Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng số người làm việc cho thị trường Nhật vẫn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực cho việc hợp tác CNTT giữa Việt Nam và Nhật Bản là một chủ đề được doanh nghiệp hai nước quan tâm. Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản và các trường đại học đào tạo CNTT ở Việt Nam đã cùng "mổ xẻ" vấn đề này trong Tuần CNTT Nhật Bản 2013 được tổ chức ở Hà Nội. Theo Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), năm 2012 Việt Nam đã vượt Ấn Độ trở thành đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản với 23% lượng đơn đặt hàng hải ngoại. Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh mối quan hệ Nhật - Trung diễn biến phức tạp. Ngoài việc yếu tố ổn định về chính trị, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam vì nguồn nhân lực khá dồi dào và giá nhân công rẻ. Ông Ngô Văn Toàn, Phó Chủ tịch Global Cybersoft cho biết nhân lực của công ty này tăng 20-25 % một năm. Đối với thị trường Nhật Bản, Global Cybersoft cần khá nhiều như kỹ sư cầu nối, biên phiên dịch tiếng Nhật và kỹ sư quy trình… Nhưng nhiều doanh nghiệp Nhật cho biết tuyển dụng cũng chưa đủ với nhu cầu nên trong nhiều dự án họ phải hợp tác với doanh nghiệp địa phương để triển khai dự án. Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản và trường đại học ở Việt Nam bàn thảo về việc phát triển nguồn nhân lực cho thị trường Nhật tại Hội nghị Quốc tế Gia công xuất khẩu phần mềm VN. Ảnh: Nguyên Anh. Theo số liệu công bố, đào tạo đại học và cao đẳng chuyên ngành CNTT tại Việt Nam chiếm 10,83% tổng chi tiêu cao đẳng - đại học. Số lượng CNTT tốt nghiệp đạt 40.000 một năm và hiện có 170.000 sinh viên đang học ngành CNTT. Tuy nhiên, số lượng cử nhân CNTT làm việc cho thị trường Nhật Bản hiện không nhiều, do những đặc thù của thị trường này. Khảo sát nhanh của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) với gần 40 doanh nghiệp CNTT Việt Nam, 61% doanh nghiệp đánh giá khó khăn lớn nhất trong hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản là rào cản ngôn ngữ (tiếng Nhật). Bà Junko Kawaichi, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản (JISA), cho biết: “Để thúc đẩy việc hợp tác cần phải giải quyết một số vấn đề quan trọng là năng lực quản lý dự án, quản lý chất lượng và trình độ tiếng Nhật của các kỹ sư Việt Nam và tiếng Anh của các kỹ sư Nhật Bản”. Tại Việt Nam, số trường đại học đào tạo về tiếng Nhật không nhiều, nhất là chuyên ngành CNTT bằng tiếng Nhật. Đại học FPT nổi tiếng là trường đào tạo về CNTT ở Việt Nam với yêu cầu tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ hai nhưng mỗi năm chỉ cung cấp khoảng 500-600 người. Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng cho rằng Nhà nước, VINASA, doanh nghiệp và các trường đại học nên ngồi lại để tìm ra đòn bẩy cho việc phát triển nguồn nhân lực cho thị trường Nhật Bản. Ảnh: Nguyên Anh. Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng đại học FPT, con số này quá nhỏ so với nhu cầu nhân lực hiện tại, vì riêng công ty FPT Software đã cần cả ngàn nhân viên phục vụ cho thị trường Nhật Bản. Để tuyển gấp nhân viên, công ty này liên tục đưa ra các chính sách thu hút như thưởng tiền đến chục triệu đồng cho ai giới thiệu được ứng viên biết tiếng Nhật vào làm việc tại FPT Software. “Cách làm của FPT Software là mới chỉ chi tiền cho tuyển dụng chứ chưa phải là chi cho đào tạo, cho lâu dài. Chúng ta phải có chính sách tổng thể khuyến khích người học CNNT phục vụ cho thị trường Nhật. Đây là vấn đề là Nhà nước, VINASA, doanh nghiệp và các trường đại học càn phải bàn với nhau”, ông Tùng phân tích. Ông cho rằng, dù doanh nghiệp có nhu cầu, trường sẵn sàng dạy nhưng người học chưa thấy được lợi ích như hỗ trợ học phí, cam kết việc làm từ phía doanh nghiệp, nhà nước từ việc này thì nhân lực CNTT cho thị trường mặt trời mọc vẫn sẽ thiếu. Bên cạnh thiếu nhân lực, việc đào tạo người để đáp ứng cho yêu cầu công việc là bắt buộc đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Công ty Global Cysoft cho biết họ thành lập trung tâm huấn luyện dành cho thực tập sinh và đào tạo khoảng 3-4 tháng để có thể tham gia vào dự án. Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp việc phát triển nhân lực cho hợp tác với doanh nghiệp Nhật khó nhưng vẫn có thể thực hiện được. Lâm Thao Nguồn: VNExpress