Hạnh phúc giản dị của cụ nông dân thắng 30 triệu đồng 

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 27, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 413)

    Tuổi đã cao nhưng cụ Đặng Thiêm vẫn rất minh mẫn, kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt cụ còn là người có khiếu khôi hài và rất lãng mạn.


    Căn nhà ba gian nhỏ cũ nơi đầu xóm Hồng Thái (thị trấn Vân Đình, Hà Nội) của ông bà Đặng Thiêm luôn rộn rã tiếng cười của những người đến mừng ông cụ thắng 30 triệu đồng từ chương trình Ai là triệu phú. Ông cụ râu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu kể, từ hôm phát sóng cuộc thi đến nay, bà con liên tục đến chơi, người ở xa thì gọi điện chúc mừng.

    [​IMG]

    Cụ Đặng Thiêm, 78 tuổi, thắng 30 triệu đồng từ "Ai là triệu phú". Ảnh chụp màn hình.


    Sau chương trình Ai là triệu phú phát sóng ngày 1/10, cụ Đặng Thiêm trở thành nhân vật được nhiều người ấn tượng, nể phục. Tuy đã 78 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn trả lời được 11/15 câu hỏi về các lĩnh vực và thắng 30 triệu đồng. Không chỉ thế, cụ Thiêm còn làm người xem quý mến bởi sự hài hước trong cách nói chuyện, vẻ ngại ngùng đáng yêu lúc nhắc về người vợ của mình.

    Cụ Thiêm bảo, 9 năm nay theo dõi chương trình, chỉ thấy cán bộ chứ chưa có ai là nông dân tham gia. Cụ thấy tủi cho những người suốt ngày chân lấm tay bùn hoặc không dám chơi hoặc không được chơi ấy nên muốn thử một lần nộp đơn đăng ký. “Ông Sâm nói ai cũng có thể tham gia chương trình này nên tôi muốn chứng minh ông ấy nói đúng. Tôi cũng thích được lên sân khấu để 'cù' ông Sâm một vài câu cho vui”, cụ Thiêm vuốt râu cười hiền chia sẻ.

    Bà Đặng Sinh, vợ cụ Thiêm, ban đầu cũng ngăn chồng tham gia chơi vì lo ông có tuổi, tay chân chậm chạm khó bấm được máy tính nhanh để ngồi vào ghế nóng. Tuy nhiên, thấy cụ Thiêm thích thú và vốn quen sống “tôn trọng, chiều nhau” nên bà lại để ông tham gia. Nào ngờ, trong số 10 người chơi, cụ Thiêm dù cao tuổi nhất lại bấm đáp án nhanh và chuẩn xác nhất. “Lúc con gọi điện về báo bố được chọn lên ghế nóng rồi, tôi chỉ biết cười vì mừng lắm. Còn phần thưởng 30 triệu ông ấy mang về là một điều không tưởng. Tôi nghĩ ông ấy thắng 2 triệu đã là vui lắm rồi”, bà Sinh cho biết.

    [​IMG]

    Cụ Thiêm vốn là người rất ham mê đọc sách, thích làm thơ. Hiện số thơ cụ sáng tác nếu gom lại cũng được 2 cuốn dày. Ảnh: Nguyễn Lê Nguyên.


    Trước ngày thi Ai là triệu phú, cụ Đặng Thiêm không hề đọc sách ôn lại kiến thức. Cụ bảo, “kiến thức mênh mông bể sở, biết nó vào cái gì mà học lại, thôi thì có gì dùng nấy”. Trước đây, cụ Thiêm cũng có bằng “đíp lôm” (tương đương bằng trung học cơ sở bây giờ) - cái bằng mà ở thời của cụ hiếm ai có được. Cụ kể với giọng rất tự hào rằng ngày đó việc học hành phải cẩn thận lắm chứ không hời hợt như bây giờ. Cụ được dạy từ cầm, kỳ, thi họa, kiến thức khoa học, tiếng Hán, tiếng Pháp, Quốc ngữ… Cụ trêu rằng, thuở đó vì sợ bị thầy đánh đòn nên phải học hành chăm chỉ. Được thừa hưởng gen từ bố là ông đồ, cộng thêm khả năng ghi nhớ trời phú, sự ham học, ham đọc, cụ Thiêm luôn học giỏi nhất lớp. Tuy nhiên sau đó vì hoàn cảnh gia đình, cụ không phát triển được sự nghiệp học hành nhưng kiến thức vẫn là “cơn khát”, niềm đam mê của cụ. Cụ đọc tất cả các loại sách từ Tứ thư ngũ kinh, sách Luận Ngữ, Đại học đến văn học Pháp, Việt… Nhà ở gần thư viện thị trấn nên cụ hay tạt qua đây mượn sách về đọc. Trong căn phòng nhỏ với chiếc giường tre, bàn đọc sách cũ, cụ Thiêm tự đóng thêm một cái giá cao chừng 2m chất đủ các sách loại từ cổ, trung đến hiện đại.

    [​IMG]

    Cụ Thiêm và vợ sống rất hạnh phúc, suốt 51 năm chưa từng một lần cãi vã. Cụ Thiêm bảo, đến giờ vẫn yêu vợ như ngày đầu. Ảnh: Nguyễn Lê Nguyên.


