Mọi điều cần biết về Android - Kỳ 3: Khắc phục sự cố

Discussion in 'Tin tức - Đồ chơi số' started by Robot Siêu Nhân, Nov 28, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 476)

    Bài sẽ hướng dẫn bạn cách bảo trì điện thoại Android; Khởi động thiết bị Android vào chế độ Safe Mode khi gặp vấn đề; Cách reset thiết bị Android khi nó không khởi động và tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề với pin điện thoại Android.


    I. Bảo trì điện thoại Android như thế nào
    Điện thoại Android của bạn là một chiếc máy tính mạnh. Nhưng cũng giống như bất kỳ máy tính nào khác, nó sẽ không chạy tốt nhất nếu không được bảo trì và chăm sóc đúng cách.
    Nếu đã từng sở hữu một chiếc điện thoại Android, có thể bạn đã nhận thấy rằng, nó trở nên chậm hơn sau một vài tháng sử dụng kể từ khi bạn mang nó từ cửa hàng về nhà. Bạn có thể thực hiện những điều sau đây để smartphone Android của mình lại chạy nhanh như mới.

    1. Xoá bộ nhớ cache
    Bạn có một ứng dụng luôn bị treo? Thay vì bắt buộc phải đóng hoặc gỡ cài đặt ứng dụng, hãy thử xoá bộ nhớ cache của nó. Bước đơn giản này sẽ giúp giải quyết hầu hết các vấn đề gây rắc rối cho ứng dụng và sẽ không tạo ra những vấn đề mới. Để xóa bộ nhớ cache của ứng dụng, mở menu Settings trên điện thoại > nhấp vào Applications > chọn Manage Applications > chạm vào ứng dụng đang gặp vấn đề. Đừng lo lắng, tất cả dữ liệu và các thiết lập của bạn sẽ vẫn còn nguyên vẹn, bạn chỉ loại bỏ các tập tin tạm (temporary file) mà thôi.

    [​IMG]
    Bảo trì điện thoại Android: Xoá bộ nhớ cache (Clear cache).

    2. Gỡ cài đặt ứng dụng
    Nhiều ứng dụng có trên điện thoại Android mà bạn không sử dụng bao giờ, làm tốn dung lượng lưu trữ. Có những ứng dụng bạn không muốn sử dụng cứ tự động chạy trong nền gây lãng phí tài nguyên. Ví dụ, khi mở ứng dụng Facebook, nó tự động bật GPS phòng khi bạn muốn upload ảnh hoặc chia sẻ cập nhật trạng thái có tag vị trí hiện tại của mình. Điều này rất hay, ngoại trừ việc nó quên tắt ứng dụng GPS khi đã sử dụng xong, làm lãng phí năng lượng pin.
    Thật không may, trình Task killer thường không hiệu quả để chống lại vấn đề này, vì vậy lựa chọn thực tế nhất là bạn hãy mở trình quản lý ứng dụng App Drawer của mình > gỡ cài đặt các ứng dụng mà bạn không thường xuyên sử dụng. Làm như vậy sẽ tăng thêm không gian trên điện thoại để lưu nhạc, video, ảnh, và giúp giảm số lượng ứng dụng đang chạy ở chế độ nền.
    [​IMG]
    Kiểm tra trình App Drawer để xem các ứng dụng nào bạn không sử dụng hoặc không cần.

