Phận nằm viện, chia nhau chiếc giường trong xóm trọ

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Nov 4, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 489)

    Không đủ tiền ở nội trú trong Bệnh viện nhi trung ương (Hà Nội), mẹ con chị Oanh đành thuê chiếc giường của căn phòng trọ tồi tàn.


    Chị Hoàng Thị Oanh (26 tuổi) bồng con trai Trần Quốc Bảo từ Nam Định lên Hà Nội chữa bệnh ở Bệnh viện Nhi trung ương đã gần một năm. Mắt người mẹ thâm quầng vì những đêm thiếu ngủ chăm con. Lúc Bảo hơn một tuổi, bàn tay phải không cầm nắm được. Bố mẹ vội đưa con đi khám thì nhận kết luận cháu chậm phát triển, không đi lại được và có nguy cơ không thể nói. Xót đứa con trai đầu lòng, chị Oanh xin nghỉ việc, đưa con lên Hà Nội chữa bệnh.

    Bảo được đeo một đôi nẹp từ đầu gối trở xuống để cố định bước chân. Hàng ngày sáng cậu bé tập ở trong viện, chiều tới nhà bác sĩ tập đi 30 phút. Cuộc sống của Bảo quanh quẩn ở phòng trọ, bệnh viện và nhà bác sĩ. Thi thoảng, Bảo được mẹ đưa ra hồ Ngọc Khánh tập đi. Đó là nơi cậu bé rất thích vì thoáng đãng, được rời xa phòng trọ ngột ngạt.

    Lúc mới lên Hà Nội, Bảo chỉ biết ngồi nhưng giờ đã đứng được dù chưa vững. Chị Oanh tâm sự, nhiều lúc nghĩ thương con, thương thân mình nhưng vì con mẹ lại cố gắng. Chị hy vọng từ giờ tới Tết, con trai có thể đi được những bước đầu tiên. “Nếu không thì ăn Tết xong tôi lại phải đưa cháu lên Hà Nội tập tiếp. Không mong con 10 phần bình thường như những đứa trẻ khác, được 6 phần là mừng lắm rồi", người mẹ buồn bã cho hay.

    Nhiều hôm chỉ có hai mẹ con trong phòng, nhìn con tập đi mà chị ứa nước mắt, mong cho nhanh đến cuối năm để hai mẹ con được về nhà. Gần một năm nay, hai mẹ con chưa được về lần nào dù Nam Định cách Hà Nội không xa. Thi thoảng có người nhà lên thăm, tiếp tế cho mẹ con chị gạo, mắm muối, đồ ăn.

    [​IMG]

    Người mẹ quê Nam Định đưa con lên Hà Nội chữa bệnh gần một năm nay. Ảnh: Nguyên Anh.


    Chiếc giường đơn thuê với giá 60.000 đồng mỗi ngày là chỗ ăn ngủ và chơi của bé Bảo suốt một năm nay. Căn phòng rộng 15 m2 kê bốn chiếc giường, để gần kín các vật dụng như bát đũa, nồi cơm điện. Nắng còn đỡ, mưa thì quần áo giăng mắc khắp phòng, bọn trẻ ngồi trên giường chơi.

    Phòng trọ này, kẻ đến người đi không biết bao nhiêu lượt, chỉ có mẹ con chị Oanh ở đây lâu nhất. Nấu cơm xong, mẹ cho con trai ăn trước. Đĩa rau bắp cải luộc và mấy cái xúc xích rán chị để đầu giường, chờ hai ông cháu người Sơn La ở cùng phòng về ăn. Giữa lòng Hà Nội đắt đỏ, những người cùng cảnh ngộ chia sẻ khó khăn bằng cách góp gạo thổi cơm chung, tiền thức ăn chia đôi.

    Ông Hà Văn Thịnh, 52 tuổi, từ Sơn La xuống Hà Nội chăm cháu ngoại đã hơn tuần nay. Lúc nhỏ, cậu bé Lường Sơn Phong bụ bẫm và hiếu động, hứa hẹn lớn lên sẽ là chàng trai Thái khỏe mạnh. “Ai ngờ, 3 tuổi rồi mà nó chỉ biết cười, không nói năng gì. Chân đi lại được nhưng cứ lòng khòng, phải làm một đôi nẹp để đi cho thẳng”, ông ngoại gạt nước mắt nói.

    Cậu bé có đôi mắt một mí nghe ông nói thì cười toe toét, níu cánh tay ông và chỉ vào đĩa xúc xích để ở đầu giường. Hiểu ý cháu, ông Thịnh xắt từng miếng nhỏ để vào bát, Phong ngồi xúc cơm ăn ngon lành.

