Gần 4.000 tỷ do lừa đảo: Trách nhiệm đang treo lơ lửng

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Jan 14, 2014.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 406)

    (XHTT) Huỳnh Thị Huyền Như sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Theo hộ khẩu thường trú, Huyền Như ở phường 22, Q.Bình Thạnh, nhưng nơi cư ngụ cuối cùng trước khi bị bắt là một căn nhà ở mặt tiền đường Tôn Đản, Q.4, TP.HCM.


    VietinBank quản lý quá lỏng lẻo

    Trong phiên xử chiều 13/1, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi - bào chữa cho Huỳnh Thị Huyền Như cho rằng, Ngân hàng VietinBank đã quá lỏng lẻo trong khâu quản lý, dẫn đến hậu quả trên. Vị này đề nghị tòa không xem xét, cáo buộc Huyền Như bồi thường cho các các công ty, ngân hàng bị hại mà VietinBank phải có trách nhiệm.

    Luật sư Thi phân tích, khâu kiểm soát tín dụng, quản lý cán bộ của Ngân hàng VietinBank quá lỏng, nên bị cáo đã dễ dàng thực hiện được hàng loạt hành vi lừa đảo, làm giả con dấu, chữ ký của khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản mà không hề bị VietinBank phát hiện. Ngoài ra, trong suốt những ngày phiên tòa diễn ra, cáo trạng xác định 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân đã bị Huyền Như chiếm đoạt tiền, nhưng tại tòa, đại diện của 15 nguyên đơn dân sự (bị hại) đều không yêu cầu Huyền Như trả lại tiền mà họ cho rằng, VietinBank mới là đơn vị phải trả tiền.

    [​IMG]

    Huỳnh Thị Huyền Như tại cổng Tòa.

    Và trong phiên buổi sáng, luật sư Nguyễn Tiến Hùng - bào chữa cho Huyền Như, cũng cho rằng các cá nhân, đơn vị đã bị Huyền Như lừa đảo cũng có một phần lỗi, vì quá ham lãi suất cao nên bị Huyền Như lừa.

    Ham giàu nhanh… và lỡ “đâm lao phải theo lao”

    Nhóm tại chức Luật buổi tối mà Như từng theo học vẫn nhớ đến Huyền Như với hình ảnh nổi trội: Luôn đi học bằng ô tô và nhiều lúc còn thấy cô mang đến lớp cả bao tải tiền thay vì sách vở.

    Và bạn bè đồng trang lứa cũng xem Như là một người thành đạt, được nhiều người thần tượng vì giỏi giang, thành đạt từ rất sớm. Lúc mới 28-29 tuổi (khoảng năm 2006-2007), dù chỉ là nhân viên của VietinBank, nhưng Như đã có trong tay hàng trăm tỷ đồng từ việc đầu tư nhà đất, cổ phiếu và sở hữu nhiều biệt thự xa hoa, đắt tiền.

    Theo hồ sơ vụ án, thấy việc kiếm tiền từ lướt sóng cổ phiếu, nhà đất quá dễ dàng, Như đã lao vào mượn tiền của giới tín dụng đen để tiếp tục kinh doanh. Nghĩ việc lướt sóng nhà đất, cổ phiếu vẫn dễ dàng như trước, chỉ vài ngày là có thể thu lại vốn cùng với những khoản lợi kếch xù, dư sức trả lãi vay tín dụng đen, nhưng không ngờ sang năm 2008, rồi 2009, nhà đất, cổ phiếu lao dốc mạnh. Nhưng Như không đành cắt lỗ mà cố gồng gánh khoản tiền lời, liên tiếp vay lãi của người này để trả cho người kia. Cứ thế, đã có cả chục người cho vay lãi đã trở thành mối làm ăn thân quen với Như tại thời điểm này.

    Sau đó, ý nghĩ lừa đảo tiền của khách hàng gửi tiền vào ngân hàng xuất hiện. Như nhờ người giới thiệu khách hàng gửi tiền vào VietinBank với lãi suất cao hơn so với mức trần của Ngân hàng Nhà nước, phần chênh lệch lãi suất được nhận bằng tiền mặt và điều này đã đánh trúng tâm lý người gửi tiền. Để khách hàng không nghi ngờ, Như đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau. Nhưng trên hết, Như đã làm giả con dấu của VietinBank chi nhánh Nhà Bè để đóng dấu trên hồ sơ gửi tiền và lợi dụng chức vụ của mình (lúc đó) là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Như đã làm giả nhiều lệnh chi, lấy tiền từ tài khoản của khách để trả nợ tín dụng đen của mình.

