Thứ sáu, 22/2/2013, 10:49 GMT+7 Những vết đen nhỏ mở rộng rất nhanh vào ngày 19 và 20/2, tạo nên một vùng đen khổng lồ. Ảnh: NASA. Vệ tinh Solar Dynamics Observatory của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ phát hiện vết đen khổng lồ vào ngày 20/2. "Đường kính của vết đen đã gấp hơn 6 lần đường kính trái đất, song chúng tôi không thể đánh giá kích thước thực sự của nó, bởi nó nằm trên một khối cầu, chứ không phải mặt phẳng", Karen Fox, người phát ngôn của Trung tâm Chuyến bay vũ trụ Goddard, phát biểu. Trên thực tế vết đen khổng lồ là tập hợp của nhiều đốm đen nhỏ hơn. Kích thước của chúng tăng vọt trong hai ngày 19 và 20/2. "Sự hiện diện của vết đen khổng lồ là dấu hiệu của một cơn bão mặt trời mạnh trong những ngày tới", Fox nói. Mặt trời đang ở trong giai đoạn tích cực của chu kỳ kéo dài 11 năm của nó. Hoạt động của mặt trời trong giai đoạn tích cực sẽ đạt đỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2013. Vết đen mặt trời hình thành tại những vùng mà hoạt động của từ trường diễn ra mạnh mẽ. Nhiệt độ trong vết đen thấp hơn và độ sáng của chúng chỉ bằng 1/4 độ sáng của vùng xung quanh. Những cơn bão mặt trời mạnh thường xuất hiện từ những vết đen và chúng giải phóng những luồng hạt mang điện tích vào không gian. Giới khoa học chia bão mặt trời thành ba cấp C, M và X, trong đó X là cấp mạnh nhất. Những cơn bão mặt trời cấp X có thể gây nên bão từ trên tầng thượng quyển của địa cầu. Sự tương tác giữa những hạt mang điện tích từ mặt trời và từ trường trái đất có thể làm tê liệt sóng radio. Những trận bão mặt trời cấp M có thể gây mất tín hiệu radio ở hai vùng cực của trái đất trong khoảng thời gian ngắn. Tác động của những cơn bão mặt trời cấp C thường rất nhỏ và hiếm khi được phát hiện. Minh Long bão mặt trời,vết đen,mặt trời,Solar Dynamics Observatory Nguồn VNExpress