Nơi hóa giải vô sinh cho quý ông không có 'giống'

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Feb 22, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 470)

    Trong chiếc tủ sách ở phòng làm việc của PGS Quản Hoàng Lâm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi, giữa bề bộn sách vở, tài liệu là những bức ảnh trẻ con bụ bẫm được đặt ngay vị trí mà bất cứ ai vào cũng nhìn thấy. Bác sĩ Lâm cười nói đó chính là ảnh của những "đứa con" mà ông và các đồng nghiệp đã góp công sức sinh ra những năm gần đây được bố mẹ chúng gửi về.

    [​IMG]
    Sau hơn 10 năm chờ đợi, cha mẹ bé Khánh Ngọc đã thật sự hạnh phúc khi có được đứa con của chính mình.
    Với những người làm công việc này, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất, bởi thành công của họ không chỉ là những đứa trẻ kháu khỉnh, bụ bẫm ấy mà cao cả hơn, họ đã góp phần cứu vớt hạnh phúc cho nhiều gia đình, xóa tan bi kịch cho rất nhiều cuộc đời.
    Bác sĩ Lâm kể rằng mỗi năm ông đã tiếp xúc với hàng ngàn bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần trong xã hội nhưng tất cả họ có chung tâm trạng khi tìm tới bác sĩ là buồn bã, thất vọng khi không thể sinh được một đứa con. Trong số ấy, cho tới bây giờ bác sĩ Lâm vẫn nhớ có một ông giám đốc khi tìm tới trung tâm dù đã có 3 đời vợ nhưng chưa có nổi một mụn con. Ông kể rằng người vợ đầu tiên, sau một thời gian cưới nhau, đi khám bác sĩ kết luận chức năng sinh tinh của ông bị rối loạn nên ông đã chủ động chia tay.
    Lần thứ hai, ông chủ động để vợ đi thụ tinh ống nghiệm. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm trí, ông luôn mong muốn có một đứa con mang dòng máu của mình nên vẫn tìm kiếm nơi nào đó có thể giúp mình. Tuy nhiên, ý định chưa thành thì vợ ông mất giữa chừng. Đến đời vợ thứ 3 thì ông biết đến trung tâm này.
    Một trường hợp khác chính là cha cháu Lưu Ngọc Mai, bé gái đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp nuôi cấy tinh tử ở Việt Nam vào tháng 12/2007.
    Đó là khoảng giữa năm 2006, một người đàn ông dáng khắc khổ tìm đến trung tâm. Trong câu chuyện với bác sĩ Lâm, anh kể rằng quê ở Bắc Giang và làm nghề tự do. Vợ anh là một cô giáo trường làng, lấy nhau mấy năm mà không có con, hai vợ chồng đi khám thì bác sĩ kết luận nguyên nhân không có con là do anh không có tinh trùng. "Có bệnh thì vái tứ phương", suốt mấy năm trời sau đó, làm được đồng nào hai vợ chồng chỉ để dành để "chữa đẻ", đủ cả đông, tây y và… cúng nhưng chẳng có kết quả gì.
    Tìm đến Trung tâm Công nghệ Phôi, vợ chồng anh đều mang tâm trạng mệt mỏi và mong manh hy vọng. Thời điểm đó, Trung tâm đang nghiên cứu đề tài: "Nuôi cấy tinh tử, phôi túi phục vụ điều trị chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân".
    Sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định do trước đó anh đã trải qua thời gian điều trị bằng các loại thuốc khá dài, lại trải qua nhiều tiểu phẫu nên chất lượng "giống" của anh còn không cao như mong muốn. Nhưng, còn nước còn tát, các bác sĩ đã cố gắng thăm dò, nuôi cấy thử tinh tử.
