Thứ bảy, 9/11/2013 05:00 GMT+7 Cuộc sống ở làng Khoai (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên) thay đổi hoàn toàn từ khi có các xưởng tái chế rác. Tuy nhiên, sự giàu có phải đánh đổi bằng tình trạng ô nhiễm ngày càng cao. Về làng Khoai (Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên), những tấm biển quy định chỗ đổ rác xuất hiện ngay đầu làng. Nơi đây được coi là trung tâm của nghề tái chế rác ở miền Bắc. Cả làng có khoảng 900 hộ, hầu hết đều làm nghề này. Nguồn sống của làng chính là nhựa thải được thu gom từ nhiều tỉnh thành xung quanh Hưng Yên. Mỗi ngày có đến vài chục xe tải chở rác đổ về làng Khoai. Hàng trăm công nhân ngày đêm ngồi trong đống rác để nhặt ra các vỏ nhựa. Giấc ngủ trưa của một người làm nghề thu gom, phân loại rác. Rác thải sau công đoạn sơ chế, làm sạch, được đưa vào các xưởng tái chế. Ở làng Khoai có đến hàng trăm xưởng tái chế như vậy, từ những xưởng nhỏ quy mô hộ gia đình cho đến những xưởng lớn không kém gì các nhà máy. Giống như những người phân loại rác, công nhân trong các xưởng tái chế cũng phải chịu điều kiện làm việc bụi bẩn, ô nhiễm. Ngột ngạt nhất là trong các xưởng làm hạt nhựa - nguyên liệu để sản xuất ra nhựa thành phẩm. Bầu không khí tại đây luôn kín đặc khói bốc lên từ các lò nấu nhựa. Những người công nhân làm ở đây cho biết, những ngày đầu mới vào làm, có người đổ bệnh vì mùi rác hôi thối, mùi nhựa cháy lại thêm tiếng ồn của các loại máy móc. Mức thu nhập ổn khiến họ bất chấp sự ảnh hưởng tới sức khỏe để tiếp tục công việc. Tại bể nước ngâm rửa nhựa thải dùng làm nguyên liệu tái chế, công nhân không có công cụ bảo hộ, tiếp xúc trực tiếp với rác bẩn. Sau khi được nấu chảy, nhựa được kéo thành sợi dài rồi đưa qua nước để làm nguội. Mọi xưởng tái chế đều phải dùng đến nước nhưng hầu hết không có hệ thống xử lý nước thải. Theo các nhà khoa học, khi đốt cháy nilon, nhựa, có thể tạo ra nhiều chất gây ung thư, tạo ra mưa axit... Nước thải trực tiếp đổ ra môi trường bên ngoài. Khắp làng Khoai, các kênh rạch, ao hồ ngập ngụa rác, nước ô nhiễm trầm trọng. Nghề tái chế rác mang đến nguồn lợi kinh tế lớn giúp nhiều gia đình có nhà biệt thự, xe hơi đắt tiền... Cái giá phải trả là sự ô nhiễm không khí, nguồn nước trầm trọng. Những ngôi biệt thự khá bề thế, đẹp đẽ, nhưng lại nhìn ra bốn bề ngập ngụa rác. Quý Đoàn Gửi chia sẻ, câu hỏi tư vấn tại đây hoặc về doisong@vnexpress.net Nguồn VNExpress