    3. Xóa sạch thẻ nhớ
    Xóa thẻ SD có thể không tăng hiệu suất của điện thoại, nhưng nó sẽ loại bỏ tất cả tập tin cũ hoặc không sử dụng đang chiếm không gian trên thẻ. Để xác định những phần lớn nhất trên thẻ nhớ, bạn nên cài DiskUsage. Ứng dụng này sẽ cho bạn thấy những tập tin nào đang chiếm nhiều không gian lưu trữ nhất trên điện thoại, mặc dù bạn sẽ phải cắm điện thoại vào máy tính hoặc sử dụng ứng dụng duyệt tập tin (như Astro) để xóa các tập tin không cần thiết.
    Bạn nên làm điều này bất cứ khi nào gỡ cài đặt các ứng dụng, chủ yếu là do một số ứng dụng để lại các thư mục dữ liệu sau khi chúng bị gỡ. Nếu điện thoại đã được root, bạn có thể tải về, cài và dùng ứng dụng SD Maid để tự động xóa các tập tin rác cũ. SD Maid cũng cho phép bạn đóng băng/loại bỏ bất kỳ bloatware nào được cài sẵn trên smartphone của mình.
    Để tìm kiếm ứng dụng từ cửa hàng Google Play, hãy chép dòng sau vào ô tìm kiếm của trang Google.com: tên ứng dụng site:play.google.com (ví dụ, DiskUsage site:play.google.com).
    [​IMG]
    DiskUsage cho bạn thấy có những gì trên thẻ SD của mình.

    4. Root điện thoại
    Nếu bạn không sợ mất bảo hành, root sẽ “hà hơi” cho cuộc sống mới của chiếc điện thoại Android “cổ lỗ”. Sau khi root, bạn có thể loại bỏ những bloatware không mong muốn, cài đặt các ROM tùy chỉnh làm thay đổi diện mạo của Android trên điện thoại.
    Một lợi ích khác của root là bạn không còn phải phụ thuộc vào nhà cung cấp của mình để cập nhật Android. Trong khi những người khác đang chờ để nhận được Android mới, bạn có thể tìm thấy ngay ROM cho điện thoại của mình một vài tuần hoặc vài tháng trước khi bản cập nhật chính thức xuất hiện.
    Root không phải là không nguy hiểm, và một sai lầm nghiêm trọng có thể làm cho điện thoại không sử dụng được nữa, vì vậy hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi làm.
    II. Cách reset thiết bị Android khi nó không khởi động
    Nếu chế độ an toàn không thể giúp khắc phục sự cố, bạn sẽ phải thiết lập lại điện thoại/máy tính bảng Android của mình về trạng thái như vừa ở nhà máy ra.
    Chế độ an toàn (safe mode) có thể giúp bạn khắc phục sự cố cho thiết bị Android, nhưng đôi khi bạn cần xóa sạch mọi thứ và phục hồi thiết bị về trạng thái như vừa ở nhà máy ra (factory state). Bạn còn có thể thiết lập lại (reset) về factory state khi điện thoại/máy tính bảng Android của mình không khởi động bình thường.
    Hãy đảm bảo là mọi dữ liệu quan trọng (bao gồm cả thông tin Google Authenticator) đã được sao lưu trước khi thực hiện reset. Đầu tiên, hãy vô hiệu hóa xác thực 2 bước trên tài khoản của bạn để tránh một số rắc rối sau đó.

    1. Nếu không thể khởi động
    Nếu chế độ an toàn không giúp sửa được thiết bị của bạn, có thể thực hiện reset cứng bằng cách khởi động vào chế độ phục hồi đặc biệt. Đầu tiên, đảm bảo thiết bị đã tắt hoàn toàn.
    Hãy bấm và giữ đúng các phím để khởi động thiết bị vào chế độ phục hồi (recovery mode). Điều này sẽ tùy vào thiết bị bạn sử dụng. Dưới đây là một số ví dụ:
    Nexus 7: Volume Up (âm lượng to) + Volume Down (âm lượng nhỏ) + Power (nguồn).
    Samsung Galaxy S3: Volume Up + Home + Power.
    Motorola Droid X: Home + Power.
    Các thiết bị với nút camera: Volume Up + Camera.
    Những thiết bị tương tự thường sử dụng tổ hợp phím giống nhau. Ví dụ, Nexus 4 cũng sử dụng Volume Up + Volume Down + Power.
    Nếu thiết bị của bạn không có trong danh sách này và không tổ hợp phím nào ở trên làm việc, hãy tìm kiếm Google với truy vấn “tên của thiết bị” và “recovery mode” - hay tìm trong sách hướng dẫn của thiết bị hoặc các trang hỗ trợ.
    Nhả các nút trong tổ hợp phím ra khi thiết bị đã bật lên. Bạn sẽ thấy xuất hiện hình ảnh Android nằm ngửa, ngực mở để lộ bên trong.

