'Thiên thần' của những bệnh nhân phong

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Nov 5, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 395)

    "Cô ăn tạm miếng sắn", một chị ngọng líu đặt 2 miếng sắn nóng hổi lên bàn y tá Xuân. Lát sau, một cụ bà què cụt cũng mang đến vài đốt mía. Như lần trước, nữ y tá mỉm cười cảm ơn.


    Nắng sớm len lỏi qua then cửa sổ, nhẹ hắt lên khuôn mặt hiền từ của một phụ nữ phúc hậu. Trên chiếc bàn phủ tấm khăn hoa, y tá Nguyễn Thị Xuân (57 tuổi) chuyên tâm nghiên cứu cuốn sách vừa được phổ biến về quyền của người khuyết tật. Đa phần bệnh nhân phong đã vào trại vài chục năm, nhiều người còn không biết chữ nên bà phải đọc kỹ để giúp họ nhận đủ quyền lợi của mình. Với những bệnh nhân phong, bà như người thân.

    [​IMG]

    Y tá Xuân chăm sóc cho những bệnh nhân phong hàng ngày. Trong ảnh, ông Hiền (75 tuổi) bị cụt cả chân tay. Giờ ông còn bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ảnh: Phan Dương.


    Y tá Xuân sinh ra trong gia đình có 5 chị em ở Quế Võ (Bắc Ninh), thuở lên 3 đã mất mẹ, lên 10 mất cha. Lớn lên bà làm nghề dạy mẫu giáo. Cuộc đời bà cứ bình lặng trôi bên đám trẻ và yên ổn làm một con chiên ngoan đạo cho đến năm 31 tuổi.

    "Lần đầu vào trại phong Quả Cảm, tôi gặp cụ ông 84 tuổi. Cụ nằm trên mấy ván gỗ ghép lại ở góc nhà tối om, mùi thịt thối rữa kinh khủng. Cụ cô độc, chỉ mong được gặp con cháu lần cuối nhưng không người thân nào vào thăm", bà Xuân kể và cho biết đã an ủi, tắm rửa, hẹn tuần sau lại lên với cụ. Thế nhưng tuần sau lên thì cụ đã mất. Chỉ có 4 người khiêng cụ chôn dưới chân núi, không con cháu, không một tiếng khóc thương, một vành khăn trắng.

    Cũng từ đó, cứ ngày nghỉ là cô giáo Xuân lại lén đến trại phong. Cô không ngại bế cõng, tắm rửa, đút cơm cháo hay dọn phân cho những bệnh nhân bị con "ma hủi" ăn mòn từng ngón chân, ngón tay. Người thân nói cô là gàn dở, thần kinh... Buồn nhưng cô vẫn bỏ ngoài tai để đến với những người bất hạnh.

    "Tôi cũng sợ lắm, sao mà chịu được khi vào những căn phòng nặng mùi thối rữa. Thời gian đầu tắm rửa, dọn phân, bế cõng người bệnh là tôi phải cầu nguyện xin được tiếp sức, phải xem họ như cha mẹ, người thân của mình", y tá Xuân từ tốn nói.

    Sau nửa năm lặng lẽ chăm sóc bệnh nhân, lãnh đạo trại phong Quả Cảm đề nghị nhận bà Xuân về làm y tá. Năm 1988, bà giã từ nghề dạy học vào Quy Nhơn học trung cấp y. Học xong bà phải chờ hơn một năm mới có quyết định công tác của tỉnh Hà Bắc (tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang trước đây) vì không ai tin lại có người tình nguyện vào trại hủi.

    Trong khoảng thời gian chờ việc, y tá Xuân đi khắp các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nam... và tìm được 11 trại phong. Đến mỗi nơi bà đều ở lại một thời gian chăm sóc người bệnh. Nhờ chuyến đi này mà bà thiết lập được đầu mối với trại phong ở các tỉnh. Từ ngày đó đến nay bà đã giúp được họ tiền nước nắm hàng tháng và tiền học bổng cho con người bệnh từ các cấp nhỏ lên đến đại học, sau đại học.

    "Tuy số tiền ủng hộ không nhiều nhưng nhà ai cần trâu cho trâu, cần nhà cho nhà, hay cần tiền lo việc đại sự cho con cái mình vẫn có thể giúp đỡ. Đợt trước xây được 30 ngôi nhà ở Điện Biên, cho mỗi nhà một con trâu, đến nay họ báo lại đã có đàn trâu rồi", y tá Xuân cười hiền từ.

    [​IMG]

    Cặp vợ chồng anh Vị, chị Và nên duyên nhờ y tá Xuân mai mối. Ảnh: Phan Dương.


