Thiết kế và hệ sinh thái ứng dụng chưa hấp dẫn là rào cản khiến hệ điều hành của Microsoft cho máy tính bảng không phát triển nhanh dù trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng trưởng. Theo dự đoán của IDC, đến năm 2017 máy tính bảng chạy Windows sẽ chiếm 10,2% thị trường, tăng 3% so với năm 2013. Trong khi đó máy tính bảng Android được dự đoán sẽ vẫn dẫn đầu nhưng thị phần sẽ giảm từ 60,8% hiện tại còn 58,8% vào năm 2017. Máy tính bảng iPad của Apple sẽ mất thị phần gần 5% thị phần từ 35% hiện nay còn 30,6% vào năm 2017. Thị phần máy tính bảng đến năm 2017 theo dự doán của IDC. Theo thời gian, thị phần của Microsoft trên thị trường máy tính bảng sẽ tăng lên nhờ vào việc đa dạng hóa thiết bị và mức giá cạnh tranh. Về cơ bản, hệ điều hành Windows gặp phải hai vấn đề ngăn cản sự tăng trưởng mạnh mẽ đó là thiết kế của thiết bị và các ứng dụng, ông Tom Mainelli, Giám đốc nghiên cứu tại IDC cho biết. Windows 8 không mạnh mẽ như Microsoft kỳ vọng. Hãng đã tạo ra một hệ điều hành dành cho cả máy tính và máy tính bảng, Mainelli cho biết. “Microsoft vẫn tin rằng người dùng muốn một máy tính bảng với sức mạnh của máy tính”. Nhưng Microsoft không biết rằng chẳng ai muốn sự phức tạp của một chiếc máy tính khi sử dụng chiếc máy tính bảng. Đa số người dùng không hiểu được những gì nổi bật giữa Windows 8 chạy trên vi xử lý x86 và Windows RT với chip xử lý ARM, Mainelli cho biết. Vào tháng 10 vừa rồi, Microsoft đã nâng cấp hệ điều hành của mình lên phiên bản Windows 8.1 Ngoài ra hệ sinh thái ứng dụng cho Windows 8 vẫn còn yếu. Microsoft đang đẩy mạnh phát triển ứng dụng thống nhất cho máy tính bảng và máy tính xách tay nhưng điều này không hề dễ dàng bởi có quá nhiều thiết bị với kích thước màn hình khác nhau, Mainelli nói. "Người dùng sẽ tương tác với các thiết bị khác nhau theo những cách khác nhau". Máy tính bảng lai máy tính vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn với người dùng. Windows có một lợi thế để thành công là số lượng sản phẩm. Nhiều nhà sản xuất tung ra những mẫu máy tính bảng Windows khác nhau như Dell, HP, Toshiba, Acer và thậm chí Microsoft cũng tham gia vào việc sản xuất phần cứng. Giống như việc hệ điều hành Windows được làm cho cả máy tính và máy tính bảng, nhiều nhà sản xuất khiến người dùng thật khó để lựa chọn. Microsoft đang cố gắng đánh cược vào thành công với các thiết bị lai giữa máy tính bảng và máy tính. Những sản phẩm này đi kèm một loạt các năng bao gồm màn hình có thể tháo rời, bổ sung bàn phím vật lý và được gọi là thiết bị “2 trong 1”. “Thiết bị 2 trong 1 là ý tưởng tốt nhưng Microsoft đã không thành công trong các sản phẩm. Hãng và các đối tác muốn tốc độ tăng trưởng nhanh hơn”. Tuy nhiên Microsoft sẽ chưa thể vượt lên trong thị trường máy tính bảng. Đình Nam Nguồn: VNExpress