Ganh tỵ vì mẹ chỉ yêu thương em Bo bị tự kỷ, không quan tâm mình nên cu Bi trở nên lầm lũi, hễ có cơ hội là xông vào đánh em. Từ ngày bé Bo được chẩn đoán tự kỷ, bao nhiêu tình thương, sự quan tâm, chị Anh Thoa (quận Tân Bình, TP HCM) đổ dồn cho con. Mãi gần đây khi phát hiện cậu con 6 tuổi đánh em, chị trách phạt thì cu Bi thét lên "Ai bảo mẹ chỉ thương mỗi Bo, con ghét Bo", chị mới giật mình. Càng ngày thấy con có nhiều biểu hiện bất thường như lầm lì, ít nói, hay cáu gắt..., chị phải dẫn Bi đi gặp chuyên gia tâm lý. "Thương bé Bo vừa chào đời đã phải chịu bất hạnh, mình mải mê chăm Bo và có phần lơ là cu Bi vì nghĩ rằng con đã lớn, có thể để con tự lập. Không ngờ thêm cả cu Bi cũng có vấn đề tâm lý, mình stress mất thôi", bà mẹ trẻ thẫn thờ. Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, nguyên Trưởng khoa Tâm lý, cố vấn tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, không ít trường hợp cả nhà phải đi khám tâm lý khi có một đứa con tự kỷ. Tự kỷ không chỉ ảnh hưởng đến một đứa con mà cả gia đình. Bố mẹ có con tự kỷ cần dành thời gian chăm sóc cho chính mình và biết cách hài hòa các mối quan hệ gia đình. Cần khéo léo để hài hòa mối quan hệ giữa trẻ tự kỷ và các thành viên khác trong gia đình. Ảnh minh họa: Lê Phương. Các chuyên gia trị liệu đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu hiệu cho chính cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. 5 bí quyết dành cho cha mẹ - Không hướng sự tức giận về phía những người bạn yêu thương. Khi bạn cãi nhau với vợ/chồng về những vấn đề liên quan đến tự kỷ, hãy nhớ rằng chủ đề này là nỗi đau của cả hai, và hãy cẩn trọng đừng để phát điên vì nhau, vì thật sự tự kỷ mới làm bạn tức giận. Không để tự kỷ chiếm hết thời gian trong cuộc sống của bạn. Không nên nói liên tục về chứng tự kỷ. Dành nhiều thời gian cho những đứa con phát triển bình thường và bạn đời của bạn. Mọi người trong gia đình bạn đều cần được nâng đỡ và có cuộc sống hạnh phúc bất chấp nghịch cảnh. - Học cách để trở thành người ủng hộ nhiệt thành nhất của con. Gặp gỡ những người, tận dụng tất cả dịch vụ có thể giúp đỡ được cho bạn. - Đừng cố đè nén cảm xúc mà cần giải tỏa. - Đánh giá cao những kết quả tốt dù nhỏ mà con bạn đạt được. Yêu thương con và hãy tự hào về từng thành tựu nhỏ. Tập trung vào những gì chúng đã làm được thay vì so sánh với những đứa trẻ phát triển bình thường. Yêu thương con bởi vì con người con chứ không phải bởi những điều con có. - Tham gia vào cộng đồng tự kỷ. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của “cộng đồng”. Bạn có thể là người lãnh đạo nhóm của bạn, nhưng bạn không thể làm tất cả mọi thứ một mình. Kết bạn với các phụ huynh khác có con bị tự kỷ. Qua buổi họp mặt với các phụ huynh, bạn sẽ được hỗ trợ của các gia đình thấu hiểu những thách thức mà bạn phải đối mặt hàng ngày. Thực hiện những điều làm cho việc điều trị tự kỷ được nâng cao vai trò và hiệu quả. Bạn sẽ chủ động làm điều gì đó cho chính mình cũng như cho con của bạn. 5 bí quyết dành cho các anh chị em - Hãy nhớ rằng bạn không phải người cô đơn. Mỗi gia đình đều phải đối mặt với các thách thức cuộc sống và tự kỷ là một thách thức đó. - Hãy tự hào về anh chị em của bạn. Học cách nói về tự kỷ và cởi mở, thoải mái mô tả rối loạn này cho những người khác. Nếu bạn cảm thấy thoải mái về chủ đề này, họ cũng sẽ thoải mái. Cũng giống như những người khác, đôi khi bạn yêu thương anh chị em của bạn, và đôi khi bạn ghét. Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nói chuyện với chuyên viên tư vấn để giúp bạn hiểu và biết cách tháo gỡ. - Cơn tức giận không làm thay đổi được tình hình, nó chỉ làm bạn mất đi hạnh phúc mà thôi. Nhớ rằng cha mẹ bạn cũng có những cảm xúc như thế. - Dành nhiều thời gian một mình với cha mẹ của bạn. Làm việc gì đó cùng với gia đình và không có anh chị em của bạn sẽ lành mạnh thêm mối liên lạc của gia đình. Có một thành viên bị tự kỷ trong nhà có thể làm mất đi rất nhiều thời gian và bị lấy mất nhiều sự chú ý. Hãy nhớ rằng ngay cả khi anh chị em của bạn không bị tự kỷ, bạn vẫn cần có thời gian ở một mình với cha mẹ. - Tìm một hoạt động có thể làm với anh chị em của mình. Bạn sẽ tìm thấy sự kết nối đáng kể với anh chị em của bạn, ngay cả khi nó chỉ là một câu đố đơn giản với nhau. Không quan trọng lắm việc anh chị em của bạn có làm được hay không, mà chính là nó giúp tạo ra sự gần gũi thân tình. Anh chị em sẽ hướng về bạn để chia sẻ và chào đón bạn với một nụ cười đặc biệt. 5 bí quyết dành cho ông bà và thành viên gia đình khác - Mỗi thành viên trong gia đình đều có thể góp vào những điều họ đã học được. Những nỗ lực của bạn sẽ được đánh giá cao dù chỉ là chăm cháu cho cha mẹ chúng đi ra ngoài ăn tối, hoặc quyên góp tiền cho trường chuyên biệt để giúp gia đình của con bạn. Tổ chức một bữa ăn trưa, đi nhà hát, một lễ hội hay một trò chơi. Nó sẽ sưởi ấm trái tim của gia đình bạn và thể hiện bạn hỗ trợ, gần gũi họ như thế nào. - Nếu bạn thấy mình có thời gian khó khăn để chấp nhận và ứng phó với thực tế rằng người thân yêu của bạn mắc tự kỷ, hãy tìm kiếm những hỗ trợ riêng của bạn. Gia đình con cái bạn có thể không thể không có khả năng chu cấp cho bạn vì phải dành để nuôi và chăm sóc trẻ. Bằng cách này bạn có thể tiếp thêm nguồn lực cho họ, giúp họ có thể đối mặt với những thách thức. - Đặt những phán xét qua một bên. Xem xét những cảm xúc của gia đình bạn và hỗ trợ. Tôn trọng những quyết định của con bạn về đứa cháu mắc tự kỷ. Cố không so sánh những đứa trẻ. Trẻ tự kỷ có thể đạt được những thành tích cá nhân tốt nhất. - Tìm hiểu thêm về tự kỷ. Nó ảnh hưởng đến tất cả người ở các thành phần kinh tế - xã hội khác nhau. Chia sẻ những cảm nhận về niềm hy vọng với gia đình của bạn, trong khi đó tự giáo dục mình về cách tốt nhất để giúp quản lý rối loạn này. - Dành thời gian đặc biệt cho mỗi đứa trẻ. Bạn có thể thưởng thức những phút giây đặc biệt với cả đứa cháu phát triển bình thường và đứa cháu mắc tự kỷ. Trẻ mắc tự kỷ có thế mạnh về thói quen sinh hoạt, do đó hãy tìm điều gì đó bạn có thể làm với chúng theo một trình tự nhất định, ngay cả nó chỉ đơn giản là đến công viên trong 15 phút. Lê Phương Nguồn VNExpress