Với chip A7 64-bit tích hợp trong iPhone 5S và bộ đôi iPad mới, Apple đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh để trở thành người đi đầu trong công nghệ di động. Ưu thế dẫn đầu công nghệ Hầu hết smartphone và máy tính bảng hiện nay chạy hệ điều hành 32-bit mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Các ứng dụng 32-bit vẫn đáp ứng tốt trải nghiệm người dùng, nhưng sẽ tới lúc thiết bị di động gặp vấn đề nghẽn mạch. Đó là lúc cần phải chuyển sang kiến trúc 64-bit để CPU có khả năng cấp phát địa chỉ bộ nhớ trên 4GB RAM, chạy mượt các ứng dụng cao cấp, nhất là trong chế độ đa nhiệm. iPhone 5S là smartphone đầu tiên trên thị trường trang bị chip 64-bit. Ảnh: Apple Với việc ra mắt iPhone 5S, Apple trở thành công ty đầu tiên ứng dụng vi xử lý 64-bit cho smartphone. iPhone 5S dùng chip A7 với CPU 64-bit hai nhân có xung nhịp 1,3 GHz, chạy hệ điều hành iOS 7 64-bit. Chuyển sang điện toán 64-bit, Apple đã vượt lên trên các đối thủ, thành người dẫn dắt công nghệ di động, dù có nhiều ý kiến phản bác cho rằng các ứng dụng di động hiện chưa cần tới sức mạnh tính toán 64-bit. AMD tung ra CPU Athlon 64-bit đầu tiên cho PC vào tháng 9/2003, khi Windows XP đang là hệ điều hành 32-bit. Nhưng Intel nhận thấy AMD lúc đó đang tìm cách tăng thị phần qua việc chứng tỏ là nhà tiên phong trong công nghệ, nên đã nhanh chóng tung ra các các bộ vi xử lý 64-bit để giữ vị thế trên thị trường. Giờ thì Apple đang một mình chiếm ưu thế vượt trội về mặt công nghệ với 64-bit cho di động. Điều này đem lại cho Apple quyền “làm giá” trên thị trường. Và iPhone, iPad mới sẽ lại tiêu thụ tốt dù bị cho là giá cao hơn các siêu phẩm của Samsung, HTC, LG, Nokia… đang dùng kiến trúc 32-bit. iPad mới thúc đẩy cuộc đua 64-bit Trong khi iPhone 5S khơi lên cuộc tranh luận về việc có hay không lợi ích của chip 64-bit với smartphone, thì nhiều nhà phân tích có chung quan điểm cho rằng người dùng sẽ sớm thấy những ưu thế của iPad mới dùng chip A7 64-bit. Apple hứa hẹn, chip A7 64-bit sẽ giúp iPad Air tăng hiệu năng gấp 2 lần cho CPU và đồ họa so với iPad 4; iPad mini Retina có CPU chạy nhanh gấp 4 lần và hiệu năng đồ họa tăng gấp 8 lần so với bậc tiền nhiệm iPad mini. Theo chuyên gia phân tích Patrick Moorhead tại Moor Insights & Strategy, người dùng tạo nhiều nội dung trên máy tính bảng hơn so với điện thoại, và điện toán 64-bit giúp ích rất nhiều. CPU 64-bit giúp tăng tốc cho xử lý đa nhiệm và chạy các ứng dụng cao cấp chuyên sâu. Chuyên gia phân tích Nathan Brookwood của Insight 64 cũng cho rằng chip A7 64-bit có mặt trong iPad Air là hoàn toàn hợp lý. Người dùng sẽ có được những trải nghiệm tốt hơn với các công việc như chỉnh sửa video, chơi game, duyệt ảnh trên màn hình lớn hơn của máy tính bảng. Brookwood cho biết, các ứng dụng 64-bit được Apple trình diễn tại sự kiện ra mắt bộ đôi iPad mới hôm 22/10, như iPhoto và iMovie chạy trên iOS nhanh