Tai biến sức khỏe rình rập người chuyển giới

Discussion in 'Tình yêu - Gia đình - Giới tính' started by Robot Siêu Nhân, Oct 30, 2013.

  1. Robot Siêu Nhân

    Robot Siêu Nhân Moderator

    (Lượt xem: 337)

    Giữa tháng 10, chị Hoa, một người chuyển giới nữ tại TP HCM đã trả giá bằng mạng sống sau khi tiêm hoóc môn để duy trì giới tính nữ, bị biến chứng gây nghẽn tĩnh mạch.


    Cái chết của chị gây hoang mang cho những người chuyển giới. Hiện do luật pháp chưa cho phép nên không có cơ sở y tế nào làm dịch vụ chăm sóc y tế đặc thù cho người chuyển giới. Họ đành tự xử. Nguy hiểm cũng từ đó mà ra.

    Ông Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông ICS (tổ chức bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới), cho biết khi chị Hoa lâm nguy, cộng đồng người chuyển giới đã chung tay chăm sóc, đưa chị vào bệnh viện điều trị nhưng chị không qua khỏi. Nhiều người đã rất lo lắng cho thân phận mình.

    Cát Thy, một trong những người chuyển giới tại TP HCM đã sang Thái Lan phẫu thuật cách đây 7 năm kể, hai năm đầu sau chuyển giới, cô uống thuốc tránh thai thường xuyên để tăng nội tiết tố nữ, nhưng thuốc có tác dụng phụ là làm cho giọng trầm xuống nên cô chuyển sang chích hoóc môn.

    "Đến nay, một tháng em chích từ bốn đến năm lần. Em tự ước lượng mình chích liều lượng chừng đó đủ để cho da đẹp, hết cơ bắp, không mọc rậm lông thôi. Câu chuyện của chị Hoa em cũng thấy sợ nhưng không thể ngừng tiêm hoóc môn được. Ngừng tiêm là cơ thể sẽ trở lại như đàn ông, đó là điều đáng sợ nhất của bọn em”, Thy chia sẻ.

    Cát Thy cho biết trước đây đã có người trong giới sau khi chích hoóc môn bị teo cơ, liệt tay; có người đã mất mạng vì biến chứng ở tim. Lo lắng biến chứng, Cát Thy đã tìm đến các dịch vụ y tế nhưng nơi nào cũng cầm hộp thuốc lên rồi lắc đầu từ chối vì không có toa thuốc chỉ định.

    [​IMG]

    Cát Thy (đứng) tại một hội thảo dành cho người chuyển giới. Ảnh: phapluattp.vn


    Hiện nay, nguồn hoóc môn do những người chuyển giới sang Thái mua về rồi bán lại cho người khác. Jessica, một trong những người phân phối nguồn hàng này, cho hay chị chuyển giới từ bảy năm trước. Ban đầu chị nhờ người mua từ Thái Lan đem về. Sau này, khi biết địa chỉ rồi thì có ai qua đó chị gửi mua giùm.

    “Trong hộp thuốc đó có tờ giấy, lên mạng tra thì biết là estrogen làm tăng nội tiết tố nữ, nhưng tác dụng phụ có thể hại đến xương, gan, nóng trong người, giảm canxi… Lúc đầu, em không tự tiêm được phải nhờ người khác tiêm giùm và bị áp xe, mưng mủ, sốt, may mà qua khỏi. Bản thân em hiện nay tiêm mỗi tháng một lần. Với những người mới chuyển giới không biết cách tiêm thì em tiêm giùm cho họ luôn. Hiện em tiêm cho hơn 10 người”, Jessica kể.

    Là tình nguyện viên chuyên đi truyền thông phòng chống HIV, dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tiêm hoóc môn nhưng Jessica vẫn luôn lo lắng độ an toàn sau mỗi lần làm thế. “Hoóc môn giống như xì ke của tụi em, xài là phải xài suốt đời, bỏ là sẽ trở lại như người đàn ông (giọng nói trầm, mọc râu, mọc lông, gân guốc). Em canh liều lượng kỹ lắm nhưng vẫn sợ. Sau cái chết của chị Hoa, em đã khóc nhiều, không biết đến bao giờ trời kêu mình”, Jessica tâm sự.

    Theo ông Huỳnh Minh Thảo, tổ chức ICS đã khuyến cáo không được sử dụng hoóc môn bừa bãi, không thể truyền miệng để sử dụng một liều lượng thuốc giống nhau cho mọi người, nhưng nhu cầu người chuyển giới là quá lớn. “Họ đã liều đánh đổi để được sống trong cơ thể mong muốn dù chỉ là khoảng thời gian ngắn”, ông Thảo nói.

    Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) cho biết, hoóc môn là những nội tiết hướng sinh dục tan trong dầu. Về mặt nguyên tắc không được tiêm vào tĩnh mạch. Nếu tiêm vào tĩnh mạch, chất dầu và chất nước không hòa tan với nhau sẽ gây biến chứng.

    Hiện tại, pháp luật vẫn chưa cho phép làm dịch vụ này. Đã có những bệnh nhân đến nhờ ông tiêm nhưng ông từ chối vì bác sĩ muốn tiêm phải có toa thuốc. Họ đưa cho ông một lọ thuốc mua từ Thái Lan, ông mở ra thì không thấy tên tuổi thuốc gì cả, không biết liều lượng thế nào. Muốn tiêm loại thuốc này phải làm nhiều xét nghiệm để xem cơ thể bệnh nhân có thích ứng hay dị ứng với thuốc không chứ không phải đơn giản muốn tiêm là tiêm.

    Hiện tại, pháp luật chỉ cho phép xác định lại giới tính với những người bị khuyết tật bộ phận sinh dục nam không ra nam, nữ không ra nữ hoặc giới tính chưa định hình chính xác về mặt nhiễm sắc thể… Thực tế, có một nhóm người nữa có hội chứng giả trang giới tính hoặc thích sống ở giới khác với bản dạng giới thực tế của họ. Đây là một vấn đề mới của xã hội, các nhà làm luật cần nghiên cứu kỹ để cân nhắc đưa vào luật.

    Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường) cũng nhận xét vì hiện nay, luật pháp chưa cho phép nên không có cơ sở y tế nào thực hiện các dịch vụ chăm sóc y tế đặc thù cho người chuyển giới. Chị cùng các đồng nghiệp vừa có một nghiên cứu với 223 người chuyển giới nên biết rằng rất nhiều người cần được chăm sóc y tế chứ không thể để họ tự xử, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo tiến sĩ Phương, đây là nhu cầu có thật và chính đáng, rất mong các nhà làm luật cân nhắc để điều chỉnh.

    Theo Pháp luật TP HCM

    * Tên nhân vật đã thay đổi.

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Tai biến sức khỏe rình rập người chuyển giới

Share This Page