Niềm hy vọng vàng ngày nào của vật Việt Nam đã có thể bỏ nạng sau 10 năm chống chọi với chấn thương. Gặp nạn lúc tập luyện, Lê Thị Huệ tưởng như phải sống thực vật, gắn cả cuộc đời trên chiếc xe lăn. Buổi sáng chớm đông lành lạnh, Huệ vẫn mặc chiếc áo vải cộc tay, chống nạng nhấc từng bước khó khăn lên phòng tập hồi phục chức năng ở tầng 4. Giúp đỡ chị là người mẹ đã 70 tuổi và một điều dưỡng viên thân thiết như người nhà. 3 tháng nay, phòng bệnh số 318 và các y bác sĩ tại Bệnh viện Thể thao chẳng khác gì ngôi nhà thứ hai của chị. Ngồi trên máy tập đạp xe, Huệ cần mẫn chậm rãi đạp từng vòng một. Thần sắc của vận động viên quê Thanh Hóa tươi tỉnh hẳn, chị vui vẻ, phấn chấn và lạc quan hơn nhiều. Quay sang người đàn ông cũng đang tập hồi phục chức năng bên cạnh, nụ cười chị giòn tan pha trong giọng nói đầy hóm hỉnh: "Chẳng mấy chốc mà em đạp xe vù vù như anh đấy, lúc đó anh em mình thi chạy xem ai thắng". Hai người cùng phá lên cười, hy vọng ngày đó sẽ không còn xa... Lê Thị Huệ khỏe mạnh, vui vẻ hơn từ khi vào chữa trị tại Bệnh viện Thể thao quốc gia. Ảnh: Lê Anh. Bà Lường Thị Hường, mẹ Huệ, đứng bên cạnh máy tập của con, lặng lẽ lau đi những giọt nước mắt hạnh phúc. Bà mừng mừng tủi tủi khi nhìn đứa con gái yêu dần lấy lại sức khỏe, đã có thể tự mình bước đi vài bước mà không cần dùng đến nạng. Từ hồi lên đây, Huệ còn tăng được thêm vài kg, tuy vẫn còn kém thời "đỉnh cao" gần chục kg, nhưng với bà thế là mừng lắm rồi. Công sức của bà chăm con hơn 10 năm nay, kể từ cái ngày nữ đô vật quốc gia trở về nhà với chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi, đã được đền đáp xứng đáng. Bà chỉ mong thời gian tới, đứa con gái 34 tuổi có thể tự mình đi lại bình thường, bỏ xó chiếc nạng và xe lăn. Từ hồi Huệ lên Hà Nội chữa bệnh, chỉ có bà Hường là luôn túc trực, chăm lo cho cô từng chút một, không có hàng xóm hay người thân nào đến thăm. "Nhiều người tưởng nhà tôi chỉ có hai mẹ con nhưng thực ra tôi có tới 7 đứa. Không phải chúng nó không muốn lên thăm Huệ, mà vì gia cảnh đứa nào cũng khó, chật vật nuôi con, lo ăn từng bữa nên tôi cũng bảo không phải lên đây làm gì cho tốn kém", bà Hường buồn rầu tâm sự. Căn nhà nhỏ của mẹ con Huệ ở thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hóa phải đóng cửa nhờ bà con làng xóm trông nom hộ. Thi thoảng, cậu con trai út chạy sang thắp hương mùng một, ngày rằm, nhân tiện xem nhà có bị mưa dột hay hỏng hóc gì không. Gọi là xem xét chứ trong nhà cũng chẳng có gì để mất, tài sản quý giá nhất có lẽ là 3 chiếc xe lăn mà Huệ được các tổ chức từ thiện tặng cho từ đầu năm. Nhắc đến xe lăn, Huệ dí dỏm chia sẻ: "Ngày trước, tôi có mỗi một chiếc xe đã khá cũ phải đi đến gần chục năm, sau đó khi các anh chị nhà báo về viết bài, tôi được tặng tới 4 chiếc liền. Một chiếc tôi đã tặng người hàng xóm già yếu, còn 3 cái vẫn giữ lại. Người ta thay đổi mốt nọ mốt kia, tôi cũng phải bắt chước cho hợp mốt chứ". 