Trong khi các tựa game truyền thống đang loay hay tìm đường ra thì thế hệ game trên mạng di động đã đạt được những thành công nhất định và quan trọng hơn nữa là đã bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường. Social Network Game là gì? Social game là các trò chơi trực tuyến được cung cấp bởi các nhà phát triển ứng dụng dựa trên nền tảng mạng xã hội (social networking service - SNS). Trò chơi trên mạng xã hội thường là các ứng dụng độc lập không được cung cấp bởi các nhà dịch vụ mạng xã hội SNS như Facebook, Myspace..., người dùng trực tiếp chơi trên mạng xã hội hay trên các nền tảng kĩ thuật số như Xbox Live, Playstation Network... Social Network Game ở đây có thể là trò chơi trên mạng xã hội, hay trò chơi trên mạng có tính xã hội hóa. Định nghĩa Social Game tại thời điểm này nghiêng nhiều hơn về mạng xã hội, có tính giải trí cao, đơn giản và dễ dàng kết nối với bạn bè. Các trò chơi mạng xã hội phát triển như ngày nay có thể là được bắt đầu với Dungeons & Dragons (D&D) - một trò chơi nhập vai với sự kết hợp ý tưởng của cốt truyện game chiến thuật và tính mở trong nội dung, người chơi sử dụng trí tưởng tượng và sáng tạo của mình để phát triển quá trình chơi. Dungeon & Dragon Cơ chế vận hành của D&D kết hợp với kỹ thuật số và kết nối trực tuyến của PC, Game console đã tạo ra chế độ đa người chơi vận hành trên thế giới ảo (multi-user dungeon - MUD), các tựa game tiêu biểu thành công của thể loại này đã ghi dấu ấn như King's Quest, Ultima, Dragonquest và Final Fantasy... Sự phát triển tiếp theo là thế hệ game trực tuyến chính là MMORPG (massively-multiplayer online RPG), những loại game này hấp dẫn người chơi bởi tính xã hội, trong đó cho phép người chơi phối hợp, giao tiếp thông qua chat hay bằng giọng nói. World of Warcraft ra mắt trong năm 2004 là đỉnh cao của MMORPG với 11,1 triệu thuê bao năm 2011, nền kinh tế ảo trong WoW đã trở thành tiêu chuẩn đối với các trò chơi trực tuyến, mạng xã hội thời điểm đó. Cùng thời điểm này là sự phát triển của web game miễn phí tiêu biểu như Runescape với đỉnh điểm là 5 triệu người chơi. Mạng xã hội đã xuất hiện trước khi có Facebook, và các trò chơi xã hội đã xuất hiện như một tất yếu để phục vụ nhu cầu giải trí của người dùng. Các trò chơi tại thời điểm đó khá thô sơ và chủ yếu chạy trên HTML hay PHP. Tính xã hội đã được manh nha nhưng chỉ giới hạn trong việc mời bạn của mình đến thăm và chơi với vật nuôi ảo, khả năng phát triển số lượng vật nuôi ảo dựa trên sự viếng thăm mà chúng nhận được... Năm 2009, FarmVille của Zynga được phát triển bằng nền tảng flash và phát hành trên Facebook đã tạo cơn sốt trò chơi trên mạng xã hội. FarmVille miễn phí hoàn toàn, người chơi có thể tùy chọn trả tiền cho các hạng mục đặc biệt hay tăng thời gian chơi thông qua microtransactions - hình thức thanh toán nhỏ gọn chỉ 1USD đến 2USD bằng thẻ tín dụng hoặc Paypal. Mô hình này được gọi là free-to-play. Cho đến nay mô hình này đã trở thành tiêu chuẩn của các nhà phát triển game trên mạng xã hội. Thế hệ Social Network Game phần lớn được phát triển dựa trên