Việc công ty Gold Long John Đồng Nai phải ra tòa đánh dấu một bước tiến quan trọng của cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm được khởi động từ năm 2004 ở Việt Nam. Sau hơn 9 năm chỉ áp dụng mức phạt hành chính, giờ đây kênh tòa án đã được đưa vào để xử lý các vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm. Cụ thể, Công ty TNHH quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam ( Long John Dong Nai), một doanh nghiệp Đài Loan chuyên sản xuất vải dùng làm giầy dép cho các thương hiệu lớn, đã bị công ty Lạc Việt và Microsoft Việt Nam cáo buộc sử dụng bất hợp pháp một lượng phần mềm lớn thuộc quyền sở hữu của hai doanh nghiệp này. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Phòng 4/C50 thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã tiến hành kiểm tra đột xuất giữa năm nay tại Long John Dong Nai. Tại đây, nhiều phần mềm không bản quyền bị phát hiện được cài đặt trên 69 máy tính với tổng trị giá ước tính gần 1 tỷ đồng (45.000 USD). Đại diện công ty Long John Dong Nai đã ký vào Biên bản thừa nhận hành vi sao chép, sử dụng phần mềm không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Họp báo công bố vụ kiện đầu tiên về vi phạm bản quyền phần mềm. Ảnh: BSA. Hiện đơn kiện của công ty Lạc Việt và Microsoft được Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai thụ lý giải quyết. Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh phần mềm BSA, cho biết: "Ở các nước trong khu vực, việc đưa các vụ việc vi phạm bản quyền phần mềm ra tòa khá phổ biến. Đây cũng là kênh xử lý hữu hiệu giúp giảm tỷ lệ vi phạm ở các quốc gia đó. Với trường hợp đầu tiên được đưa ra tòa án ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng tòa án sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam xuống 70%". Trong khi đó, ông Hà Thân, Tổng giám đốc Lạc Việt, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ không chấp nhận đàm phán, hòa giải bởi trước khi khởi kiện, Lạc Việt cũng đã làm đủ các bước hòa giải mà không nhận được sự hợp tác của Công ty Long John Đồng Nai. Cực chẳng đã, chúng tôi đành phải khởi kiện và đã kiện, công ty sẽ đi đến cùng, sẽ đợi sự phán quyết của tòa án. Số tiền đối với công ty không lớn, nhưng quan trọng hơn việc đưa ra tòa lần này sẽ là sự cảnh báo cho các công ty khác hiểu rằng Việt Nam là một nước có pháp luật và các doanh nghiệp cần phải tuân thủ đúng pháp luật". Với tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm giảm 11 điểm từ 92% năm 2004 xuống còn 81% năm 2011, Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền phần mềm. Tuy vậy, để đạt được mức trung bình của khu vực là 60% thì Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm. "Đã có nhiều vụ toà xử về vi phạm bản quyền, nhưng về vi phạm bản quyền trong lĩnh vực phần mềm thì đây là đầu tiên. Cá nhân tôi khuyến khích các doanh nghiệp khởi kiện, bởi giải quyết bằng luật là cách giải quyết tốt nhất, triệt để nhất và hướng tới phải giải quyết theo hướng này chứ không phải chỉ xử lý hành chính như lâu nay. Tranh chấp sở hữu trí tuệ thì phải giải quyết bằng toà án, bởi nó là tài sản nên phải giải quyết ở toà", ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ văn hóa Thể thao & Du lịch, nhấn mạnh. Châu An Nguồn: VNExpress