Chiều nay 5/11, Ấn Độ phóng tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa, một chương trình không gian đầy tham vọng mà chưa quốc gia châu Á nào thực hiện thành công. >>> Ấn Độ dời ngày phóng tàu thăm dò sao Hỏa Theo báo Hindustan Times, Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) sẽ phóng tàu Mangalyaan từ một hòn đảo nhỏ gần Chennai ở bờ biển phía nam nước này. Tàu vũ trụ nặng 1,35 tấn, kích cỡ bằng một chiếc tủ lạnh lớn, sẽ rời Trái đất trên một tên lửa do Ấn Độ sản xuất. ISRO cho biết tàu Mangalyaan sẽ bay trong 11 tháng để tới quỹ đạo sao Hỏa, dự kiến vào ngày 24/9/2014. Sứ mệnh sao Hỏa của Ấn Độ chỉ tốn 73 triệu USD, thấp hơn kinh phí 671 triệu USD mà Cơ quan Hàng không - vũ trụ Mỹ (NASA) đầu tư đưa tàu MAVEN lên sao Hỏa vào tháng 11. “Đây là bước ngoặt lớn lao trong chương trình không gian của Ấn Độ hướng tới hoạt động thám hiểm” - ông Koppillil Radhakrishnan, chủ tịch ISRO, khẳng định. Do Ấn Độ không có tên lửa đủ lớn để phóng tàu trực tiếp hướng đến sao Hỏa, Mangalyaan sẽ phải bám theo quả tên lửa nặng 350 tấn quanh quỹ đạo Trái đất trong gần một tháng nhằm đạt tốc độ đủ lớn để chiến thắng lực hấp dẫn. ISRO cho biết nếu bay được tới quỹ đạo sao Hỏa, tàu Mangalyaan sẽ vẽ bản đồ bề mặt hành tinh đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí methane, dấu hiệu cho thấy một hành tinh có khả năng duy trì sự sống. Các chuyên gia Ấn Độ hoàn tất công đoạn chuẩn bị tàu không gian Mangalyaan - (Ảnh: Reuters) Chủ tịch ISRO Radhakrishnan thừa nhận chinh phục sao Hỏa là một nhiệm vụ đầy thử thách. Cho đến nay các nước đã thực hiện 51 chương trình đưa tàu tới sao Hỏa, nhưng chỉ có 21 dự án diễn ra suôn sẻ. “Nếu thất bại, chúng tôi sẽ học tập và rút ra kinh nghiệm” - ông Radhakrishnan nhấn mạnh. Nếu thành công, ISRO sẽ trở thành cơ quan hàng không vũ trụ thứ tư trên thế giới đưa được tàu đến sao Hỏa sau Mỹ, châu Âu và Nga. Trên thực tế, thời gian qua dư luận Ấn Độ đã chất vấn chính phủ về việc chi đậm cho sứ mệnh “trên trời” này khi mà 350 triệu dân còn đang sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày và 30% dân số không có điện. Mỗi năm, New Delhi đầu tư 1,1 tỉ USD cho chương trình không gian và hiện đang có 20 vệ tinh liên lạc và quân sự trên quỹ đạo Trái đất. “Việc chinh phục các lãnh thổ bên ngoài Trái đất là một cột mốc phát triển của đất nước - báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Bharath Gopalaswamy thuộc Trung tâm Nam Á - Ấn Độ có những tham vọng riêng. Không thể vì nghèo mà đánh mất tham vọng”. Một số quan chức Ấn Độ cũng nhấn mạnh sẽ không thể đưa 350 triệu người Ấn Độ thoát đói nghèo với số tiền 73 triệu USD, nhưng chừng đó là đủ để quốc gia này đạt một thành tựu không gian vĩ đại. Giáo sư James Moltz thuộc Trường Hải quân Monterey (Mỹ) đánh giá Ấn Độ cũng có thể phát triển công nghệ không gian để hỗ trợ nền kinh tế, quân sự, khoa học nước này. Ví dụ công nghệ không gian đã đem lại những lợi ích dân sự như tăng cường năng lực dự báo thời tiết. Việc New Delhi dự báo chính xác cơn bão đánh vào Odisha tháng trước, giúp di tản 1 triệu người kịp thời, xuất phát từ những thành công của chương trình không gian. Giáo sư Ram Jakhu thuộc Viện Luật hàng không và không gian (Canada) cho biết New Delhi cũng đặt mục tiêu tìm kiếm và khai thác tài nguyên trên vũ trụ để thúc đẩy nền kinh tế. Nguồn VNExpress