11h trưa, trong khi Huệ đang tập nốt những bài tập chức năng cuối cùng, bà Hường vội vã đi mua cơm bụi cách bệnh viện gần một cây số. Căng tin dưới tầng 1 đang sửa chữa nên bà phải vất vả đi xa hơn một chút. Bà đi sớm vì muốn chọn nhiều món ngon cho con gái, để cô tập xong sẽ có bữa cơm nóng hổi, kịp nghỉ ngơi trước khi bước vào buổi tập chiều vào lúc 14h. Ngày nào cũng vậy, đôi chân của người mẹ nghèo vẫn vội vã, tất bật, chăm lo cho con như hồi còn tấm bé. Bà Hường mua cơm về cũng là lúc Huệ được điều dưỡng đưa xuống phòng. Chưa kịp ngơi tay, bà đã ngồi thụp xuống, cởi đôi giầy bata cho con gái thay bằng đôi dép nhựa vàng. Tay bà thoăn thoắt cởi từng nút dây, vừa kể rằng hôm nay mua cơm đông quá, phải xếp hàng mãi mới lấy được tí thịt cho con. Căn phòng chưa đầy 10 mét vuông lại rôm rả chuyện cơm cháo, dạo này gạo tăng, rau ít, tôm bị ít đi chỉ còn nửa so với tháng trước... Thao thao bất tuyệt chuyện cơm áo gạo tiền, người mẹ già lại cầm tay con gái hỏi hôm nay tập có mệt không, dạo này nghe các bác sĩ nói có tiến triển nhiều, nếu cố gắng chỉ cần điều trị vài tháng nữa, bà mừng quá. Người mẹ già lặng lẽ chăm sóc cho Huệ cả chục năm qua. Ảnh: Lê Anh. Nhiều lần phải nằm đất vì bệnh viện đông bệnh nhân, bà Hường vẫn chẳng nề hà. Bà tự nhủ mình không được phép ốm, bà mà bệnh thì vừa tốn tiền, vừa không có ai chăm sóc con gái. Tiền trợ cấp tai nạn lao động 2,7 triệu đồng mỗi tháng chỉ đủ tiền ăn cho hai mẹ con, còn tiền sinh hoạt, đi lại bà phải rất chắt chiu chi tiêu từ tiền ủng hộ giúp đỡ của các nhà hảo tâm trong thời gian qua. "Tiền đó là để chữa bệnh cho Huệ, chứ không phải cho tôi, tôi mà đụng đến người ta cười chết", bà Hường nói nhẹ như không về nghĩa vụ của mình. Sáng nay, hai mẹ con Huệ xin phép các bác sĩ nghỉ 10 ngày để về quê ăn giỗ, tiện thể xem nhà cửa, thăm nom bà con hàng xóm, thay đổi không khí luôn. 3 tháng ở Hà Nội, hai mẹ con chị chỉ quanh quẩn ở bệnh viện, chẳng đi được đâu nhiều khi cũng buồn. Để chuẩn bị cho lần "nghỉ phép" này, Huệ mua trước chục bịch bỉm làm quà cho đứa cháu trai 5 tháng ở nhà, đồ đạc cũng được xếp gọn để dưới gầm giường từ vài hôm trước. Lê Thị Huệ (sinh năm 1979), từng là VĐV vật số một của tỉnh Thanh Hóa. Năm 2003, Huệ giành HC vàng hạng 55 kg toàn quốc và là hy vọng vàng của vật Việt Nam ở SEA Games 22. Tháng 5/2003, trong một buổi tập đối kháng chuẩn bị SEA Games, Huệ bất ngờ ngã cắm đầu xuống thảm, bị chấn thương cột sống, thoát vị đĩa đệm, dập tủy sống dẫn tới liệt tứ chi. Huệ trở về quê nhà với tấm thân tàn phế trên chiếc xe lăn, chịu đựng nỗi đau thể xác lẫn tâm hồn. Những ai biết Huệ đều xót xa cho một nữ VĐV bị cướp đi tất cả khi tuổi đời còn quá trẻ. Từ khi Huệ về, mọi công việc sinh hoạt cá nhân của cô đều phụ thuộc vào người mẹ nghèo 70 tuổi. Gia đình khó khăn nên cũng không có tiền đưa cô đưa chữa bệnh. Năm 2010, bố Huệ mất, hai mẹ con không biết xoay sở ra sao. Chỉ đến khi có bài báo viết về hoàn cảnh khó khăn của Huệ vào tháng 5/2013, nói về việc cô gần như bị bỏ rơi sau gần chục năm bị chấn thương, các nhà chức trách, hảo tâm mới quan tâm và nhiệt tình giúp đỡ Huệ. Cô cũng mới được đi chữa trị tại Bệnh viện Thể thao quốc gia từ tháng 7/2013. Lê Anh Nguồn VNExpress