Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các trò chơi đòi hỏi thao tác chủ động sẽ giúp trẻ trở nên thông minh hơn bằng cách nâng cao khả năng giải quyết vấn đề, lòng tự trọng của trẻ và khuyến khích chúng vận động. Theo trang công nghệ NDTV, các nhà khoa học Penny Sweetser, Daniel Johnson và Peta Wyeth đến từ Phòng nghiên cứu game và thiết kế tương tác ở Queensland, Úc đã tìm hiểu thời gian trẻ xem TV và thời gian chơi game, từ đó đưa ra sự so sánh giữa 2 hoạt động này. Ông Johnson thuộc Tạp chí nghiên cứu trẻ em Úc cho biết xem TV là một hoạt động thụ động, trong khi đó trò chơi điện tử đòi hỏi sự tương tác, tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, sự tự tin và trong một số trường hợp là cả hoạt động thể chất của trẻ. "Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những trò chơi chủ động được thiết kế cho Nintendo Wii, Sony PlayStation Move và XBOX Kinect có thể được sử dụng để khuyến khích trẻ nhỏ luyện tập thể chất và trở nên chủ động hơn ngoài đời thực", ông chia sẻ. Kinect là một trong những thiết bị chơi game chủ động Những phân tích dựa vào dữ liệu có được từ Viện nghiên cứu trẻ em Úc cho thấy những trẻ trong một nhóm tuổi nhất định dành 2-3 tiếng xem TV mỗi ngày. Trong khi đó, thời gian sử dụng máy tính hoặc chơi game chỉ chưa đến nửa giờ. Ông Penny Sweetser khuyến cáo rằng làm việc trên máy tính và chơi game không nên được xếp cùng loại với hoạt động xem TV. Phụ huynh nên chia thời gian của trẻ dành trước màn hình làm 2 loại, chủ động và thụ động. Ông còn chia sẻ thêm: "Rõ ràng những trò giải trí bạo lực là không tốt cho trẻ, và chúng chỉ nên chơi game ở mức độ vừa phải". Nguồn KhoaHoc.com.vn