'Bẫy' câu like lợi dụng nỗi đau người khác

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Nov 2, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 414)

    Nhiều trang cá nhân trên mạng tung tin thất thiệt 'đã tìm được xác chị Huyền', đề nghị nhấn like để cứu em bé bị ung thư... chỉ nhằm mục đích thu hút nhiều người xem.


    10 ngày sau cái chết của chị Lê Thị Thanh Huyền tại thẩm mỹ viện Cát Tường, thi thể nghi bị bác sĩ vứt xuống sông Hồng, cuộc tìm kiếm xác vẫn vô vọng. Nhiều người ngóng chờ kết quả tìm xác nạn nhân. Trong khi gia đình và người thân không ngừng nuôi hy vọng thì một số trang cá nhân trên Facebook đăng đường dẫn thông báo đã tìm được xác người xấu số.

    [​IMG]

    Trang cá nhân đăng tin tìm thấy thi thể nạn nhân thẩm mỹ viện Cát Tường, sai sự thật. Ảnh chụp màn hình.


    Truy cập vào đường dẫn sẽ chuyển sang một trang web có hình hiển thị nhóm điều tra đang khám xét một bao nilon lớn. Sau đó, trang web này chuyển sang một blog thông tin, với lời kêu gọi nhấn like để trở thành thành viên của trang.

    Nhiều chủ fanpage cho biết đây thực chất là hình thức câu like hiện được một số trang cộng đồng tích cực áp dụng để gia tăng lượng thành viên. Không ít người hụt hẫng, bực dọc khi biết mình mắc lừa và cho rằng đây là dấu hiệu của sự vô cảm.

    Chị Tuyết Anh, kế toán một ngân hàng ở quận 3, TP HCM, bức xúc trước những chiêu trò PR tương tự của nhiều trang mạng hiện nay. Đọc thông tin "tìm thấy thi thể chị Huyền", chị Anh thở phào vì nghĩ cuối cùng gia đình nạn nhân cũng đã tìm thấy người thân, kết thúc những ngày vất vả. Click vào đường dẫn, chị Anh ngỡ ngàng vì thông tin không liên quan.

    "Thật khó chịu trước một chiêu lừa người dùng Facebook tàn nhẫn đến thế. Gia đình nạn nhân sẽ cảm thấy thế nào nếu người quá cố bị đem ra làm mồi câu like như vậy”, chị Tuyết Anh chia sẻ.

    Đường dẫn này được rải khá nhiều ở các trang cộng đồng, phần lớn dành cho giới trẻ và sở hữu lượng thành viên khá cao, có trang đạt hơn 100.000 thành viên. Tần suất chia sẻ đường dẫn này tăng lên chóng mặt chỉ sau vài giờ xuất hiện. Sau đó trò câu like mới tạm lắng nhờ một số thành viên tỉnh táo lên tiếng cảnh báo.

    [​IMG]

    Mẩu tin trẻ cần mổ tim đánh lừa không ít bậc làm cha làm mẹ hồi tháng 6. Ảnh chụp màn hình.


    Không ít trang fanpage dùng hình ảnh về các em bé mắc bệnh hiểm nghèo làm chiêu câu like. Tháng 6, nhiều mẩu tin trên các trang cá nhân đăng tải hình ảnh một bé sơ sinh với khối u lớn trước ngực, kèm thông tin bé đang bị bệnh hiểm nghèo, gia đình cần tiền cứu chữa và cầu cứu cộng đồng giúp đỡ. Những fanpage này đưa ra hình thức quy đổi tiền từ việc like hoặc bình luận trên trang, chẳng hạn 1 like tương đương 1 USD, 1 bình luận sẽ đem về cho gia đình nạn nhân 5 USD... Kèm theo đó, các trang này đưa ra lời kêu gọi có nội dung tác động tâm lý người xem như "Hãy like nếu bạn có tình thương", "Hãy cứu bé nếu bạn là một người làm mẹ"... Những dòng thông tin với hình ảnh ghi lại tình trạng thương tâm của nạn nhân cứ thế nhanh chóng lan truyền, và được không ít người mủi lòng nhấn nút chia sẻ.

    "Một số người không đủ tỉnh táo, lại đi chia sẻ tràn lan, khác nào tiếp tay cho những người buôn like", chị Hoàng Vân, nhân viên văn phòng quận 5, bức xúc.

    Không chỉ lừa câu like, chia sẻ các tin tức để quảng bá trang cá nhân, không ít trang được lập để "ăn theo" sự kiện những người nổi tiếng qua đời. Cuối tháng 7, khi ca sĩ Wanbi Tuấn Anh qua đời vì ung thư, nhiều trang fanpage được lập ra để lợi dụng sự quan tâm của dư luận. Những trang với tiêu đề "100 nghìn like để tưởng nhớ Wanbi", "50 nghìn like để cầu nguyện linh hồn Wanbi"... liên tiếp ra đời. Nhiều trang có nội dung như "100 nghìn like hồi sinh Wanbi Tuấn Anh" thu hút khá đông giới trẻ tham gia, cho rằng đó là cách thể hiện tình cảm của mình với thần tượng vừa khuất núi.

    [​IMG]

    Hình ảnh châm biếm việc câu like dựa trên lòng thương người, vừa là thông điệp: nút like không cứu được mạng sống.


    Cùng với các tin đồn gây náo loạn dư luận như ăn trứng với chanh sẽ gây tử vong, kim tiêm nhiễm HIV ở trạm ATM, rạp chiếu phim, hiện tượng câu like bằng các hình ảnh, thông tin gợi lòng thương người ở các fanpage đang ngày càng nở rộ.

    Theo Tiến sĩ Trương Văn Vỹ, giảng viên ngành Xã hội học ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, các hình thức tung tin tức giật gân, lợi dụng độ hot của thông tin trên Facebook nở rộ gần đây và ngày càng trở nên khó chấp nhận. Tiến sĩ Vỹ cho rằng, việc tung tin thất thiệt, lợi dụng dòng thông tin để câu like sẽ gây những ảnh hưởng nhất định khiến xã hội rối loạn, người dân hoang mang. Không ít thông tin bịa đặt trên mạng xã hội làm mọi người trở nên chai sạn lòng trắc ẩn, nảy sinh nhiều hoài nghi trong cuộc sống. "Những thông tin, hình ảnh tiêu cực này có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, làm thay đổi thang giá trị con người", chuyên gia tâm lý chia sẻ.


    Ở Việt Nam, việc tung tin câu like có thể xem là hành vi vi phạm pháp luật. Người tung tin có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Nếu chưa đủ truy cứu, sẽ xử phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

    Đầu tháng 5, Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đưa ra lời kêu gọi: Thay vì bấm like trên Facebook để an ủi, bày tỏ sự thương cảm, mọi người nên thực hiện các việc làm thiết thực hơn, chẳng han như quyên góp tiền bạc, quần áo...

    Một đoạn video của UNICEF được đăng tải với nội dung: Hai cậu bé bị bệnh nuôi hy vọng được cứu sống khi một tài khoản Facebook đạt 200.000 like. Trên thực tế, không có lượt like nào có thể quy thành thuốc chữa trị, bữa ăn để cứu mạng các em. Video nhanh chóng được chia sẻ với thông điệp: Bấm like không cứu nổi mạng người.


    Mai Mai

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - 'Bẫy' câu like lợi dụng nỗi đau người khác

Share This Page