    [​IMG]
    Android chuẩn bị khởi động thiết bị vào chế độ phục hồi.

    Nhấn 2 phím Volume Up, Volume Down để di chuyển qua các tùy chọn cho đến khi bạn thấy Recovery mode trên màn hình.
    [​IMG]
    Xuất hiện Recovery mode trên màn hình.

    Nhấn nút Power để khởi động lại vào chế độ phục hồi. Bạn sẽ sớm thấy hình ảnh Android với tam giác màu đỏ.
    [​IMG]
    Android bắt đầu khởi động thiết bị vào chế độ phục hồi.

    Giữ nút Power và nhấn Volume Up. Bạn sẽ thấy menu phục hồi hệ thống Android xuất hiện ở trên cùng của màn hình.
    [​IMG]
    Menu phục hồi hệ thống Android xuất hiện.

    Dùng 2 phím Volume Up, Volume Down để chọn wipe data/factory reset > nhấn nút Power để kích hoạt nó.
    Chọn Yes – delete all user data và thiết bị của bạn sẽ được reset về factory state. Tất cả dữ liệu của bạn sẽ bị xóa.
    [​IMG]
    Tùy chọn này để reset thiết bị về factory state.

    Nếu thiết bị của bạn bị đóng băng tại bất kỳ điểm nào, giữ nút Power cho đến khi nó khởi động lại.
    2. Nếu có thể khởi động
    Bạn có thể reset điện thoại/máy tính bảng Android bình thường từ màn hình Settings của nó. Chạm vào tùy chọn Backup & reset (trên các phiên bản mới nhất của Android) hoặc Privacy (nếu sử dụng Android 2.3).

    [​IMG]
    Nếu có thể khởi động, hãy chọn tùy chọn này…

    Chạm vào tùy chọn Factory data reset và làm theo hướng dẫn
    [​IMG]
    …rồi chọn tùy chọn này để reset thiết bị về factory state.

    Nếu quá trình reset về factory state không khắc phục được vấn đề, hoặc không hề làm việc, có khả năng thiết bị của bạn có vấn đề với phần cứng. Nếu nó vẫn còn bảo hành, hãy đem đi sửa hoặc thay thế.
    III. Khởi động thiết bị Android vào chế độ Safe Mode
    Cũng như trên Windows, bạn có thể khởi động vào chế độ Safe Mode của Android để nạp Android mà không có bất kỳ ứng dụng của bên thứ ba nào.
    Nếu thiết bị gặp sự cố, bị treo hoặc có các vấn đề về pin, bạn có thể khởi động vào chế độ Safe Mode và xem liệu vấn đề còn xảy ra ở đó hay không. Từ Safe Mode, bạn có thể gỡ cài đặt (uninstall) các ứng dụng hỏng của bên thứ ba.

    1. Khởi động vào chế độ Safe Mode
    Để khởi động lại vào chế độ Safe Mode trên Android 4.1 hoặc mới hơn, nhấn giữ nút nguồn cho đến khi menu Power Options xuất hiện.

    [​IMG]
    Menu Power Options

    Nhấn giữ tùy chọn Power Off > bạn sẽ được hỏi liệu có muốn khởi động lại thiết bị Android của mình vào chế độ Safe Mode > nhấn nút OK.
    [​IMG]
    Bạn có muốn khởi động lại vào chế độ Safe Mode?

