Ngoài dung lượng của pin sạc (mAh), người mua cần chú ý đến công nghệ lõi năng lượng bên trong, cổng ra phù hợp với thiết bị đang sử dụng hay có tính năng tự sạc hay không. Phân biệt các loại pin sạc dự phòng Pin sạc di động là phụ kiện quan trọng trong thời kỳ bùng nổ của smartphone, tablet. Ảnh: Tuấn Hưng. Thông thường người mua chỉ để ý đến dung lượng (mAh) được người bán hàng cung cấp mà quên đi công nghệ thực sự mới là yếu tố chính quyết định đến giá cả. Hiện nay trên thị trường có ba kiểu lõi lưu giữ năng lượng cho pin khác nhau. Đầu tiên và cũng cao cấp nhất là pin sử dụng lõi Lithium-Polymer (Li-po). Loại này được sử dụng rộng rãi trên các smartphone, máy tính bảng cao cấp như iPhone, iPad hay cả MacBook Pro thế hệ mới. Khả năng lưu trữ năng lượng của Lithium Polymer là tốt nhất hiện nay và sự suy giảm khả năng lưu trữ năng lượng sau thời gian dài không sử dụng rất ít. Lithium-Polymer rất lâu bị "chai" pin và người dùng có thể sạc bất kỳ khi nào mà không sợ ảnh hưởng đến chất lượng của pin. Loại thứ hai là Lithium-ion (Li-ion), cũng là loại phổ biến nhất với pin sạc di động đang bán trên thị trường hiện nay. Thông thường các mẫu smartphone có thể tháo rời pin như của Nokia hay Samsung đều sử dụng cùng công nghệ này. Li-ion là thế hệ trước của Li-Po cũng có ưu điểm là thiết kế mỏng, hiệu suất tốt nhưng độ bền và số lần sạc kém hơn so với Li-po. Cuối cùng là pin sử dụng lõi là Cell với cấu tạo bên trong là các cục nhỏ giống như các pin tiểu được ghép lại. Dòng sản phẩm này thường dày hơn 2 loại kể trên và thường được chế tạo với dung lượng rất cao, giá bán rẻ nhưng kém bền, dung lượng thường ảo và không thực sự ổn định. Thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là pin Li-ion và Cell (có nhiều loại ghi sử dụng Li-po nhưng không phải). Chỉ một số ít các nhà sản xuất cao cấp như iGo của Mỹ hay Energizer là sử dụng công nghệ này với giá cao nhưng chất lượng tương xứng với giá tiền và có giá trị sử dụng lâu dài. Loại dùng cho điện thoại, máy tính bảng và di động là khác nhau Trên các cổng ra ghi rõ dành cho loại thiết bị nào. Ảnh: Tuấn Hưng. Pin cho điện thoại có nguồn ra thường chỉ là 5V/1A, với tablet cao hơn một chút là 5,2V/1,3 đến 1,5A. Các dòng cho máy tính xách tay còn cao hơn nữa là 19V/1,75 đến 2A. Thông thường các nhà sản xuất đều ký hiệu rõ sản phẩm trên các cổng USB ra để người dùng tiện sử dụng. Nguồn sạc điện thoại có thể sạc cho tablet nhưng rất lâu đầy trong khi ngược lại thì các smartphone sạc nhanh hơn nhưng pin cũng nhanh "chai" hơn. Nguồn dành cho máy tính xách tay thì thường không sạc được cho hai thiết bị còn lại và cũng không nhiều dòng pin sạc hỗ trợ thiết bị này. Chỉ chọn dung lượng pin phù hợp với nhu cầu Dung lượng cho pin trong điện thoại iPhone dung lượng khoảng 1.500 mAh trong khi các loại di động Android thông thường là khoảng hơn 2.000 mAh và hơn 3.000 mAh với các dòng phablet. Người dùng có thể dựa vào thông số này để chọn mua pin sạc cho phù hợp với nhu cầu như đi du lịch trong 2 đến 3 ngày hoặc đơn giản là không muốn hết pin khi chưa đầy một ngày làm việc. Nếu mua loại pin dung lượng quá thấp thì ưu điểm là nhỏ gọn nhưng sẽ không cấp đầy đủ năng lượng yêu cầu. Trong khi mua pin dung lượng lớn thì kích thước to hơn và thời gian sạc đầy cũng rất lâu. Có thể lấy ví dụ như pin dung lượng 1.000 mAh không "bõ bèn" với một chiếc phablet dung lượng trên 3.000 mAh như Samsung Note 3, HTC One Max hay chỉ có nhu cầu sử dụng iPhone trong ngày nhưng mua dung lượng tới 6.000 mAh. Không quá tin vào dung lượng được quảng cáo Nhiều lời quảng cáo pin dung lượng tới 30.000 mAh nhưng giá chỉ 550.000 đồng. Kinh nghiệm mua hàng "của rẻ là của ôi" không bao giờ lỗi thời và trong trường hợp này cũng đúng với khi mua pin sạc dự phòng. Có khá nhiều lời quảng cáo trên mạng cho một cục pin dung lượng từ 40.000 đến 50.000 mAh nhưng giá chỉ vài trăm nghìn đồng nhưng chắc chắn đều sai sự thật. Dung lượng thực tế có thể thấp hơn chục lần trong khi chất lượng không đảm bảo. Nếu cân bằng giữa chi phí và hiệu năng sử dụng, người dùng có thể chọn Li-ion với giá dung lượng 5.000 mAh khoảng một triệu đồng đổ lại như của Mili Power, Yoobao; SSK... Trong khi đó, nếu chọn Li-po thì thời gián sử dụng bền bỉ và lâu dài thì loại dung lượng nhỏ từ 3.000 mAh như của iGo có giá không dưới một triệu đồng. Người mua cũng cần chọn các nhà cung cấp hoặc người bán hàng uy tín bởi hiện nay tình trạng làm giả và làm nhái pin sạc dự phòng là rất nhiều và khó phân biệt. Phụ kiện đi kèm pin sạc Một số loại pin sạc tích hợp thêm cả củ sạc để cắm vào điện trực tiếp tiện dụng. Ảnh: Tuấn Hưng. Pin sạc thường chỉ đi kèm một cáp microUSB vừa đóng vai trò dẫn điện nguồn sạc vừa đóng vai trò sạc cho các thiết bị Android. Tùy từng loại cho thiết bị mà pin sạc có thêm cáp 30 pin cho iPhone thế hệ cũ, Lightning cho iPhone thế hệ mới hay một số thiết bị khác. Củ sạc thường có thể dùng chung với điện thoại khá tiện dụng (ít khi bán kèm theo pin sạc) nhưng sẽ hơi bất tiện nếu đi du lịch bởi người dùng phải mang theo cả hai cục sạc. Hiện nay trên thị trường, một số dòng pin có thêm giắc để cắm nguồn điện trực tiếp khá tiện dụng như Energizer AP1500 hay iGo Charge Anywhere. Tuấn Hưng Nguồn: VNExpress