Việt Nam có khá nhiều trung tâm dữ liệu được thiết kế và vận hành theo chuẩn Uptime Tier III, nhưng hiện chỉ có Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) chính thức được cấp chứng chỉ này. Khi công nghệ thông tin phát triển, trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) ngày càng trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp, nhất là trong các công ty viễn thông. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu luôn đặt ra những yêu cầu rất cao như chi phí lớn, đòi hỏi hoạt động liên tục 24/7 và việc để sự cố xảy ra là gần như không thể chấp nhận được. Xây dựng trung tâm dữ liệu được coi là xu thế tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp và việc thiết kế Data Center đạt tiêu chuẩn sẽ đảm bảo mục tiêu tối ưu cho hoạt động, tính sẵn sàng, tính thuận tiện trong vận hành cũng như phát triển hệ thống sau này. Để đánh giá chất lượng của một trung tâm dữ liệu, Uptime là một trong những chuẩn được nhiều Data Center ở Việt Nam áp dụng. Uptime là tổ chức đầu tiên trên thế giới thực hiện tư vấn, đánh giá và cấp chứng chỉ Tier. Chuẩn Uptime gồm bốn cấp, trong đó Tier I và II chỉ đòi hỏi những yêu cầu cơ bản, còn phổ biến nhất là Tier III - Concurrently maintainable (Bảo trì đồng thời). Cấp cao nhất là Tier IV - Fault tolerant (Dự phòng lỗi), tức có khả năng dự phòng ngay cả trong tình huống xảy ra sự cố. Tại Việt Nam hiện chưa có trung tâm dữ liệu nào được xây dựng theo chuẩn Tier IV, trong khi đó đã có khá nhiều Data Center được thiết kế theo chuẩn Tier III. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có duy nhất EPZ Data Center của FPT Telecom tại TP HCM được Uptime Institute chính thức công nhận và cấp chứng chỉ Tier III vào đầu tháng 10/2013. "Tier III có khả năng bảo trì đồng thời. Để đạt được yêu cầu này, hạ tầng của trung tâm dữ liệu như trạm biến áp, máy phát điện, UPS, cáp backbone... đều phải có dự phòng ít nhất N+1, cho phép thực hiện sửa chữa, bảo trì mà không gây ra bất kì sự cố gián đoạn nào, đảm bảo Data Center được vận hành an toàn và liên tục", ông Phùng Mạnh Hà, Quản trị dự án Uptime EPZ của FPT Telecom, giải thích. Mỗi khi một trung tâm được trao chứng chỉ, Uptime sẽ cập nhật lên bản đồ tại địa chỉ http://www.uptimeinstitute.com/TierCertification/certMaps.php và Việt Nam đã trở thành nước thứ 45 có mặt trên bản đồ này với logo của FPT Telecom. "Nếu một khách hàng quốc tế tìm kiếm một Data Center trong khu vực và tham khảo bản đồ của Uptime, họ sẽ nhìn thấy tên của FPT Telecom của Việt Nam. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho FPT", ông Hà cho hay. Chia sẻ với VnExpress.net, ông Julian Kudritzki, Giám đốc điều hành Uptime Institute, bày tỏ: "FPT đã hoàn thiện bước đi quan trọng trong việc triển khai trung tâm dữ liệu thực thụ theo chuẩn Tier III. Thiết kế của FPT đã được Uptime xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo rằng mọi thành phần đều đạt tiêu chí bảo trì đồng thời. Chúng tôi chúc mừng FPT đã có Data Center đầu tiên tại Việt Nam được chứng nhận theo tiêu chuẩn toàn cầu". "Việc là đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ Tier III đã khẳng định FPT Telecom đã có những đầu tư và định hướng nghiêm túc trong việc đưa đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Nhờ có chứng chỉ này, trung tâm dữ liệu của FPT đã được xếp hạng quốc tế tương đương với các Data Center hàng đầu trên thế giới, điều mà rất nhiều nhà cung cấp khác tại Việt Nam chưa làm được", ông Chu Thế Anh, Trưởng phòng Dịch vụ Dữ liệu Trực tuyến khu vực phía Bắc của FPT Telecom, khẳng định. “Tiêu chí quan trọng nhất của Data Center là đảm bảo tính liên tục và chứng chỉ Tier III là bằng chứng cho thấy Data Center của FPT Telecom đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng về yếu tố này. Dữ liệu của khách hàng sẽ được bảo vệ an toàn trong mọi tình huống, bao gồm cả sự cố phát sinh đột xuất cũng như bảo trì định kỳ. Ngoài ra, khách hàng cũng sẽ được trải nghiệm chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cao cấp”. Data Center EPZ tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP HCM) được FPT Telecom thành lập năm 2009, có quy mô 800 tủ mạng (rack) và có khả năng mở rộng ít nhất gấp đôi dung lượng, sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng theo công nghệ Nhật Bản. Ngày 5/9, FPT Telecom đã khai trương Data Center Phạm Hùng (Hà Nội), là trung tâm dữ liệu đầu tiên tại Việt Nam đạt đủ 3 bộ chứng chỉ ISO 9001:2008, ISO 27001:2005 ISO 50001:2011. Ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT Telecom cho biết đối với các doanh nghiệp, hệ thống thông tin là nơi chứa toàn bộ tài sản thông tin do đó các hệ thống cần được đặt tại các vị trí đảm bảo an toàn, được duy trì vận hành bởi một đội ngũ chuyên nghiệp để đảm bảo hệ thống luôn cung cấp dịch vụ với mức sẵn sàng 99.99%. "Các tiêu chuẩn ISO và Tier như FPT Telecom tuân thủ sẽ đảm bảo cho khách hàng sự an toàn về an ninh thông tin, độ sẵn sàng cao và tiết kiệm năng lượng hiệu quả góp phần bảo vệ môi trường", ông Tú chia sẻ. Các tiêu chuẩn quan trọng đối với một Data Center: - ISO 9001:2008: Hệ thống quản lý chất lượng. - ISO 27001:2005: Chuẩn quốc tế đưa ra các yêu cầu liên quan đến Hệ thống quản lý bảo mật thông tin, cho phép các tổ chức, doanh nghiệp đánh giá được những rủi ro và thực hiện kiểm soát thích hợp để bảo toàn tính bảo mật, toàn vẹn và sẵn có của tài sản thông tin. - ISO 50001:2011: Hệ thống quản lý năng lượng, bao gồm hoạt động kiểm soát và tiết kiệm năng lượng, giúp hoạt động ổn định và tiết kiệm được chi phí vận hành cũng như giảm giá thành dịch vụ, nâng cao tuổi thọ trung bình cho thiết bị của khách hàng. - Tier III: Chuẩn đánh giá năng lực hạ tầng của Data Center. Để duy trì hoạt động liên tục, hạ tầng của trung tâm dữ liệu cần có khả năng dự phòng ít nhất N+1 và phải được vận hành, bảo trì, bảo dưỡng đúng theo chuẩn. Phương Thúy Nguồn: VNExpress