Nếu bạn nghĩ rằng người ta cố tình xây nghiêng tháp Pisa để thu hút sự chú ý thì oan cho Pisa quá. Pisa cũng đã từng đứng thẳng, thế nhưng khu vực đất mà Pisa đang “ngự trị” cứ bị lún dần, nên Pisa ngày càng nghiêng và có nguy cơ bị đổ nhào trong tương lai Thế mà chính cái sự nghiêng ngoài ý muốn ấy đã khiến Pisa nổi tiếng khắp thế giới và làm cho thành phố Pisa nhỏ nhắn vùng Tuscany của nước Ý - nơi tháp Pisa tọa lạc - giàu lên nhờ số lượng lớn khách du lịch đổ ào ạt về đây. Trong số họ, có cả nhà văn Mark Twain, người đã dành cho tháp Pisa một tình cảm ưu ái khi gọi đó là kiến trúc kì lạ của thế giới. Chưa ai vào thời điểm khi tháp mới xây lại có thể ngờ rằng tháp Pisa sẽ trở thành kì quan thế giới và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa. Tháp Pisa được bắt đầu xây dựng vào ngày 9/8/1173. 5 năm sau, khi xây đến tầng thứ 3 thì tháp Pisa bắt đầu nghiêng. Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc xây dựng này kéo dài, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thành phố Pisa mâu thuẫn với anh bạn láng giềng Florence, cùng với những khó khăn khi xây tháp trên địa hình đất lún. Nhiều biện pháp được đưa ra để giữ cho cái khối nặng 14.500 tấn này đứng vững trên nền đất không ổn định như: sử dụng đá hình thang, tạo độ cong cho tháp, xây một bên cao hơn bên kia… Pisa trong suốt thời gian đó gặp không ít những lời đồn như nó sẽ gây nguy hiểm, cái tháp nghiêng thật vô dụng… Vượt lên tất cả, Pisa vẫn đứng đó, cao 55,86m với 8 tầng và 294 bậc thang từ dưới đất lên đỉnh. Tháp Pisa hiện giờ được ghi nhận là nghiêng 5,5 độ. Khánh vào tháp tham quan phải đi từng nhóm nhỏ để tránh gây các tổn hại cho tháp nghiêng Pisa. Tại quảng trường Kì diệu (Piazza dei Miracoli), nếu chú ý kỹ bạn sẽ thấy không chỉ có tháp Pisa nghiêng mà các kiến trúc xung quanh đó như nhà thờ và nhà nguyện cũng không thẳng. Chỉ có điều chiều ngang của chúng phình ra nên có nghiêng một chút cũng chẳng đáng kể, trong khi tháp Pisa nghiêng lại nổi bật lên vì dáng cao mỏng của mình. Tháp nghiêng Pisa còn nổi tiếng là nơi nhà khoa học Galileo làm thí nghiệm cho lý thuyết về khối lượng của ông. Galileo là cư dân của Pisa vào thế kỉ 16, ông đã leo lên tháp Pisa và thả 2 quả banh với khối lượng khác nhau từ trên đỉnh tháp xuống. Từ đó đã ra đời lý thuyết mà chúng ta đã được học trong môn vật lý: khối lượng của vật không ảnh hưởng đến gia tốc rơi của vật, nghĩa là vật nặng hay nhẹ cũng đều rơi với tốc độ như nhau. (Năm 1971 David R Scott đã khẳng định điều này khi thả lông chim và cái búa trong môi trường chân không ở mặt trăng và chúng chạm đất cùng lúc). Pisa kiên cường sống sót qua bom đạn của chiến tranh thế giới thứ 2 khi Đức quốc xã lấy Pisa làm đài quan sát và chỗ trú ẩn. Vào những năm của thập niên 90, tháp Pisa cứ thế nghiêng thêm mỗi năm một milimet khiến cho chính quyền thành phố Pisa phải dốc 30 triệu euro vào sửa chữa, trong đó có cả việc di dời 70 tấn đất tại chỗ nghiêng và thay vào bằng xi măng với chì để tăng sức chịu đựng cho tháp. Theo người phụ trách dự án bảo tồn di tích tháp nghiêng Pisa, kĩ sư Michele Jamiolkowski, có nhiều khả năng là Pisa mỗi năm sẽ mỗi nghiêng hơn cho đến khi sụp đổ trong khoảng 300 năm tới. Tuổi đời hơn 600 năm, tháp nghiêng Pisa là ví dụ thuyết phục chứng minh sức hấp dẫn của đường nghiêng rằng, bạn vẫn có thể nổi tiếng và thành công với nét độc đáo riêng của bạn, cho dù bạn có thể không phải là người đẹp nhất. Tháp Pisa được xây dựng và tồn tại trên quảng trường Kỳ Diệu. Ừ thì cứ hy vọng sự kỳ diệu sẽ giữ cho Pisa không bị đổ nhào một ngày nào đó. Nguồn KhoaHoc.com.vn