Vợ vừa sinh con gái được 5 tháng ở tại quê nhà Quảng Nam, anh Mai Văn Hùng lòng nóng như lửa đốt khi bão mạnh Haiyan sắp đổ vào miền Trung. Anh bỏ công việc tại Vũng Tàu quyết về quê ở bên gia đình trong lúc khó khăn này. Là kỹ sư xây dựng tại Đà Nẵng, anh Hùng được điều vào công tác Vũng Tàu một năm. Anh mới vào được một tháng, giờ đã phải khăn gói về quê vùng vợ con chuẩn bị chống siêu bão. "Chỉ có về đến nhà trực tiếp gia cố nhà cửa chống bão, mình mới an tâm được", anh Hùng chia sẻ. Người đàn ông này ở trong số ít dân xa quê có điều kiện về nhà chuẩn bị chống bão; nhiều người khác không về được đang trong tình trạng thấp thỏm không yên. Những người con miền Trung hướng về quê nhà bằng những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình. Những người làm việc xa quê, không thể trực tiếp giúp gia đình chống bão thì lòng dạ càng rối bời. Từ chiều qua, Hà Anh, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại quận 4, TP HCM, liên tục gọi điện về cho bố mẹ tại Quảng Ngãi. Đợt bão Nari hồi tháng 10, nhà cô thiệt hại không ít, vừa khắc phục xong thì giờ lại tất bật chống bão mới. “Biết là mình ở xa có lo lắng cho bố mẹ cũng không được gì, ở nhà đủ thứ chuyện phải làm để đối phó bão, gọi điện càng làm rối thêm tình hình ở nhà, nhưng tôi chỉ muốn nghe giọng bố mẹ để có thể yên tâm thôi. Thấy con gái lo quá nên bố mẹ còn phải lạc quan chọc cười để trấn an ngược lại”, Hà Anh thở dài. Những cuộc hẹn đi chơi với bạn bè cuối tuần Hà Anh đều hủy bỏ vì "không có tâm trạng để đi đâu". Hết xem thời sự cô lại lướt các báo trong nước, tìm những trang báo lớn của thế giới để cập nhật tình hình, đường đi của cơn bão hủy diệt. Từ tối qua, chị Trà, ngụ Phú Nhuận, TP HCM, đã cùng chồng đi chùa lạy Phật để cầu cho mọi người bình an qua cơn bão dữ, cầu cho thiên nhiên ít gây hại cho quê nghèo miền Trung. Vào TP HCM sinh sống đã hơn 10 năm, ký ức về những cơn bão ở quê Bình Định chị vẫn không thể nào quên. Tuổi thơ của chị đối diện với không ít lần lần nơm nớp lo sợ, đêm trắng chống bão cùng ba mẹ, bà con cùng những tang thương, thiệt hại khủng khiếp. Em trai của chị Trà vừa tốt nghiệp đại học, đang làm việc tại Khánh Hòa cũng đã về nhà từ sáng sớm để hỗ trợ chống bão. "Cả đêm qua tôi cứ chập chờn không tròn giấc. Miền Trung đã khổ lắm rồi, nghèo lắm rồi mà sao bão vẫn không tha. Với dự báo bão mạnh ần này, chỉ biết cầu mong cho mọi người bình an, không thiệt hại tính mạng chứ tài sản thì ai nấy đều đã sẵn sàng trong tâm thế sẽ mất trắng, đổ nát hoàn toàn", chị Trà nghẹn ngào. Người xa quê liên tục cập nhật thông tin báo chí trên trang cá nhân. Ảnh chụp màn hình. Bố mất sớm, là con trai lớn lại đi học xa nhà, chỉ có mẹ và em gái ở nhà, Tuấn Anh, sinh viên năm 2 ĐH Bách khoa TP HCM, quê Quảng Nam, cũng như đang ngồi trên đống lửa. "Không biết làm gì ngoài việc gọi điện trấn an tinh thần mẹ, dặn mẹ sạc pin điện thoại để giữ liên lạc và gọi cho các cậu, các chú ở gần có gì thì cố gắng giúp mẹ chằng chống nhà cửa, đốn bỏ bớt cây", chàng trai lo lắng. Tiền hỗ trợ thiệt hại của cơn bão trước chưa kịp nhận thì cơn bão sau đã ập tới. Nhà Tuấn Anh ở ngay trong vùng xả lũ thủy điện, đợt rồi gió bão tốc mái nhà, vừa kịp gia cố lại, vườn cây ăn trái ngã đổ la liệt, hoa màu ngập sâu trong nước nên giờ cũng xem như chẳng còn gì để mất. "Giờ chỉ mong mẹ và em bình yên, trong này mình sẽ cố gắng làm thêm để tự trang trải cuộc sống và dành dụm gửi thêm tiền về đỡ đần cho mẹ", chàng trai trẻ ứa nước mắt. Qua Thụy Điển lấy chồng, sinh sống đã 5 năm nay, từ hôm qua giờ chị Thái Hà đứng ngồi không yên. Nhìn những dòng chia sẻ liên tục của bạn bè ở Việt Nam trên các trang mạng xã hội, chị nghe như đứt từng khúc ruột. "Tuy nhà mình ở Thừa Thiên - Huế cũng khá kiên cố nhưng những đợt bão vừa rồi cũng hư hại không ít. Thôi thì phó mặc cho trời vậy, ở bên này tô sẽ cố gắng vận động quyên góp để gửi về giúp mọi người khắc phục hậu quả thôi", chị trải lòng. Trên các diễn đàn mạng, fanpage, những người xa quê cũng lập các topic cập nhật để liên tục cập nhật tin tức bão, chia sẻ nỗi lòng cùng nhau. Lê Phương Nguồn VNExpress