Cơn bão iOS có đe dọa máy tính Mac?

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Dec 2, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 384)

    Các dòng máy tính chạy Mac OS sẽ đi đến đâu trong sự thoái trào chung của máy tính cá nhân trước cơn bão thiết bị tính toán di động.


    [​IMG]

    Apple đã bán ra những chiếc máy tính Mac của mình trong gần 30 năm qua. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây thế giới công nghệ đã biến động mạnh mẽ. Sự hiện diện của hàng loạt thiết bị di động thế hệ mới, điển hình là máy tính bảng đã tấn công mãnh liệt vào thị phần của máy tính cá nhân truyền thống. Điều này cũng đúng với những gì đang xảy ra giữa thiết bị iOS với các dòng máy tính sử dụng Mac OS X. Với tư cách là nhà sản xuất “tất cả trong một” đặc thù, Apple sẽ định hướng máy tính cá nhân của mình như thế nào?


    [​IMG]
    Từ chỗ là sản phẩm “phụ”, máy tính bảng đang “tàn phá” thị trường máy tính cá nhân truyền thống.

    Thực trạng không mấy sáng sủa
    Thực tế không thể phủ nhận là trong suốt 6 năm trở lại đây, mức tăng trưởng của các dòng máy Mac về doanh số luôn vượt so với máy tính chạy Windows. Bản thân máy tính PC cũng sụt giảm doanh số lần đầu tiên vào năm 2012 – hơn 1 thập kỉ sau giai đoạn suy tàn của DotCom 2001. Apple cũng công bố mức sụt đáng kể trong doanh số các dòng máy Mac, từ 5,1 triệu máy hồi 2011 xuống 4,1 triệu máy vào 2012. Trong khi đó, CEO Tim Cook khẳng định rằng việc bán các máy Macbook (Air, Pro) vẫn duy trì đúng lộ trình đã đề ra từ trước đó. Ngoài ra, trong suốt giai đoạn gần đây, Apple lại không hề có phiên bản Mac Pro nào mới. Dòng máy vốn được mệnh danh là vua xử lý của giới nghệ thuật này chỉ vừa mới được hé lộ phiên bản mới cách đây chưa lâu và sẽ còn một thời gian dài chờ đợi nữa trước khi được chính thức xuất hiện trên thị trường. Từ những lý do này, số máy Mac bán ra đã giảm 22% so với cùng kì năm 2012 trong khi doanh thu giảm 16%.

    [​IMG]
    Thị trường máy tính cá nhân đang trải qua giai đoạn suy thoái nghiêm trọng
    Mặc dù vậy, ngay cả khi các dòng máy mới đã ra mắt (trừ Mac Pro), trong giai đoạn đầu năm 2013, máy Mac vẫn tiếp tục có doanh số không khá hơn là mấy. Trong quý 2, mức tăng trưởng cùng kì gần như là con số 0. Trong khi đó quý 3 lại tiếp tục chứng kiến mức suy giảm nhẹ. Thực trạng này đã không khỏi khiến nhiều nhà phân tích lo ngại, và bắt đầu bi quan về việc các dòng máy tính Mac cũng bắt đầu phải đối mặt với trào lưu suy thoái của máy tính cá nhân. Như thế, dù vẫn còn khá sáng sủa so với tình hình chung, Apple đang đứng trước bài toán phải xem xét lại việc kinh doanh cũng như đề ra các định hướng mới thích hợp. Toàn bộ thị trường máy tính cá nhân trong cùng giai đoạn có những mức sụt tệ hại. Riêng trong năm 2012, doanh số chung đã giảm 6,4% so với cùng kì năm trước đó. Với 2013, con số này đã cao hơn gấp đôi (giảm tiếp 13,9%).
    Dĩ nhiên, “thủ phạm” của sự suy thoái có tính hệ thống này không ai khác chính là… máy tính bảng. Cụ thể hơn, đó chính là iPad – sản phẩm được mệnh danh là tiên phong của trào lưu máy tính bảng đồng thời cũng liên tục nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường. Bên cạnh đó, những chiếc máy bảng giá rẻ ít tên tuổi đã khiến Netbook và nhiều dòng máy tính cá nhân giá rẻ hoàn toàn bị thất thế. Trong khi đó, chúng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dùng với khả năng duyệt web, chạy ứng dụng Android, lướt mạng xã hội… và một số tác vụ khác. Ở một góc nhìn tổng thể, gần như mọi nhà sản xuất PC đều có sản phẩm máy tính bảng để đón đầu và chuẩn bị cho việc chuyển mình. Dễ thấy nhất chính là Asus, Sony hay thậm chí là đối thủ Samsung của chính Apple.
    Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới chiến lược của Apple trong giai đoạn tiếp theo? Ở góc độ nào đó, chính sức ép mạnh mẽ của iPad và các sản phẩm tương tự đã buộc PC nói chung phải tìm hướng đi độc đáo và chuyên biệt hơn để tồn tại. Đây “vô tình” lại là lợi thế vốn có của Mac.

