Được phóng lên không gian từ cách đây 24 năm, kính viễn vọng không gian Hubble đã chụp lại được rất nhiều hình ảnh ngoạn mục từ vũ trụ, giúp mở mang kiến thức cho con người về vũ trụ. Tuy nhiên, đối với những người mù thì dường như việc được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ vẫn chỉ là một mơ ước xa vời, cho đến ngày hôm nay. Hình ảnh in 3D giúp người mù "chiêm ngưỡng" ảnh vũ trụ từ Hubble Hai nhà nghiên cứu thiên văn học thuộc Viện Khoa học Kính viễn vọng không gian Mỹ mới đây đã ứng dụng một giải pháp nhằm mục đích thay đổi điều đó. Tuy nhiên, thay vì thưởng thức bằng mắt thì các hình ảnh vũ trụ được chụp lại bởi kính viễn vọng không gian Hubble giờ đây sẽ được "cảm" bằng xúc giác. Để tạo ra các "hình ảnh" của vũ trụ theo dạng "chữ nổi" để dành cho người mù này, họ đã sử dụng một máy in 3D MakerBot Replicator 2. Trong khi một công nghệ in tinh vi như vậy có thể được thực hiện cho hầu như bất kỳ đối tượng nào, thì thách thức lớn nhất của hai nhà nghiên cứu này là tìm ra cấu trúc 3D của các đối tượng như thiên hà, các chòm sao một cách chính xác để đưa vào lập trình cho máy in. Và sau đó tạo ra những bức ảnh in 3D mà thông qua cảm giác, người khiếm thị có thể tái tạo các hình ảnh này trong tâm trí của mình. Cho đến nay, họ đã phát triển thành công một nguyên mẫu "ảnh vũ trụ 3D" với các sao, đám mây khí, sợi và nhiều hơn nữa bằng cách sử dụng các đường dây, các vòng tròn lớn dần và các chấm hình trên chất liệu nhựa. Nhóm hy vọng một ngày nào đó, giải pháp này sẽ được sử dụng để sản xuất các hình ảnh cảm nhận bằng xúc giác, như chữ Braille dành cho người khiếm thị, cho các trường học, thư viện và người dùng bình dân. Nguồn KhoaHoc.com.vn