nền tảng Adoble Flash, PHP hoặc Javascript. Một công nghệ khác không quá mới đó là HTML5 có nhiều lợi thế trong lĩnh vực phát triển game trực tuyến, ví dụ như cung cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu ngoại tuyến, tính năng kéo thả, khả năng phát lại... Các trò chơi SNG thường được chơi thông qua trình duyệt web, khác với các game dựa vào trình duyệt là SNG dựa vào phát triển của mạng xã hội và dữ liệu cá nhân người dùng trên đó. Với sự phát triển của các thiết bị di động, SNG được ứng dụng rộng rãi trên hai hệ điều hành iOS và Android. Sự phát triển của mạng xã hội cũng tạo nên trò chơi OpenFeint - cho phép chơi game, chia sẻ, kết nối cộng đồng trên mọi nền tảng dựa vào giao thức mở Oauth. Giao thức này cho phép chia sẻ tài nguyên giữa các ứng dụng mà không cần username và password. Tính mở này nhằm giúp đồng bộ hóa các trò chơi ứng dụng trên mạng xã hội, thiết bị di động... Tựa game FarmVille Sự bùng nổ của Social Network Game Social Network Game thực sự bắt đầu phát triển vào giữa năm 2007 với việc ra mắt của nền tảng Facebook. Kể từ thời điểm đó, Facebook đã tăng từ 27 triệu người truy cập hàng tháng lên đến 500 triệu truy cập và 70% tài khoản tham gia các ứng dụng. Năm 2009, SNG là một trong những hình thức phổ biến nhất của ứng dụng xã hội, tạo ra hơn 500 triệu USD doanh thu. Chỉ riêng với Zynga, doanh thu từ việc bán vật phẩm ảo trong game năm 2011 lên đến 653 triệu USD. Trong quý 1/2013, Facebook có doanh thu từ game là 213 triệu USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái măc dù đã chấm dứt hợp tác với nhà cung cấp SNG lớn nhất là Zynga. Mức tăng trưởng chủ yếu dựa vào người sử dụng Facebook trên thiết bị di động và hiện nay có khoảng 250 triệu người chơi game trên Facebook. Trung tâm nghiên cứu IBISWorld đã từng nhận định SNG là một trong 8 ngành nghề có tốc độ phát triển cao và là cơ sở ổn định của nền kinh tế Mỹ. Với tốc độ phát triển trung bình hàng năm là 180 % trong vòng 5 năm trở lại, ước tính đến cuối năm 2013 doanh thu từ lĩnh vực này đạt 6 tỷ USD. Vua trò chơi trên mạng xã hội Theo eMarketer, người sở hữu smartphone dành gần 39% thời gian để chơi game và trên máy tính bảng là 67% Dự đoán trong năm 2014, SNG là một trong những ngành công nghiệp lớn với 50% người tham gia mạng xã hội sử dụng SNG, chiếm 34% dân số Internet. Tỉ lệ giới tính chơi game mạng xã hội với 54% là nữ giới độ tuổi trung bình là 46, còn nam giới chiếm 46%, độ tuổi trung bình là 37. Trong tổng doanh thu của SNG thì quảng cáo chỉ chiếm khoảng 20,5%, trong khi đó khoản tiền thu được từ nội dung trò chơi chiếm 60%, phần còn lại là từ các liên kết, khuyến mãi... Khoảng 60% người chơi trả 1 - 5USD hàng tháng để mua sắm trong trò chơi trên mạng xã hội. Với đà phát triển như vậy, dự kiến năm 2015 doanh thu của ngành công nghiệp này đạt 5 tỷ USD. Trò chơi trên mạng xã hội bùng nổ dựa trên nhiều lý do, một trong những lý do lớn nhất chính là khả năng tiếp cận dễ dàng đến từng người chơi, không phân biệt giới tính hay độ tuổi. Chơi miễn phí dễ dàng thuyết phục mọi người tham