    Apple – sẽ “di động hoá” hoàn toàn?
    Trước thực trạng đang diễn ra, không ít các ý kiến phân tích cho rằng Apple nên… bỏ cuộc chơi Macintosh và chú tâm hoàn toàn vào các sản phẩm thời kì hậu máy tính cá nhân. Những lời khuyên này hoàn toàn không mới bởi bản thân Apple trước khi ra mắt iPod hay iPad, iPhone đã từng nhận được những ý kiến tương tự.

    [​IMG]
    Doanh thu của Apple riêng từ nền tảng Mac gần bằng với tổng mức Microsoft thu về từ sản phẩm “đinh” Windows của họ.

    Ngay trong mùa hè vừa qua, tại hội thảo thường niên WWDC của mình, Apple nhấn mạnh rằng số lượng máy Mac đã tăng tới 72 triệu – 100% so với 5 năm trước đây. Trong khi đó, thị trường PC chỉ tăng 18% cùng kì và thậm chí đã ngừng tăng trưởng từ vài năm trước. Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết sau 1 năm, hệ điều hành Mountain Lion đã tiêu thụ được 29 triệu bản. So với mức 400 triệu bản của iOS 7 chỉ trong tuần đầu tiên, doanh số của Mountain Lion là cực kì khiêm tốn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc trong khi hệ điều hành Mac vẫn thu phí và đem lại lợi nhuận 840 triệu USD cho Apple thì iOS lại hoàn toàn miễn phí. Thêm vào đó, Apple đã thu về từ nền tảng Mac mức doanh thu gần bằng với Microsoft thu về từ Windows. Riêng trong quý cuối 2012, Microsoft kiếm được 6 tỷ USD từ Windows – chỉ nhỉnh hơn chút ít so với mức 5,5 tỷ doanh thu của máy Mac. Sự khác biệt đáng ngại nằm ở chỗ: Mac không phải là nền tảng duy nhất mà Apple sở hữu – thậm chí không phải nền tảng đem lại nhiều lợi nhuận nhất. Thực tế, sự thành công của chiến lược Mac đã tạo cảm hứng cho nhiều công ty khác “nhái” theo. Điển hình cho nhóm này là Google với việc bắt chước toàn bộ dải sản phẩm Mac để tạo ra thương hiệu Chrome OS với sự trợ giúp của Samsung, ví dụ như Chromebook (giống Macbook), Chromebook Pixel (giống Macbook Pro Retina), Chromebox (giống Mac Mini / iMac)…, và dĩ nhiên là Chrome OS (giống Mac OS X). Dù vậy, phần duy nhất – và cũng là quan trọng nhất – mà những liên minh như vậy chưa thể “nhái’ được chính là một nền tảng kèm dịch vụ thực sự hoàn thiện. Nói cách khác, người dùng mua phần cứng sẽ nhận được những tính năng và phần mềm với độ hữu dụng cao thay vì chỉ những món đồ chơi rẻ tiền hoặc những thứ lộn xộn như hiện nay. Thực trạng là trong khi Google đầu tư khá nhiều nhưng vẫn không thu được lợi nhuận từ phần cứng thì doanh thu các thiết bị điện toán của Samsung ngoài mảng điện thoại vẫn chỉ bằng 1/10 Apple mà thôi.
    [​IMG]
    Mac Pro mới đã phá vỡ quan điểm truyền thống về sự cồng kềnh của máy trạm hiệu năng cao.

    Apple – lối đi nào thích hợp?
    Trong nhiều năm qua, gần như chẳng mấy khi chiến lược Apple được đánh giá chính xác, không ít lần nó bị cho là thất bại hoặc quá lập dị trong khi thực tế lại cho thấy thành công vượt bậc. Cũng tương tự, sự thiếu hụt về một cái nhìn toàn diện đã khiến không ít ý kiến cho rằng iOS và Mac OS X nên được “hội tụ” lại với nhau để tạo thành một nền tảng không đối thủ.
    Hầu như không ai nghĩ tới việc Microsoft hội nhập Windows XP và Windows Mobile, tương tự với Windows 8 và Windows Phone 7/8 hiện nay. Thực tế rất hiếm khi có hai sản phẩm hàng đầu của cùng một nhà sản xuất hướng tới sự hội nhập. Ngược lại, những trào lưu kết hợp đôi khi lại đến từ những nhà sản xuất không mấy liên quan – điển hình là việc MTXT với Windows và Android cùng lúc.