    Trên các phiên bản Android cũ hơn, nhấn giữ nút nguồn > nhấn Power Off để tắt thiết bị. Bật điện thoại/máy tính bảng bằng cách nhấn giữ nút nguồn một lần nữa. Nhả nút nguồn ra và khi bạn nhìn thấy logo xuất hiện trong quá trình khởi động > giữ cả hai nút Volume Up và Volume Down cho đến khi thiết bị khởi động xong, xuất hiện chữ Safe mode ở góc dưới bên trái của màn hình.
    2. Xử lý sự cố trong chế độ Safe Mode
    Khi ở trong chế độ Safe Mode, dòng chữ “Safe mode” sẽ xuất hiện ở dưới cùng của màn hình.

    [​IMG]
    Dòng chữ “Safe mode” sẽ xuất hiện ở dưới cùng của màn hình

    Trong chế độ Safe Mode, bạn sẽ chỉ có thể truy cập các ứng dụng đi kèm với thiết bị. Các ứng dụng bạn đã cài đặt sẽ bị vô hiệu hóa, bất kỳ widget nào bạn đã thêm vào các màn hình chủ của mình sẽ không có mặt. Sau khi khởi động vào Safe Mode, hãy thử sử dụng thiết bị một cách bình thường. Nếu các sự cố về khởi động lại, treo máy hoặc về pin, hiệu suất kém được giải quyết trong Safe Mode, vấn đề là do ứng dụng của bên thứ ba mà bạn đã cài đặt.
    Trong khi các ứng dụng bị vô hiệu hóa, bạn có thể gỡ cài đặt chúng. Mở màn hình Settings > chạm vào Apps > xác định vị trí ứng dụng bạn muốn gỡ cài đặt > chạm vào nó > chạm vào nút Uninstall. Nếu gần đây bạn đã cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, có lẽ đầu tiên bạn nên thử gỡ cài đặt những ứng dụng đó.
    [​IMG]
    Nếu muốn, bạn có thể gỡ cài đặt các ứng dụng của bên thứ ba

    Sau khi gỡ cài đặt các ứng dụng, bạn có thể thử cài đặt chúng từng cái một để xác định xem ứng dụng nào đang gây ra vấn đề.
    Để thoát khỏi chế độ Safe Mode, khởi động lại thiết bị của bạn một cách bình thường (nhấn giữ nút nguồn > nhấn Power Off để tắt thiết bị > nhấn giữ nút nguồn một lần nữa để bật lại). Điện thoại/máy tính bảng Android của bạn sẽ khởi động và nạp phần mềm của bên thứ ba như bình thường.
    IV. Tìm ra nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề với pin điện thoại Android
    BetterBatteryStats là ứng dụng hiển thị thông tin rất chi tiết về những gì đang thực sự sử dụng pin của điện thoại. Với BetterBatteryStats, bạn có thể xác định chính xác các ứng dụng/thiết lập nào đang “ngốn” pin của mình.

    1. Bắt đầu
    BetterBatteryStats có trên Google Play với giá 2,99 USD (để tìm kiếm ứng dụng từ cửa hàng Google Play, hãy chép dòng sau vào ô tìm kiếm của trang Google.com: BetterBatteryStats site:play.google.com). Nếu muốn thử trước khi mua, bạn có thể tải về ứng dụng miễn phí từ diễn đàn XDA Developers http://forum.xda-developers.com/showthread.php?t=1179809.
    Một khi đã cài đặt ứng dụng, bạn phải sạc điện thoại của mình rồi cho BetterBatteryStats thời gian để thu thập dữ liệu. Hãy sử dụng điện thoại bình thường trong một vài giờ, cả ngày hay thậm chí là để qua đêm để xem điện thoại của bạn sẽ làm những gì khi bạn không sử dụng nó. BetterBatteryStats chỉ sử dụng các sự kiện tiêu chuẩn của Android, vì vậy phần mềm này sẽ không tiêu tốn thêm pin để thu thập dữ liệu.

    [​IMG]
    BetterBatteryStats bắt đầu chạy.