gia hơn. Và hơn nữa những trò chơi này chơi trực tiếp trên mạng xã hội thông qua các trình duyệt web, không đòi hỏi nhiều về cấu hình máy, chỉ cần đăng nhập và chơi. Cộng đồng là điểm làm cho SNG trở nên hấp dẫn hơn, các trò chơi thu hút bạn bè, kết nối các thành viên gia đình... Cuối cùng là các trò chơi mạng xã hội có thể dễ dàng liên tục cập nhật nội dung, luôn đáp ứng được phản hồi của người chơi, cập nhật nhiều tính năng, vật phẩm mới..., dẫn đến các trò chơi này không bao giờ kết thúc. Sự bùng nổ SNG cũng gây khá nhiều phiền toái với người dùng mạng xã hội, đặc biệt là vấn nạn spam lời mời, yêu cầu hỗ trợ ... Rất nhiều người đã phàn nàn về số lượng tin nhắn rác trò chơi trong Newsfeed của họ. Trong quá khứ, Facebook khá nhẹ tay và không có chính sách với các nhà phát triển game, cho phép họ có thể gửi thư rác tới người dùng một cách vô tội vạ. Điều này gây bất bình và làm giảm lượng người chơi trên mạng xã hội. Mark Zuckerberg đã phát biểu về điều này trong một cuộc phỏng vấn: “Rất nhiều người thích chơi game, nhưng cũng có rất nhiều người khác thực sự ghét nó. Một khó khăn rất lớn là người thích chơi game thì muốn cập nhật về nông trại hay pháo đài hay tất cả những gì mà họ đang chơi. Nhưng những người ghét nó hoàn toàn không muốn nhìn thấy những cập nhật này. Vì vậy, chúng tôi đã cân bằng lại mọi thứ để nếu không phải là game thủ, bạn sẽ không nhìn thấy nhiều cập nhật như những người khác.” Cuộc chiến giữa các nhà cung cấp Có thể liệt kê một số nhà phát triển đã từng làm mưa làm gió trên thị trường SNG như Zynga, MegaZebra, Wooga, 5 Minutes, Playfish... Tuy nhiên không phải bất cứ nhà cung cấp nào đều có thể duy trì được phong độ cũng nhưng tạo ra các tựa game gây sốt trên thị trường. Tại thời điểm hiện tại, Zynga vẫn là nhà cung cấp game có lượng người chơi đông nhất, hơn 200 triệu lượt sử dụng trong một tháng. Tuy nhiên tựa game kinh điển Farmville đã bị truất ngôi dẫn đầu bởi những viên kẹo ngọt Candy Crush Saga của King.com - được dự đoán là công ty sẽ sớm soán ngôi Zynga. King hiện có văn phòng tại bảy quốc gia khác nhau và đang có kế hoạch mở rộng tới 750 nhân viên vào cuối năm 2013. Còn Zynga già cỗi đang đóng dần các studio và sa thải hàng loạt nhân viên. Từ khi thành lập vào tháng 7 năm 2007, Zynga thu về hàng trăm triệu USD khi tung ra các tựa game lớn như FarmVille, Mafia Wars, và CityVille, và lợi nhuận năm 2010 đạt 90 triệu USD. Tuy nhiên đây cũng là lần đầu tiên và lần cuối cùng Zynga tạo ra lợi nhuận. Tính đến thời điểm này Zynga đã lỗ 600 triệu USD và mọi thứ dần đen tối khi nhà phát hành game này là Mark Pincus, nhà sáng lập kiêm CEO, từ chức và 11 tựa game đồng loạt đóng cửa. Zynga đã và đang nỗ lực chuyển sang phát triển game dành cho thiết bị di động, nhưng sự chuyển giao này rất vất vả. Trong một thông cáo báo chí tung ra vào đầu tháng 6/2013, Zynga cho biết “Farmville vẫn còn ăn nên làm ra. Nhưng các trò chơi khác khá bết bát”. Nhưng số phận hẩm hiu nhất phải kể đến Playfish với các tựa game đình đám như The Sims Social, Pet Society và SimCity Social đã