    [​IMG]
    Tập trung phát triển các tính năng và công nghệ “đỉnh” vẫn luôn là thế mạnh của Apple trước các đối thủ.


    Tuy vậy, ý tưởng kết hợp sẽ không mấy phù hợp - đặc biệt là khi xem xét những tính năng được thiết kế riêng cho mỗi loại sản phẩm. Trước đây, Microsoft đã từng có Windows XP Tablet Edition cho rất nhiều dòng máy bảng. Trong khi đó, Windows 7 đã từng được sử dụng trên nhiều máy bảng hiện đại, nhưng tất cả đều không làm hài lòng khách hàng – đặc biệt là về giao diện, cồng kềnh và khả năng quản lý năng lượng. Ngược lại, những ứng dụng cho môi trường di động chắc chắn sẽ không thể làm hài lòng nhóm người dùng máy tính cá nhân thông thường – chưa tính tới nhóm cao cấp – về tính năng cũng như ứng dụng. Chính vì thế, việc kết hợp 2-trong-1 sẽ là cực kì khó khăn và không đem lại lợi ích cho nhà sản xuất.
    Dù vậy, việc hai nền tảng hệ điều hành của một thương hiệu có những nét tương đồng là điều thường thấy. Với Apple, trong khoảng 1 năm trở lại đây, không ít các tính năng của iOS đã được Mac OS X “mượn” như iMessage hay App Store. Ngay cả phiên bản 10.9 Mavericks mới nhất, Maps và iBooks đã được Apple đưa sang. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi đó đều là những dịch vụ “đẻ trứng vàng” của hãng. Sự chia sẻ chéo nền tảng sẽ cho phép mở rộng số lượng người dùng, tính tiện ích cũng như tạo điều kiện phát triển các dịch vụ mới, nhưng tách biệt cả về thiết kế cũng như sử dụng các thiết bị iOS và Mac là không khả thi. Vậy con đường hợp nhất là không thể, Apple sẽ tính tới lối nào cho Mac?


    [​IMG]
    Các hệ thống Mac vẫn là bạn đồng hành truyền thống của giới nghệ sĩ và các nhà sản xuất nội dung.

    Câu trả lời của Apple
    Thay vì hợp nhất, Apple đã phát triển những công nghệ đặc biệt dành cho dòng máy tính của mình. Trong năm ngoái, Thunderbolt, USB 3.0, Fusion Drive, Wifi siêu tốc 802.11ac 1,3 GBps đều có mặt rất sớm trên máy Mac và chúng đều không được trang bị trên các thiết bị di động. Bản thân những công nghệ này không phù hợp cho môi trường di động. Trong khi đó, dù chuẩn Lightning trên iPhone và iPad mới có vẻ như được thiết kế để hỗ trợ USB 3.0, hiện không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự hỗ trợ chuẩn mới này trong kiến trúc A7 mà Apple vừa ra mắt. Thực tế, việc hỗ trợ USB 3.0 trên thiết bị di động đòi hỏi bộ nhớ RAM cực nhanh. Bản thân giao tiếp USB 2.0 hiện tại đã là khá nhanh với môi trường di động nói chung. Nhiều người dùng còn không ngại việc đồng bộ dữ liệu qua Wifi – vốn chậm hơn so với việc dùng cáp USB khá nhiều. Tương tự như vậy, trong khi 802.11ac siêu nhanh với băng thông 1,3 Gbps, mức này hoàn toàn không cần thiết với Wifi của thiết bị iOS (vốn đang ở mức 150 Mbps) – đặc biệt khi với nhu cầu sử dụng thông thường.
    Như thế, có thể chắc chắn rằng Apple không đơn giản chỉ đưa ra những tính năng hấp dẫn để phục vụ việc bán hàng cho mảng sản phẩm Mac theo cách đơn thuần, đồng thời theo đuổi những kế hoạch sản phẩm hào nhoáng nhưng không hiệu quả thực sự (ví dụ như kết hợp sản phẩm, tạo ra các mẫu máy “lai”…) theo hướng Microsoft đã liên tục thử nghiệm trong nhiều năm. Thực tế, Apple luôn luôn tính toán mọi chiến thuật mới một cách cơ bản từ cốt lõi của mỗi sản phẩm.