    Cho tới thời điểm này, Trung tâm Công nghệ Phôi là nơi duy nhất ở Việt Nam thực hiện kỹ thuật nuôi cấy tinh tử.
    Theo PGS Quản Hoàng Lâm, quá trình hình thành tinh trùng phải trải qua 5 giai đoạn: tinh nguyên bào, tinh bào 1, tinh bào 2, tinh tử, tinh trùng. Một số nam giới tiền sử bị quai bị hoặc vì lý do nào đó bị tổn thương cơ quan sinh dục… khiến cho quá trình sinh tinh bị rối loạn, chỉ dừng lại ở giai đoạn 4 là tinh tử mà không tạo được tinh trùng.
    Tinh trùng có dạng con nòng nọc, có đuôi, chuyển động và thụ tinh được, nhưng tinh tử có hình dạng tròn, không chuyển động nên không thụ tinh được. Để tinh tử phát triển thành tinh trùng thì cần tới kỹ thuật nuôi cấy, nói nôm na là kỹ thuật này sẽ "gắn đuôi cho nòng nọc".
    Sau khi xét nghiệm và xác định bệnh nhân có tinh tử, bác sĩ sẽ mổ tinh hoàn để chọc hút tinh tử. Sau mỗi lần mổ, phải mất khoảng 10 ngày vết thương mới lành. Để có thể lấy được tinh tử, vợ chồng phải thường xuyên tới trung tâm trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Người chồng được các bác sĩ theo dõi với chế độ đặc biệt như khám, tư vấn, xét nghiệm, dùng thuốc kích thích sinh tinh. Người vợ được uống thuốc kích thích sản xuất nhiều trứng. Trong thời gian điều trị, vợ chồng vẫn phải sinh hoạt bình thường để việc kích thích sinh tinh được thuận lợi.
    [​IMG]
    Tiến sĩ Quản Hoàng Lâm và các đồng nghiệp đang cấy phôi vào tử cung cho bệnh nhân. Ảnh: ANTG
    Sau khi mổ tinh hoàn, bác sĩ sẽ lấy khoảng 100-200 tế bào dòng tinh rồi bỏ vào môi trường nuôi cấy đặc biệt trong thời gian 24 giờ. Sau đó chỉ chọn một tinh tử đã mọc đuôi để tiêm thẳng vào buồng trứng của người vợ. Nếu hỏng, lần sau phải nuôi cấy lại như lần đầu tiên…
    Và thật may mắn, sự nỗ lực ấy đã có kết quả khi chị vợ báo tin là đã có mang. Suốt thời gian mẹ cháu mang thai, không chỉ bố mẹ cháu cùng gia đình hai bên mà các bác sĩ cũng mong ngóng lẫn hồi hộp. Ngày 14/12/2007, một bé gái nặng 3,2kg chào đời trong niềm vui khôn xiết của đại gia đình và các bác sĩ. Khi bé được một tuổi, bác sĩ Lâm đã đến tận nhà cháu ở Bắc Giang để được bế "đứa con đầu lòng" ấy.
    Bé Mai giờ đã 5 tuổi và hoàn toàn khỏe mạnh. "Thừa thắng xông lên", cách đây vài tháng, bố mẹ cháu đã quay lại trung tâm để làm tiếp lần nữa và thật may, hiện mẹ cháu đã có thai đôi được hơn 3 tháng và hoàn toàn khỏe mạnh.
    Trong bức ảnh khác là một bé gái có gương mặt láu lỉnh, có cái tên dễ thương là Phạm Nguyễn Khánh Ngọc, sinh ngày 23/7/2010, phía sau bức ảnh, bố mẹ cháu ghi rằng: "Gia đình xin gửi tới các y, bác sĩ Trung tâm Công nghệ Phôi lòng biết ơn sâu sắc nhất, đứng đầu là Bác sĩ - Giám đốc Trung tâm Quản Hoàng Lâm". Bác sĩ Lâm kể đó là trường hợp cũng khá đặc biệt. Đầu năm 2009, có một đôi vợ chồng đã ngoài 40 tuổi từ trong Bình Định tìm đến. Anh chồng là sĩ quan hải quân, họ lấy nhau đã hơn 10 năm mà không có con.
    Cũng như những cặp vợ chồng hiếm muộn khác, họ cũng đã tìm đến tất cả các bệnh viện với hy vọng có một đứa con nhưng đều thất bại. Tìm đến trung tâm, họ mang niềm hy vọng mong manh cuối cùng. Và thật may mắn, sau mấy tháng điều trị và uống thuốc, hạnh phúc đã mỉm cười khi chỉ phải làm một lần nuôi cấy tinh tử đã thành công. "Giờ đây, bố cháu bé đã yên tâm làm nhiệm vụ ở Trường Sa".