    “Đâm lao phải theo lao”, cứ đến hạn đáo hạn hợp đồng, Như lại bày kế, dụ khách hàng mới vào tròng để lấy tiền trả tiền vay và lãi chênh lệch cho người trước. Đến khi số tiền lên đến con số “khủng”, gần 4.000 tỷ đồng thì thủ đoạn gian dối của Như mới bị lật tẩy.

    Và ai sẽ chịu trách nhiệm trả khoản nợ trên?

    Trong chiều 13/1, đồng loạt 15 nguyên đơn (bị hại) đã yêu cầu Vietinbank trả lại tiền. Các nguyên đơn dân sự cho rằng, họ không ký hợp đồng với cá nhân Huyền Như mà ký hợp đồng với VietinBank, do đó Vietinbank phải có trách nhiệm trong việc hoàn trả lại số tiền mà họ đã gửi vào Ngân hàng này.

    Xin ngược lại từ đầu vụ án, trong bản kết luận điều tra và cáo trạng về bị can Huyền Như, đều cho rằng, Huyền Như đã chiếm đoạt tiền của khách hàng gửi tiền. Như vậy, Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, Vietinbank không có trách nhiệm trong việc Huyền Như chiếm đoạt tiền gửi tại chính ngân hàng này.

    Còn tại tòa, đại diện VKS lập luận, trong vụ án này, có 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân bị hại khi gửi tiền, nhưng họ đã bỏ qua nhiều sơ hở, mặt khác, trước khi gửi tiền đã không thỏa thuận với Vietinbank mà chỉ thông qua cá nhân Như, tạo điều kiện cho Như chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng nên việc yêu cầu Vietinbank bồi thường là không có cơ sở. VKS còn đề nghị nhóm bị cáo, bị buộc tội cho vay lãi nặng gồm: Nguyễn Thiên Lý, Hùng Mỹ Phương, Phạm Văn Chí,… phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, tịch thu sung quỹ nhà nước. Đại diện VKS cũng khẳng định rằng, cáo trạng của VKSND Tối cao đã truy tố đúng người đúng tội đối với cả 23 bị cáo và cáo buộc Huyền Như đã chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng nên bị cáo này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

    Thế nhưng trong suốt những ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, từ các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho đến những người dự phiên tòa và theo dõi về vụ án, đã đặt dấu hỏi về sự im lặng khó hiểu cũng như trách nhiệm của ViettinBank trong vụ việc này là như thế nào?.

    Theo các luật sư, việc Tòa cho chấm dứt xét phần hỏi trong chiều 13/1 khi các câu hỏi chưa được trả lời, trong khi các luật sư còn hỏi tiếp là không đúng với quy định pháp luật. Các luật sư cho biết, họ sẽ đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ trách nhiệm của Vietinbank, vì đây là nội dung cần thiết, trọng tâm, quyết định bản chất của vụ án này.

    Trong vụ án này, số tài sản mà cơ quan điều tra đã kê biên, thu giữ được của Huyền Như bao gồm gần 40 tỷ đồng tiền mặt, xe ô tô và một số biệt thự, căn hộ cao cấp tổng cộng khoảng 230 tỉ đồng, chẳng là bao với số tiền mà Như đã chiếm đoạt và đang nợ. Và ngoài gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt của các nạn nhân, Như còn viết giấy đang nợ dịch vụ tín dụng đen lên đến hơn 1.200 tỉ đồng. Và chính những chủ nợ của Huyền Như cũng phải hầu tòa cùng về tội “cho vay nặng lãi”.

    Mặc dù sau quá trình xét xử, hai lãnh đạo Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM (là Nguyễn Thị Minh Hương và Trương Minh Hoàng - đều là Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM) đã bị đề nghị khởi tố, thế nhưng Huyền Như hay những ai phải có trách nhiệm trả nợ. Câu hỏi này hiện vẫn đang treo lơ lửng.

    Thanh Trà

    Nguồn Xã hội thông tin
     
  2. Facebook comment - Gần 4.000 tỷ do lừa đảo: Trách nhiệm đang treo lơ lửng

Share This Page