    [​IMG]

    Những thay đổi mang tính cách mạng!
    Trước nhiều đối thủ mạnh, Apple không thể thiếu những bước tiến vượt trội. Tương tự như các sản phẩm trước đây của mình, hãng luôn hướng tới sự đột phá mang tính cách mạng trong mỗi sản phẩm thay thế mới. Vào hồi tháng 4 vừa qua, khi Mac Pro ra mắt, Apple thực sự đã khiến cộng đồng kinh ngạc khi thay đổi hoàn toàn quan niệm về một chiếc máy tính trạm hiệu năng cao. Đây là bước đi khá giống với Macbook Air và Macbook Pro Retina trước đây. Mac Pro thế hệ mới nhỏ, gọn, không có ổ quang, hướng tới hiệu năng cao, tích hợp Thunderbolt 20Gbps và vẫn duy trì được khả năng mở rộng. Nói cách khác, Apple đã phá bỏ quan niệm những chiếc máy mạnh mẽ luôn dính liền với sự cồng kềnh và nặng nề vốn tồn tại lâu nay.
    Tuy thế, một điều chắc chắn rằng Apple không hề đặt mục tiêu thay thế các dòng máy tính Windows bằng Mac Pro. Lý do là bởi chính những chiếc iPad của họ đã và đang thực hiện điều này một cách rất thành công. Mac Pro và anh em iMac của nó lại hướng tới xâm chiếm đủ loại phân khúc thị phần vốn rất rộng lớn của máy tính cá nhân (đặc biệt là các dòng để bàn truyền thống, máy tính all-in-one, máy trạm hiệu năng cao… ). Với hơn 72 triệu máy đang được sử dụng, nền tảng Mac không chỉ đạt con số lớn nhất từ trước tới nay. Nó cũng được đánh giá rất cao khi nhìn ở khía cạnh một nền tảng đa phương tiện và sản xuất nội dung. Đây là thế mạnh của Apple so với máy tính Windows suốt lâu nay. Trong nhiều năm qua, hầu như mọi nghệ sĩ, nhà sản xuất, nhà thiết kế đều đặt niềm tin vào các hệ thống Apple. Trong khi đó, những người dùng có nhu cầu đơn giản hơn như duyệt web, xử lý ứng dụng, văn bản… sẽ hướng tới Windows. Dù vậy, tình hình đang thay đổi.
    Thực tế, những người dùng nhóm này lại đang hướng về những sản phẩm iOS và đánh giá cao chúng hơn Windows truyền thống. Điều này đã khiến thị phần của máy tính cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề. Bản thân những mô hình phần mềm dành cho người tiêu dùng mới đều xuất hiện trước tiên trên iOS thay vì Windows như một vài năm trước đây. Bên cạnh đó, nhiều người dùng cao cấp, như các nhà phát triển ứng dụng, web hay các nghệ sĩ, nhà biên tập phim ảnh, âm nhạc… đã và đang bị cuốn hút vào môi trường Mac suốt nhiều năm qua. Môi trường đậm chất nghệ thuật nhưng lại an toàn, ổn định và dễ sử dụng đã tạo được sự gần gũi với người dùng của Mac OS X. Nó thực sự cho phép người dùng yên tâm về mặt công cụ lao động để toàn tâm toàn ý với công việc của họ - một tiêu chí cực kì quan trọng với những nhà sản xuất nội dung, nghệ sĩ… Trong khi đó, việc Apple liên tục nâng cấp phần cứng mới với nhiều bước tiến trước đối thủ càng khiến cho trào lưu này trở nên mạnh mẽ hơn.

    [​IMG]
    Với hướng đi đúng đăn hiện tại, tương lai của máy tính Mac vẫn khá sáng sủa – bất chấp những mối đe doạ từ “gà nhà” iOS.

    Nhìn tổng thể, Apple không cần phải lo ngại đối với sự an nguy của máy tính Mac. Ngược lại, họ đã có một nền tảng phát triển tương đối bền vững. Bài toán duy nhất mà hãng cần phải suy tính vào lúc này dường như chỉ là việc làm thế nào để thực sự bứt phá trước Windows cũng như tạo thế mạnh đối trọng với sức ép từ Android mà thôi. Việc duy trì tốc độ phát triển sản phẩm nhanh hơn ở cả hai mảng thông qua năng lực sáng tạo và văn hoá sản phẩm, là hai thế mạnh truyền thống của Apple, sẽ đảm bảo vị thế của hãng trước các đối thủ mạnh đồng thời cho phép không chỉ máy tính Mac mà cả các thiết bị iOS chiếm thị phần ngày càng lớn hơn trên thị trường công nghệ.

    PC WORLD VN, 11/2013


    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Cơn bão iOS có đe dọa máy tính Mac?

Share This Page