chi phí giao dịch mà chỉ giúp các ngân hàng cân đối một phần chi phí bỏ ra, dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM. PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – khi được các báo phỏng vấn đã cho biết, việc thu phí ATM cần được thực hiện trên cơ sở giải quyết bài toán vĩ mô chung. Các ngân hàng thương mại phải tạm thời hy sinh khoản chi phí này trong giai đoạn đầu để tạo lập thương hiệu, uy tín và giúp người dân quen dần với việc sử dụng thẻ thanh toán. Còn phía Nhà nước, NHNN cũng phải có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng (tái cấp vốn, lãi suất cho vay…) từ các nguồn vốn vay ưu đãi. Hay TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong khi người lao động đang phải vật lộn với hàng loạt chi phí cứ tăng mãi như hiện nay, các ngân hàng nên cân nhắc khi đặt thêm các loại phí vào thời điểm này. Đồng thời phải xem xét lộ trình tăng phí ATM nội mạng mà NHNN đã đưa ra, nếu không người dùng thẻ sẽ quay lưng với dịch vụ ATM. Hiện, sự lo lắng của người dùng thẻ (ATM) về việc các ngân hàng khác sẽ "tiếp bước" Vietcombank thu phí chuyển tiền nội mạng là thực và có cơ sở. Và người dùng thẻ cũng lo lắng việc các ngân hàng có thể tăng phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.000 đồng lên 2.000 đồng/giao dịch theo lộ trình của Thông tư 35. Liệu việc thu phí chuyển khoản nội mạng, tăng phí ATM có dẫn đến việc người dân sẽ đổ đến quầy giao dịch của các ngân hàng để rút tiền thay vì rút tại trụ ATM? Nếu điều này xảy ra, tiện ích và việc đầu tư hàng loạt trụ ATM của các ngân hàng đã trở thành vô nghĩa. Không những thế, với chủ trương trả lương qua thẻ ATM, hàng loạt công nhân của các nhà máy, xí nghiệp, cán bộ công chức, giáo viên, lực lượng vũ trang,… đã được chuyển lương qua thẻ ATM với đồng lương còm cõi sẽ tiếp tục bị “tận thu” và nghèo hơn. Bởi thế, thiết nghĩ, dù đang gặp khó, nhưng các ngân hàng thương mại hãy cân nhắc kỹ để dung hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dùng trong thời điểm này. Thanh Trà Nguồn Xã hội thông tin