Phụ nữ bị bệnh HIV vẫn có thể sinh con không nhiễm virus bằng cách uống các loại thuốc đặc hiệu. Hạn chế cho trẻ bú mẹ, nên dùng sữa thay thế được cấp miễn phí tại các cơ sở y tế. Bác sĩ CKI Nguyễn Thành Dũng, Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP HCM cho biết, có thể ngăn ngừa sự lây truyền HIV từ mẹ sang con từ rất sớm, ngay trong thời kỳ mang thai. Cần phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bao gồm dự phòng bằng ARV, dùng sữa thay thế cho con, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc và điều trị sau sinh. Tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đều có tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV để ngăn ngừa sự lây truyền từ mẹ sang con. Ảnh minh họa: tuvancainghien "Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được hội chẩn với cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để xem xét điều trị bằng ARV hay điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con", bác sĩ Dũng cho biết. Người mẹ có thể uống thuốc đặc hiệu ARV khi mang thai được 28 tuần và uống liên tục đến khi sinh (có thể uống sớm hơn tùy theo tình trạng sức khỏe của bà mẹ). Trong thời gian này, để đảm bảo phòng lây truyền có hiệu quả, bà mẹ cần được theo dõi, khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và được đỡ sinh tại các cơ sở đủ điều kiện. Sau khi sinh con, để phòng lây truyền HIV sang bé qua sữa mẹ, khi đủ điều kiện vệ sinh và nước sạch nên cho trẻ bú sữa bình hoàn toàn thay cho sữa mẹ. Hiện nay, các loại sữa thay thế cho bé sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được cấp miễn phí tại nhiều cơ sở y tế. Trong trường hợp trẻ bú mẹ thì cho bé bú mẹ hoàn toàn và cai sữa sớm, muộn nhất là khi cháu được 6 tháng tuổi. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về tư thế bú, cách ngậm bắt vú và xử trí khi nứt núm vú, áp xe vú. Thời gian bé bú mẹ càng dài thì nguy cơ lây truyền HIV cho trẻ càng lớn. Cần đưa trẻ đến các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV dành cho trẻ em để được chăm sóc và theo dõi lâu dài, khi bé được 4-6 tuần tuổi. Trong trường hợp trẻ mồ côi, gia đình nên giới thiệu đến các trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi theo dõi mức suy giảm miễn dịch nặng theo lứa tuổi Nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp dự phòng thì khả năng mẹ lây truyền HIV sang cho con chỉ còn khoảng 2-6%. Xét nghiệm HIV sớm để dự phòng kịp thời: - Cần xét nghiệm sớm trong những tháng đầu khi mang thai vì tuổi thai càng cao khả năng lây HIV cho con càng lớn. - Hiện nay nhiều cơ sở y tế sản khoa tại TP HCM có khám thai và tham vấn cho thai phụ về HIV/AIDS, đồng thời có xét nghiệm HIV nếu thai phụ đồng ý. Tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đều có tư vấn cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV về các dịch vụ chăm sóc, điều trị trước, trong và sau khi sinh. Theo Ủy ban phòng chống AIDS TPHCM, một số địa chỉ các cơ sở có tham vấn, xét nghiệm HIV và cấp thuốc ARV cho thai phụ để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại TP HCM: Bệnh viện Từ Dũ 284 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Q1 ĐT: 39257202 Bệnh viện Hùng Vương 128 Hùng Vương, P. 12, Q5 ĐT: 3955 7476 Bệnh viện Nhân dân Gia Định 01 Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh ĐT: 3841 2698 Bệnh viện Quận 2 130 Lê Văn Thịnh, Q2 ĐT: 3727 0638 Trung tâm y tế dự phòng Quận 4 – Khoa Sức khỏe sinh sản 20/14 Nguyễn Trường Tộ, P.12, Q4 ĐT: 3826 1089 Bệnh viện Quận 4 65 Bến Vân Đồn, P.12, Q4 ĐT: 38906985 Trung tâm Y tế dự phòng Quận 8 170 Tùng Thiện Vương, P.11, Q8 ĐT: 3951 5724 Bệnh viện Quận 8 82 Cao Lỗ, P.4, Q8 ĐT: 3850 7083 Trung tâm Y tế dự phòng Quận 10 – Khoa Sức khỏe sinh sản 271 Vĩnh viễn, P.5, Q10 ĐT: 3855 7297 Trung tâm Y tế dự phòng Bình Thạnh 99/6 Nơ Trang Long, P.11, Q. Bình Thạnh ĐT: 3551 5064 Bệnh viện Quận Bình Thạnh 112A-B Đinh Tiên Hoàng, P.1, Q. Bình Thạnh ĐT: 3551 5064 Bệnh viện Hóc Môn 65/2B Bà Triệu, Thị trấn Hóc Môn, H. Hóc Môn ĐT: 3891 4208 Bệnh viện Thủ Đức 29 Phú Châu, P. Tam Phú, Q. Thủ Đức ĐT: 9896 3194 Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi Ấp Bầu Tre, xã Tân An Hội, H. Củ Chi ĐT: 3792 4102 Bệnh viện Bình Chánh E9/5 Nguyễn Hữu Trí, xã Tân Túc, H. Bình Chánh ĐT: 3760 3936 Lê Phương Nguồn VNExpress