hơn trước nhiều. Theo Apple, chip A7 sẽ giúp các ứng dụng và game chạy nhanh hơn nhiều trên iPad Air, nhờ vậy cho phép thiết kế máy nhẹ và mỏng hơn nhờ giảm kích cỡ của pin mà thời lượng sử dụng vẫn đảm bảo. Nhưng trước mắt ngoài những ứng dụng đã được Apple tối ưu hóa cho điện toán 64-bit, phải chờ thêm một thời gian nữa mới có ứng dụng 64-bit của bên thứ ba. Các ứng dụng cho iPad mới cần phải được viết lại để khai thác khả năng của CPU 64-bit. "Công nghệ bán dẫn luôn đi trước phần mềm. Điều đó đúng cho PC, máy chủ, và giờ đây cũng đúng cho thiết bị di động", chuyên gia phân tích Jack Gold tại J. Gold Associates, cho biết. Theo ông, các nhà phát triển ứng dụng cho máy tính bảng sẽ chuyển sang 64-bit nhanh hơn các nhà phát triển ứng dụng cho iPhone. Chip A7 64-bit có tốc độ xử lý nhanh nhờ số lượng các thanh ghi đa dụng và dấu chấm động tăng gấp đôi. Ảnh: CNET Máy tính bảng có thể quản lý trên 4GB RAM với chip 64-bit. Lợi thế này sẽ được khai thác về lâu dài. Còn hiện tại, chip A7 của Apple dựa trên kiến trúc ARMv8 64-bit mới, đã tăng cường hiệu suất nhờ tăng gấp đôi số lượng thanh ghi đa dụng chứa cả dữ liệu và địa chỉ (general purpose register), và thanh ghi dấu chấm động (floating-point register). Các thanh ghi (register) tích hợp trong CPU có tốc độ nhanh gần như tương đồng với CPU, là nơi các chương trình lưu trữ kết quả tính toán trung gian để CPU truy cập tức thì. Do vậy, số thanh ghi càng nhiều thì khả năng tính toán càng nhanh, giúp tăng tốc các ứng dụng như video, bảo mật hay những ứng dụng chuyên sâu khác. Theo quan điểm của Gold, khi chạy nhiều ứng dụng nặng, người dùng sẽ nhận ra ưu thế của máy tính bảng dùng chip 64-bit và có bộ nhớ lớn, mà hiện tại có thể họ chưa cảm thấy. Khác với PC phải mất nhiều năm trời mới chuyển sang kiến trúc 64-bit, trào lưu thiết bị di động hỗ trợ 64-bit sẽ đến nhanh hơn với sự khởi xướng của Apple, là công ty tự phát triển các bộ vi xử lý và hệ điều hành của riêng mình. Về phía các đối thủ, Google sẽ sớm công bố Android hỗ trợ 64-bit để tăng thanh thế cho nền tảng Android, và các đối tác phần cứng không bị lép vế vì mang tiếng chậm tiến sang nền tảng mới. Trong khi đó, các nhà sản xuất chip như Qualcomm, Nvidia, Samsung sẽ lao vào cuộc đua ra mắt các bộ xử lý 64-bit cho smartphone và máy tính bảng. Microsoft gây ngạc nhiên cho giới quan sát khi không đả động gì tới 64-bit cho di động, dù công ty và Intel đã có nhiều năm kinh nghiệm với điện toán 64-bit cho PC. Surface Pro là máy tính bảng hiệu năng cao, có các phiên bản 4GB và 8GB RAM, nhưng vẫn chưa chiếm lợi thế với kiến trúc 64-bit là điều đáng tiếc. Apple đang vượt lên trước các đối thủ trên chiến trường di động với chip 64-bit theo kiến trúc ARMv8. Và có lẽ phải tới cuối năm sau, các đối thủ Samsung, LG, Sony… mới “thoát” khỏi kiến trúc ARMv7 32-bit đang dùng cho các thiết bị di động của họ. Phan Châu Nguồn: VNExpress