    2. Giải thích về wakelocks
    Wakelocks là những thứ khiến thiết bị đang ngủ phải “tỉnh giấc”, gây hao tổn về pin. Điện thoại Android có 3 trạng thái: Tỉnh (awake) với màn hình bật (khi bạn đang sử dụng nó); Tỉnh với màn hình tắt (khi nó đang thực hiện các công việc ở chế độ nền); và Ngủ (sleep).
    Khi không sử dụng điện thoại/máy tính bảng, bạn muốn nó ở trong chế độ ngủ càng lâu càng tốt vì chế độ ngủ tiêu thụ rất ít pin.
    Tuy nhiên, điện thoại của bạn không thể luôn ở trong trạng thái ngủ. Các ứng dụng cần thực hiện công việc trong chế độ nền, ví dụ Gmail nhận thư mới, trình nghe nhạc chơi nhạc với màn hình điện thoại tắt, ứng dụng Contacts đồng bộ các địa chỉ… đều sử dụng partial wakelocks (wakelocks một phần) để giữ điện thoại tỉnh trong khi chạy.
    Bạn có thể thấy tác dụng của wakelock khi xem thông tin trạng thái của điện thoại (có được sau khi BetterBatteryStats thu thập dữ liệu) trong hình bên. Chúng ta thấy rằng, điện thoại đã được bật trong hơn 21 giờ. Trong thời gian này, màn hình của điện thoại chỉ sáng trong 12 phút nhưng bản thân điện thoại đã tỉnh trong gần 2 giờ.

    [​IMG]
    Thông tin trạng thái của điện thoại mà BetterBatteryStats thu thập được.

    Tại sao điện thoại tỉnh gần 2 giờ khi chúng ta không sử dụng nó? Đó là vì wakelocks một phần làm nó tỉnh. Chúng ta có thể làm giảm thời lượng điện thoại tỉnh > tăng tuổi thọ của pin bằng cách loại bỏ wakelocks (Lưu ý rằng, wakelocks chỉ đo thời gian điện thoại tỉnh khi màn hình tắt. Nếu bạn sử dụng điện thoại để nghe nhạc với màn hình tắt, một lượng lớn thời gian tỉnh với màn hình tắt là không thể tránh khỏi).
    3. Xem wakelocks một phần
    Để xem wakelocks một phần, hãy chạm vào menu Other ở trên cùng của ứng dụng > chọn Partial Wakelocks. Bạn sẽ thấy một danh sách các tác vụ gây ra wakelocks. Ứng dụng gây ra nhều wakelocks nhất sẽ xuất hiện ở đầu danh sách, do đó bạn sẽ biết phải tập trung vào những vấn đề nào.
    Ví dụ, trong hình dưới đây, chúng ta có thể thấy một số nguyên nhân của wakelocks: Google Maps tự động cập nhật vị trí (có lẽ vì vậy Google Now sẽ biết ta đang ở đâu), Pocket đồng bộ các bài báo chưa đọc, Twitter đồng bộ tweet mới, và ứng dụng Google+ đồng bộ nội dung mới.

    [​IMG]
    Một số nguyên nhân của wakelocks

    4. Loại bỏ wakelocks một phần
    Với thông tin này, bạn biết có thể làm những gì để tăng tuổi thọ pin của điện thoại. Bạn có thể: vô hiệu hóa việc báo cáo vị trí chạy dưới nền trong Google Maps (mở ứng dụng Google Maps > Settings > Location settings > Location reporting > Do not update your location); đặt Pocket để đồng bộ các bài viết ít thường xuyên hơn (hoặc thậm chí là đồng bộ bằng tay); thiết lập Twitter để kiểm tra tweet mới ít hơn; và vô hiệu hóa tính năng đồng bộ của ứng dụng Google+.

    [​IMG]
    Sửa Location settings của Google Maps

    Chụp màn hình trên các thiết bị chạy Android từ 4.0 trở đi

    Android 4.0 Ice Cream Sandwich và mới hơn bao gồm tính năng chụp màn hình tích hợp, dễ sử dụng. Bạn có thể chụp ảnh màn hình, gửi nó đi khỏi máy tính bảng/smartphone của mình chỉ trong vài giây.