    Ngoài việc đọc sách báo, nghe đài, xem tivi, khi con cháu học bài, cụ Thiêm cũng hay ngồi bên “học cùng”. Quan niệm của cụ ông 78 tuổi ấy là: “Tri chi nhi lạc” (lấy hiểu biết làm vui). Tự tay cụ, một người bị ảnh hưởng lớn từ Khổng Tử, đã viết bằng chữ nho những dòng chữ này và treo trang trọng ở bức tường chính giữa nhà, trên các ban thờ thổ công, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ.

    Thắng cuộc 30 triệu đồng ở cái tuổi 78, cụ Thiêm cho đó là một may mắn bởi: “Đây là lần đầu tiên tôi kiếm được nhiều tiền đến vậy”. Cụ dành toàn bộ phần thưởng này cho người vợ của mình để tu sửa lại khu bếp làm nhà kho và phòng ngủ để sau con cái có thể cùng lúc về đông đủ. Hiện căn nhà 3 gian cũ, 3 giường ngủ nhỏ không đủ chỗ cho cả 3 gia đình với 12 nhân khẩu của các con ông cùng quây quần. Nhắc đến đây cụ Thiêm cười sảng khoái: “Bữa trước viết bừa vào bản đăng ký là có 8 con, 16 cháu nhưng thực chất con chỉ có 3 đứa. Tôi từng chơi một trò chơi gì đó có 3 với 8 lẫn lộn nên nghịch ngợm viết đại vào”.

    Con cháu đều công tác thành đạt trên Hà Nội nhưng vợ chồng cụ Thiêm chỉ thích ở quê. Cụ bảo, “ở đây cho riêng tư, để tôi được làm chồng trẻ, bà ấy được làm vợ son”.

    Ngồi bên nhau nhắc lại chuyện tình xưa, cụ Thiêm nhìn vợ cười nhớ về ngày trước khi cưới cả hai trốn bố mẹ đi chụp ảnh. Khi bị phát hiện ra, may mắn vì cả hai bên gia đình đều quý mến nhau nên không ai bị “xử phạt”.

    [​IMG]

    Cụ Thiêm có 3 người con thành đạt trong công việc, người là Tiến sĩ ngôn ngữ, có bằng kinh tế ở Nga giờ làm cho Ngân hàng Nông nghiệp, người làm bên báo Thiếu niên tiền phong, cô con gái làm ở Traphaco. Ảnh: Nguyễn Lê Nguyên.


    Ông Thiêm và bà Sinh đến với nhau như một cái duyên. Cùng là người trong xóm nên họ cũng quen biết từ bé. Đến khi ông Thiêm 18 tuổi được giao làm phụ trách đội thiếu niên nhi đồng thì bà Sinh (13 tuổi) là thành viên nhóm múa trong đó. Tuy nhiên, cả hai ông bà suy nghĩ vẫn trong sáng lắm, chẳng biết gì là yêu đương. Ông Thiêm ấn tượng với bà Sinh bởi sự hiền lành, ít nói, chịu thương, chịu khó. Bà Sinh thì kính trọng ông Thiêm như một đàn anh tài năng, học giỏi, biết thơ ca, đánh đàn violon… “Đến năm 25 tuổi khi tôi ngỏ lời, bà ấy còn rất bất ngờ vì vốn coi tôi như một người đàn anh”, cụ Thiêm kể lại.

    Tuy quen biết từ trước nhưng cũng phải mất một năm để “kiểm tra” vì “người ta hay bảo lãng tử đào hoa”, bà Sinh mới gật đầu chấp thuận cưới. Cho đến giờ nhìn lại, bà hạnh phúc bảo rằng mình quá may mắn vì lấy được chồng tốt. Suốt 51 năm sống với nhau, hai ông bà chưa một lần to tiếng, chưa bao giờ bà bị nghe lời mắng chứ chẳng nói đến chuyện bị chồng đánh thẳng tay. “Ông ấy cứ trêu rằng lúc nào tôi phải thử đánh bà xem cảm giác nó như thế nào”, bà Sinh cười kể lại.

    Bà Sinh mê sự lãng tử giỏi cầm ca, hay thi họa của ông Thiêm. Cho đến bây giờ bà đã được chồng tặng đến 200 bài thơ và bài nào cũng rất tình cảm, lãng mạn một điều “em”, hai điều “anh”. Nhắc đến vấn đề này, cụ Thiêm lại cười tếu táo: “làm thơ nịnh vợ sau đó lại được vợ chiều hơn, tôi lãi quá còn gì”.

    Tuy chỉ hai vợ chồng chỉ làm nông dân, nhưng cụ Thiêm - bà Sinh đã nuôi được 3 người con ăn học thành đạt. Anh con cả là Tiến sĩ ngôn ngữ và có bằng Kinh tế ở Nga, hiện làm tại Ngân hàng Nông nghiệp, cô thứ hai làm ở Traphaco, người con trai út thừa hưởng tính hài hước của bố thì làm cho báo Thiếu niên Tiền phong. Các cháu của cụ Thiêm cũng học hành giỏi giang, có đứa đang học đại học Ngoại thương, 2 cháu học THPT Chu Văn An, có cháu đã được đi Singapore thi cờ vua. Ông bảo: "Thấy con cháu thành đạt, hạnh phúc chính là niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời".

    Quỳnh Trang

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Hạnh phúc giản dị của cụ nông dân thắng 30 triệu đồng 

Share This Page