    Khó mà kể hết được những câu chuyện tương tự bởi 5 năm qua, đã có 30 cháu bé được ra đời từ kỹ thuật nuôi cấy tinh tử và điều đáng mừng là các cháu hiện đều khỏe mạnh. Trong số ấy, có cả những người từ Đức, Czech cũng tìm về. Thậm chí, cặp vợ chồng ở Czech phải làm tới lần thứ 3 mới thành công.
    Từ năm 2005 tới nay, mỗi năm Trung tâm khám, tư vấn và điều trị cho 10.000 lượt người, tiến hành hơn 150 ca chọc hút mào tinh, mổ tinh hoàn, bơm tinh trùng vào buồng tử cung cho hơn 800 lượt người, làm thụ tinh ống nghiệm cho 350-450 người, hiệu quả đạt tỉ lệ chung là 28-30%.
    Theo bác sĩ Lâm, vô sinh đã trở thành căn bệnh thời hiện đại. Nguyên nhân vô sinh do nam giới ở Việt Nam chiếm 40%, trong đó 10% là tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng.
    Ngoài lý do bệnh di truyền và mắc phải của nam giới, còn nhiều nguyên nhân có thể gây vô sinh nam tăng lên, như do cuộc sống công nghiệp, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của các yếu tố như hóa chất, vật lý, bức xạ điện từ, tuổi kết hôn muộn hơn, lười vận động, ăn nhiều chất gây béo phì; xem tivi, chơi game, điện thoại nhiều; tình dục lệch lạc, quần hôn, lối sống buông thả, hôn nhân đồng giới dễ dẫn đến nhiều bệnh tật viêm nhiễm; lạm dụng nhiều chất kích thích; quan hệ tình dục không đúng cách, không đúng lúc, không điều độ...
    Tuy nhiên, điều khiến bác sĩ Lâm trăn trở là việc điều trị vô sinh hiện nay hoàn toàn không được bảo hiểm y tế chi trả. Tại nhiều nước, bảo hiểm y tế nhà nước đã chi trả cho thụ tinh nhân tạo. Như ở Nhật Bản, bảo hiểm y tế chi tới 1.920 USD cho một chu kỳ, năm đầu tiên được làm 3 chu kỳ; mỗi năm tiếp theo được 2 chu kỳ và tối đa là 10 chu kỳ trong 5 năm. Ở Hàn Quốc là 1.600 USD/lần cho 3 lần đầu, từ lần thứ 4 trở đi nhà nước chi 900 USD thì ở Việt Nam hiện bệnh nhân hoàn toàn phải bỏ tiền túi cho chi phí này.
    Trong khi đó, chi phí cho thuốc và các vật tư y tế điều trị vô sinh hiện nay khá đắt, một lần làm thụ tinh nhân tạo dao động trong khoảng 35 - 50 triệu đồng, nếu phải dùng kỹ thuật nuôi cấy tinh tử thì thêm 10 triệu đồng nữa; mà có những trường hợp phải làm tới 4 lần mới được nên có người dù muốn có con nhưng không đủ tiền làm.
    Bác sĩ Lâm bảo ông và các bác sĩ ở đây đã chứng kiến không ít bệnh nhân sau khi khám, bác sĩ xác định chỉ có thể làm thụ tinh ống nghiệm mới có con, nhưng vì không có tiền nên chỉ biết khóc rồi ra về. Nhìn cảnh ấy, dù rất muốn giúp đỡ nhưng Trung tâm không biết lấy đâu ra kinh phí để hỗ trợ nên đành chịu.
    "Vì thế, trong khi chúng ta đang phấn đấu bảo hiểm y tế toàn dân, là những người đang trực tiếp điều trị, chúng tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách để bảo hiểm y tế nếu không chi trả toàn bộ thì có thể chi trả một phần chi phí cho bệnh nhân, giúp họ có được hạnh phúc làm cha mẹ".
    Theo ANTG

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Nơi hóa giải vô sinh cho quý ông không có 'giống'

Share This Page