Sáng 11/11, vệ tinh GOCE của Cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã đi vào khí quyển Trái đất và bốc cháy. >>> Video: Vệ tinh không gian sắp va chạm với Trái Đất Các dự báo trước đó cho rằng mảnh vỡ vệ tinh có thể rơi xuống khu vực từ Đông Nam Á - tây Thái Bình Dương đến Nam Cực. Một số chuyên gia cảnh báo các mảnh vỡ này có thể gây sát thương cho người trên mặt đất. Theo BBC, GOCE được quan sát lần cuối vào 22h42 ngày 10/11 giờ quốc tế (tức 5h42 sáng nay 11/11 theo giờ VN) ở bên trên Nam Cực và được cho là sẽ rơi xuống vùng biển không có người ở phía đông New Zealand. Sáng 11/11 vệ tinh GOCE đã đi vào khí quyển Trái đất - (Ảnh: BBC) Hiện các trạm theo dõi trên khắp Trái đất đang theo dõi đường rơi của vệ tinh này, và thông tin về vị trí các mảnh vỡ rơi xuống có thể sẽ có trong vài giờ hoặc vài ngày tới. Tuy nhiên BBC cho biết đến thời điểm hiện tại, chưa có cảnh báo nào được đưa ra về mối nguy hiểm do mảnh vỡ vệ tinh gây ra. GOCE được phóng lên quỹ đạo từ năm 2009 ở độ cao 260km so với mặt biển, sau đó hạ xuống 224km, với nhiệm vụ vẽ bản đồ trọng lực của Trái đất. Nó bị mất độ cao và không còn ổn định sau khi cạn kiệt nhiên liệu vào ngày 21/10 vừa qua và được dự báo sẽ rơi trở lại mặt đất vào ngày 10 hoặc 11/11. Theo các nhà khoa học, GOCE đã thu thập được những dữ liệu chính xác nhất về lực hút của Trái đất và các dòng chảy của đại dương. Nguồn VNExpress