    Ngày nay xóm nhỏ của bệnh nhân trại phong Quả Cảm nằm sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh). Xóm có 100 cụ ông, cụ bà, 26 cháu nhỏ và 22 con cháu của bệnh nhân đã lập gia đình vẫn sinh sống ở đây. Mỗi gia đình/cá nhân một phòng, có đường đi lối lại sạch sẽ.

    Hầu hết con cái của bệnh nhân phong đều được y tá Xuân giúp đỡ cho đi học và có công việc ổn định. Năm ngoái bà vận động xây được hơn 500 ngôi mộ vô danh cho những bệnh nhân phong đã mất. Mỗi tháng ngoài hưởng tiền trợ cấp đủ sống tằn tiện, họ vẫn có đất để trồng rau, chăn nuôi kiếm thêm.

    Chăm lo cho bệnh nhân phong từ cái ăn, cái mặc, "thiên sứ" này còn nâng niu họ từng bước chân. Năm 1991, bà Xuân vào TP HCM học gò sắt làm chân giả. Trong suốt 7 năm, bà đã làm hàng trăm đôi chân giả đủ chất liệu cho bệnh nhân ở đây và các trại phong lân cận. Đến năm 1999, bà lại vào Quy Hòa (Quy Nhơn) học làm dép chỉnh hình cho những đôi chân cụt.

    Ngày nay cuộc sống của người phong đã đỡ khó hơn trước nhưng vẫn còn những điều khiến y tá Xuân không nguôi trăn trở. Có người ốm, mất không người thân đến thăm. Có người nhà cách đây chỉ chục km, mong một lần về thắp hương cho cha mẹ cũng không được...

    Đa phần bệnh nhân phong sống cô độc, bị người thân xa lánh. Riêng cụ Hiền là trường hợp may mắn hiếm hoi. 4 tháng nay, anh Đức (Hà Nội) bỏ vợ con, công việc lên đây chăm bố. Lúc nào bên giường ông cụ cũng có 2 cốc nước trắng, sữa hoặc hoa quả. Ông cụ bị hoại tử vùng mông không đi ngoài được.

    "Có đêm Đức phóng xe ra thành phố mua thuốc tốt cho bố. Lúc về sợ các cụ khó ngủ, anh dắt xe từ cổng vào. Chăm sóc bố, Đức cũng giúp đỡ các cụ bên cạnh. Nếu cụ nào cũng có người con như Đức thì tôi sẽ bớt đi phần trăn trở", y tá Xuân chia sẻ.

    [​IMG]

    Dù được nghỉ hưu nhưng y tá Xuân vẫn xin ở lại trại phong để tiện ngày đêm chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Phan Dương.


    Trong một căn nhà sơn xanh phía sau Bệnh viện Phong và Da Liễu (Bắc Ninh), ông Bích (68 tuổi, Thanh Hóa) bồng đứa cháu hơn 2 tuổi bằng đôi tay què cụt. Ông cười nói: "Nhờ cô Xuân cứu giúp mà cuộc đời tôi mới được thế này".

    So với xung quanh, căn nhà ông Bích mới, rộng nhất. Trong nhà có đầy đủ đồ đạc cần thiết. Ngoài sân cô con dâu đang phơi quần áo. Anh con trai làm cơ khí ngoài thành phố cũng vừa về. "Ngày tôi bệnh nặng chuyển vào đây được bà Xuân chăm sóc. Lúc khỏe lên thì bà ghép cho lấy vợ. Con của tôi được bà Xuân nuôi ăn học từ nhỏ lên trung cấp, đại học và xin việc cho. Năm 2002, tôi bị dạ dày thập tử nhất sinh cũng nhờ bà đưa đi viện. Tất cả người lớn nhỏ ở trại phong Quả Cảm đều được bà Xuân cứu giúp", ông Bích cho biết.

    Cách đây một năm bà Xuân được nghỉ hưu nhưng vẫn xin tiếp tục cống hiến phần đời còn lại cho bệnh nhân phong. Hàng ngày bà lo mọi chuyện "thập cẩm" như sửa đinh, lắp chân giả, kêu thợ sửa nhà cho các cụ hay lo ma chay, cưới hỏi... Tuy những công việc "nhỏ nhặt" nhưng lại không thể thiếu bàn tay nữ y tá này.


    Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu (Bắc Ninh), y tá Nguyễn Thị Xuân đã có 26 năm công tác ở bệnh viện, được bệnh nhân kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Bà Xuân không lập gia đình mà dành cuộc đời mình cứu giúp những bệnh nhân phong. Bà đã được nhiều giấy khen của tỉnh, trung ương nhưng với bà, phần thưởng vô giá nhất là đã giúp những bệnh nhân phong tự tin được trở lại làm người bình thường.


    Phan Dương

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Thiên thần' của những bệnh nhân phong

Share This Page