    [​IMG]

    Ông Hà Văn Thịnh (quê Sơn La) chăm sóc đứa cháu 3 tuổi chưa biết nói. Ảnh: Nguyên Anh.


    Ông Thịnh cho hay, bố mẹ em bận công việc nên chỉ chăm con được ít ngày, còn lại phải nhờ đến ông. Nhiều đêm cháu khóc ngằn ngặt không chịu ngủ vì nhớ mẹ. Ông lại ôm cháu vào lòng, bảo sắp được về Sơn La với mẹ rồi thì cậu bé mới chịu yên. Dỗ cháu thế, nhưng ông cũng không biết khi nào mới được về.

    Gần 12h trưa, khi hai đứa trẻ chịu ngồi chơi chung chiếc ôtô đồ chơi đã cũ, người lớn mới được ăn cơm. Cũng lúc đó đôi vợ chồng trẻ quê ở Hải Dương đưa con gái từ trong viện về. Vợ ngồi ru con ngủ còn chồng nằm thừ ra giường. Được một lúc, anh bàn với vợ để hai mẹ con lại, còn mình về quê đi phụ hồ lấy tiền nuôi hai mẹ con nằm viện.

    Ở cái xóm trọ này, cha mẹ bệnh nhi phải phân công nhau một người chăm con, còn người kia đi làm xoay tiền khám bệnh, tiền thuốc, phòng trọ, ăn uống. Chồng chị Oanh lái tàu hàng ở Hải Phòng, vài tháng mới về thăm con một lần. Lương lái tàu của anh chưa đầy 5 triệu đồng, hai vợ chồng phải vay mượn thêm. "Chi phí ăn ở, chữa bệnh của hai mẹ con hàng tháng hết hơn 10 triệu đồng. Trước làm nẹp chân cho thằng bé hết 1 triệu, lần này có bảo hiểm nên rẻ hơn được một chút. Nẹp tay cũng 500.000 nghìn đồng đấy", chị Oanh ngậm ngùi.

    Trong căn phòng chung trải kín 4 chiếc chiếu, ông Phạm Hường ngồi ăn trưa với suất cơm hộp cùng ca nước canh lèo tèo vài lá rau ngót. Người đàn ông quê Bố Trạch (Quảng Bình) đưa cháu gái Phạm Thị Trường Vy chữa bệnh gần bốn tháng nay. Cô bé 10 tháng tuổi có đôi mắt to tròn, đen láy nhưng rụng gần hết tóc vì những đợt truyền hóa chất. Cơ thể nhỏ bé đã phải chịu một lần mổ lúc 7 tháng, sang tháng, Tường Vy sẽ tiếp tục mổ cắt u. Cách ba ngày, Vy lại phải vào viện lấy máu một lần để kiểm tra.

    "Vừa rồi, Quảng Bình hứng hai cơn bão, nhà con bé bị tốc mái còn chưa lợp lại được. Ông cháu ở ngoài này canh cánh lo mà không biết làm sao. Đợi sang tháng cháu mổ xong rồi cùng về luôn thể, ở lại đây ngột ngạt quá", ông Hường nói.

    [​IMG]

    Quần áo giăng mắc khắp căn phòng trọ cũ kỹ. Ảnh: Nguyên Anh.


    Xung quanh Bệnh viện Nhi trung ương có nhiều xóm trọ tạm bợ, giá rẻ như thế. Nhiều buồng riêng được chủ dùng tấm tôn, miếng xốp quây lại, chỉ trải vừa chiếc đệm cũ và để vài vật dụng cá nhân, cho thuê 70.000 đồng một ngày. Còn nếu ngủ trên những chiếc chiếu nghỉ trải la liệt trong phòng chung thì phải trả 15.000 đồng mỗi ngày.

    Một chủ trọ cho hay: "Càng vào gần cổng viện thì giá phòng càng cao". Gia đình ông có 16 buồng riêng và 20 phòng chung, sức chứa lên đến 140 người một ngày. Có đợt cao điểm không còn giường, người nhà bệnh nhân phải lên tầng áp mái để nằm. Nói rồi, ông lật manh chiếu đơn, khoe những chiếc thùng gỗ "ba trong một" có hình dáng giống chiếc giường đơn, vừa để nằm, dưới gầm là nơi chứa đồ đạc.

    Ảnh căn phòng trọ ngột ngạt của gia đình bệnh nhi

    Hoàng Phương
    Video: Xuân Bắc

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Phận nằm viện, chia nhau chiếc giường trong xóm trọ

Share This Page