Cà rốt có tác dụng làm tăng lượng hồng cầu, làm tăng miễn dịch của cơ thể, kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại. Cải xoong làm đẹp nhan sắc, giải độc, giải nhiệt, lợi tiểu... Cà rốt là một loại rau được coi là có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng chữa được nhiều loại bệnh. Trong cà rốt chứa nhiều muối khoáng như K, Ca, P, Fe, Cu, Mg, Mn, Br…, nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B. Ngoài ra, cà rốt chứa rất nhiều caroten, chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa dần thành vitamin A, vitamin của sự sinh trưởng và tuổi thanh xuân. Theo Đông y, cà rốt có vị ngọt, cay, tính hơi ấm, có tác dụng hạ khí, bổ trung, yên ngũ tạng, tăng tiêu hóa, làm cho cơ thể nhẹ nhàng, khoan khoái. Cà rốt có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Ảnh: lamdep Ngày nay, người ta ghi nhận cà rốt có tác dụng làm tăng lượng hồng cầu và huyết cầu tố, làm tăng miễn dịch của cơ thể, kích thích sự tiết sữa, làm cho các mô và da trẻ lại, giúp điều hòa hoạt động của ruột (vừa nhuận tràng vừa có tác dụng chống tiêu chảy), làm lành vết thương, lọc máu, lợi tiểu, trị ho. Có thể dùng cà rốt dưới dạng tươi để ăn Gỏi cà rốt tai heo Cà rốt 300g, tai heo 300g, đậu phộng rang 100g, rau răm, chanh, ớt, nước mắm ngon, muối, giấm, đường. Ăn với bánh phồng tôm. Món này giúp chống táo bón, làm sạch ruột, tăng cường hệ miễn dịch, dưỡng da và làm tươi nhuận sắc mặt. Cà rốt xào củ sắn, thịt heo Cà rốt xào với củ sắn nước và thịt heo nạc (hoặc đậu hũ non), có tác dụng làm mịn da, tươi nhan sắc, giải nhiệt, giải độc, an thần, trợ tiêu hóa. Cà rốt nấu canh sườn heo Cà rốt nấu canh sườn heo hoặc hầm với đuôi heo, có tác dụng dưỡng da, làm mau lành vết thương, mạnh gân cốt, tăng sức đề kháng, tăng thị lực, chống lão hóa. Sinh tố cà rốt Sinh tố cà rốt là thức uống dưỡng da, bảo vệ da rất tốt vì là nguồn cung cấp các loại vitamin, các chất khoáng, chất xơ, acid folic… cho cơ thể. Những người bị bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu tăng, suy nhược cơ thể nên thường xuyên dùng sinh tố cà rốt. Dùng 200g cà rốt kết hợp với các loại trái cây khác để làm sinh tố. Thường người ta dùng các dạng sau: - Cà rốt + táo tây (1/2 quả) + gừng (2 lát). - Cà rốt + kiwi (1 quả). - Cà rốt + cam (1 quả) + táo ( 1 quả). - Cà rốt + táo (1 quả) + nước chanh vắt… Cải xoong Còn gọi là xà lách xoong (cresson), là một loại rau rất tốt cho cơ thể, có tác dụng khai vị, bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, cung cấp nhiều chất khoáng, nhiều vitamin (A, B, PP, caroten) và vitamin C (hơn 40mg%), làm đẹp nhan sắc, giải độc, giải nhiệt, lợi tiểu. Cải xoong mang lại nhiều lợi ích cho làn da. Ảnh: tannhang Cải xoong rất tốt cho người ăn ngủ kém, suy nhược cơ thể, thiếu máu, thấp khớp, bị bệnh ngoài da, tiểu đường, ung thư, sỏi thận, bí tiểu, giảm chức năng gan mật, bệnh đường hô hấp… Có thể sử dụng cải xoong dưới dạng tươi để ăn sống, trộn dầu giấm (với thịt bò hoặc trứng gà), nấu canh với thịt heo nạc để ăn, đều rất tốt cho sức khỏe và làm tươi đẹp làn da cũng như sắc mặt của mình. Một trong những món ăn có ích cho làn da và sức khỏe là canh cải xoong đậu hũ Nguyên liệu: 500g cải xoong, 2 bìa đậu hũ, 100g nấm rơm, 1 củ cải muối. Gia vị : nước tương, muối, đường, bột ngọt, tiêu. Cách làm: Cải xoong nhặt rửa thật sạch, vớt để ráo. Đậu hũ cắt miếng vuông 2cm, dày 5mm, chiên vàng. Nấm rơm gọt sạch, ngâm nước muối, xả lại nước lạnh để ráo, chẻ đôi. Củ cải muối xắt chỉ, cho vào bao vải bóp trong thau nước lạnh cho bớt mặn. Cho dầu vào nồi bắc lên bếp, dầu nóng thì thả kiệu xắt mỏng vào phi thơm, kế đến đổ đậu hũ chiên + nấm rơm + củ cải vào xào cho thấm dầu, nêm nước tương + chút đường + muối + tiêu + bột ngọt + ½ chén nước, để một lúc cho các thứ thấm gia vị, sau đó đong 2 tô nước lạnh đổ vào nồi canh. Canh sôi thì nếm lại cho vừa ăn, thả cải xoong vào, bắc nồi canh xuống, múc ra tô, rắc thêm tiêu. Ăn nóng trong bữa cơm. Lương y Đinh Công Bảy Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM Nguồn VNExpress