chính thức đóng cửa sau khi được hãng EA (Electronic Arts) mua về với giá 300 triệu USD. Việc không có người phát triển cũng như bị cắt giảm kinh phí khiến Playfish chết dần. The Sims Social đã từng là tựa tiên phong về thể loại xây dựng ảo trên Facebook với 65 triệu người chơi mỗi tháng, Playfish được đánh giá là nhà phát triển có những tựa game gần gũi và thân thiện với người chơi. Thay vì đầu tư phát triển, EA đem Playfish ra để gây chiến với Zynga trong cuộc chiến bản quyền giữa 2 tựa game cùng phong cách là The Sim Social và The Ville. Tuy nhiên tác động đến sự đi xuống của các nhà phát triển còn có sự góp mặt của Facebook khi quyết định thu tới 30% doanh thu và chi phí hoạt động của các hãng. Kết quả của sự việc này là mối quan hệ của Zynga và Facebook đổ bể, nhưng bù vào đó là bản hợp đồng chiến lược của mạng xã hội này với EA. Thị trường SNG cạnh tranh khốc liệt dẫn đến sự phân mảnh khi mà các nhà sản xuất lớn không còn giữ được vị trí độc tôn của mình. Các nhà phát triển đang tìm con đường mới cho việc mở rộng thị trường bằng cách chuyển sang phát triển ứng dụng trên các thiết bị di động thay vì tập trung phát triển trên mạng xã hội. Cuộc chiến Zynga và EA Tương lai của Social Network Game Nhiều nhà quan sát cho rằng, ngành công nghiệp trò chơi mạng xã hội có tình trạng “bong bóng” và có thể nổ bất cứ thời điểm nào. Các công ty như Zynga, EA sẽ không bao giờ có thể giữ vững lợi nhuận đang có như hiện nay. Một số nhận định khác như người dùng sẽ sớm chán với việc point-and-click, giao diện flash, microtransaction hay phụ thuộc khá nhiều vào danh sách bạn bè. Những lý do đó sẽ khiến người dùng bỏ đi. Việc tụt dốc không phanh của Zynga hay hàng loạt tựa game bị đóng cửa là minh chứng cho việc nhàm chán và già cỗi. Không ai muốn chơi một trò chơi lạc hậu hoặc lặp đi lặp lại. Giordano Contestabile, giám đốc tựa game kinh điển Bejeweled của PopCap, cho rằng SNG hay là một trò chơi có thể đáp ứng theo thời gian với một chu kì có thể là 5 năm, điều này yêu cầu các nhà phát triển phải luôn nỗ lực thay đổi và cập nhật. Hiện nay nhiều nhà phát triển quá chú trọng vào việc tăng số lượng người chơi và tính mọi cách để thu tiền mà quên đi bản chất của các trò chơi là mang lại sự vui vẻ giải trí. Cân bằng việc thu tiền sao cho người chơi không bị cảm thấy bị lừa dối, nếu các cơ chế trò chơi không công bằng thì việc rời bỏ nó khá đơn giản. Tại sao những trò chơi nông nghiệp và các thể loại điều hành nhà hàng, thẩm mĩ viện dễ dàng thành công hơn trò chơi quản lý tàu vũ trụ? Đơn giản là người dùng muốn chơi những trò mà họ cảm thấy quen thuộc, không muốn mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu một thứ khá xa vời. Với hàng trăm đầu game hiện có, các nhà phát triển không có cách nào để khiến tất cả số đó mang lại lợi nhuận, và họ phải kiếm đủ tiền để tiếp tục đầu tư vào tính sáng tạo và công nghệ. Ngành công nghiệp game truyền thống đang vật lộn để tìm ra lối thoát và đây chính là đối thủ cạnh tranh khốc liệt nhất đối với Social Network Game. PC WORLD VN, 11/2013 Nguồn PC World VN