    Trong Android 2.x, bạn thường chỉ có thể chụp ảnh màn hình của điện thoại/máy tính bảng Android bằng cách root hoặc kết nối nó với máy tính và sử dụng bộ Android SDK của Google. Nhưng từ Android 4.0 Ice Cream Sandwich, mọi việc đã khác.

    1. Chụp màn hình
    Để chụp màn hình trên thiết bị của mình, hãy nhấn các nút Power (Nguồn) và Volume Down (Giảm âm lượng) cùng một lúc.
    Màn hình sẽ nhấp nháy > bạn sẽ nghe thấy âm thanh > thấy hình ảnh xuất hiện và mờ dần vào thanh thông báo. Thông báo “Saving screenshot” sẽ xuất hiện.

    [​IMG]
    Ảnh màn hình đã được chụp.

    Trên Android từ 4.1 (Jelly Bean) trở đi, bạn có thể xem một phần của hình chụp màn hình từ notification drawer (ngăn kéo thông báo) của mình. Để xem cả ảnh, hãy dùng ngón tay kéo ngăn kéo xuống, nếu thông báo không tự mở rộng thì hãy chụm ngón cái và ngón trỏ lại > xòe ra (pinch) để phóng to lên.
    [​IMG]
    Kéo notification drawer xuống.

    Để dễ dàng upload (tải lên) ảnh chụp màn hình, hãy chạm vào nút Share. Sau đó, nếu bạn đã cài ứng dụng Google Drive, chạm vào Drive để upload lên tài khoản Google Drive của mình. Nếu bạn sử dụng Gmail, chạm vào Gmail để gửi ảnh chụp màn hình như tập tin đính kèm qua email.
    [​IMG]
    Lựa chọn phương thức chia sẻ.

    Bạn cũng có thể chạm vào ảnh chụp màn hình trong ngăn kéo thông báo để trực tiếp mở nó trong ứng dụng Gallery. Từ đây, bạn có thể xem trước (preview), cắt, chia sẻ hoặc xóa nó.
    [​IMG]
    Lựa chọn hành động: xem trước, cắt, chia sẻ hoặc xóa.

    2. Làm việc với nhiều ảnh chụp màn hình
    Tất cả những ảnh chụp màn hình bạn có đều xuất hiện trong album Screenshot nằm trong ứng dụng Gallery.

    [​IMG]
    Các album có trong ứng dụng Gallery.

    Từ album Screenshot, bạn có thể nhấn nút menu > sử dụng tùy chọn Select item để chọn nhiều ảnh chụp màn hình. Khi bạn đã chọn xong, sử dụng menu Share để dễ dàng chia sẻ chúng với ứng dụng khác rồi nhanh chóng upload nhiều ảnh chụp màn hình lên tài khoản Google Drive hay Dropbox của mình.
    [​IMG]
    Sử dụng tùy chọn Select item để chọn nhiều ảnh chụp màn hình.

    Bạn cũng có thể kết nối thiết bị Android của mình với máy tính > copy các ảnh chụp màn hình từ thư mục /sdcard/Pictures/Screenshots.
    [​IMG]
    Kết nối thiết bị Android với máy tính để copy.

    (Nguồn: howtogeek.com)


    Kỳ 4 (đăng trong PC World VN số tháng 12/2013) sẽ hướng dẫn bạn tìm ra điện thoại Android bị mất theo cách chính thống mà Google vừa cung cấp cũng như bằng ứng dụng của bên thứ ba; Những cách dễ dàng để bảo vệ điện thoại Android; Sử dụng Tasker để tự động hóa điện thoại Android; Chia sẻ máy tính bảng Android và giữ gìn sự riêng tư cho mình.

    PCW VN 11/2013

    Nguồn PC World VN
     
  2. Facebook comment - Mọi điều cần biết về Android - Kỳ 3: Khắc phục sự cố

Share This Page