Mắc căn bệnh lạ, các bộ phận cơ thể càng lớn lại càng teo tóp, phải ngồi xe lăn, nhưng Nguyễn Thảo Vân vươn lên thành giám đốc một doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người cùng cảnh. Thảo Vân diễn thuyết về chủ đề "Doanh nghiệp xã hội" cho các sinh viên Singapore. Chào đời trong gia đình thuần nông ở vùng quê nghèo tỉnh Nghệ An, Vân là em gái của hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất). Cũng như người anh mình, Vân mới sinh ra bình thường, càng lớn thì cơ thể càng biến dạng, teo tóp không phát triển được. Không chịu đầu hàng số phận và ý thức chỉ có việc học mới có thể cải thiện được cuộc sống của mình, Thảo Vân cùng anh trai đã vượt qua bao khó khăn, cực nhọc để học hết PTTH tại quê nhà. Lúc đầu việc học của Vân gặp vô vàn khó khăn, vì ngoài phải ngồi xe lăn đến lớp còn thường xuyên bị bạn bè trêu chọc với nhiều trò đùa ác ý. Thương con, bố mẹ xin cho Vân vào trường trẻ em khuyết tật để em đỡ tủi thân và dễ hòa nhập với các bạn. Luôn ý thức được hoàn cảnh của mình và thương bố mẹ vất vả vì phải nuôi 2 con tật nguyền đi học, Thảo Vân cố gắng học hành, giành nhiều thành tích. Lớp 9 Vân đạt giải nhất cờ vua, năm lớp 10 đạt giải nhất cờ tướng khối PTTH cấp tỉnh, năm 2003 đạt học sinh giỏi môn Anh văn… Bước ngoặt trong cuộc đời Thảo Vân là khi tiếp xúc với chiếc máy tính và những công nghệ về máy tính từ người anh trai của mình. "Tôi cảm nhận được cái duyên và niềm đam mê của cuộc đời mình với công nghệ thông tin, vì những công dụng tiện lợi để truyền tải thông tin, những tính năng rất phù hợp với người khuyết tật để vận hành và phát triển", cô gái nhìn nhận. Thảo Vân theo học một lớp đào tạo về tin học tại Hà Nội và bắt nhịp rất nhanh. Chỉ sau thời gian ngắn, cô đã có thể sử dụng thành thạo vi tính với các chương trình phần mềm cơ bản như các chương trình phần mềm đồ họa, photoshop... Thảo Vân bắt đầu tự lập cuộc sống mới mẻ bằng việc nộp đơn và được tuyển dụng vào một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, chuyên cung cấp phần mềm các sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế với mức lương khá cao. Năm 2006, người anh khuyết tật của Vân cùng nhóm bạn mở Công ty Nghị lực sống ở Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho người khuyết tật. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là tin học và ngoại ngữ. Thảo Vân chia sẻ: “Khi đó tôi đã phải đắn đo lắm để quyết định xin nghỉ việc ở công ty về giúp anh Hùng quản lý và đào tạo ở trung tâm, làm chuyên viên tư vấn đồng cảnh trên website Nghilucsong.net". Video: Cô gái khuyết tật và Trung tâm Nghị lực sống Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng mất đột ngột vào 31/12/2012. Từ đó Vân thay mặt anh điều hành quản lý công ty. Thảo Vân cho biết thêm, từ khi anh trai mất, công ty gặp rất nhiều khó khăn, học viên cũng giảm nhiều do họ không thấy thần tượng của mình nữa. Cô gái trẻ đã phải nỗ lực cố gắng để công ty tiếp tục vận hành. “Tôi phải đến gặp các đối tác cũ để thuyết phục họ tiếp tục ký hợp đồng, đồng thời mở rộng mối quan hệ với các đối tác khác để xin tài trợ. Việc lấy lại tinh thần cho mọi người trong công ty sau cú sốc vì mất đi anh Hùng mất cũng rất quan trọng. Quá nhiều khó khăn nhưng không sao, cứ bước đi rồi đường sẽ thẳng”, Thảo Vân lạc quan nói. Hiểu và chia sẻ với những việc Thảo Vân làm, xung quanh cô, một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo từ các trường đại học và nhiều doanh nghiệp, công ty ở Hà Nội… đã chung tay góp sức, cộng tác với Trung tâm Nghị lực sống để liên kết đào tạo và giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Trong căn hộ chật hẹp thuê trên tầng 6 ở chung cư Linh Đàm, vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ăn ở, sinh hoạt cho hàng chục con người khuyết tật, Thảo Vân trải lòng: “Tôi chỉ mong sao có một chỗ ở để học viên làm việc và học tập ổn định, không phải nay chuyển chỗ này, mai chuyển chỗ khác, mệt mỏi lắm". Học viên của Trung tâm Nghị lực sống là các bạn trẻ khuyết tật khắp mọi miền đất nước. Họ đến đây được miễn 100% học phí, chỉ phải đóng tiền ăn và tiền trọ là một triệu đồng một tháng. Hàng ngày Vân và các tình nguyện viên dành nhiều thời gian để đào tạo miễn phí tin học, tiếng Anh và các môn học sáng tạo, tổ chức các chương trình về kỹ năng mềm cho học viên. Tính đến nay, Trung tâm Nghị lực sống đã tiếp nhận và đào tạo được gần 600 học viên, trong đó 65% số học viên được đào tạo tại trung tâm đã có công ăn việc làm ổn định. Nhiều người trong số họ quay lại trung tâm làm giảng viên tình nguyện cho các học viên khác. Các khóa học ở đây không chỉ giúp người khuyết tật được trang bị kiến thức Tin học, khơi dậy niềm tin, nghị lực sống mà còn khẳng định được vai trò của bản thân với xã hội. Cô gái nhỏ bé Thảo Vân còn tổ chức rất nhiều những chương trình hoạt động từ thiện xã hội như chương trình “Bánh chưng xanh” - xuân Mậu Tý; “Mang trung thu đến vùng lũ quét” cho 1.000 trẻ em nghèo xã Minh Quân (Chấn Yên, Yên Bái) với số tiền quyên góp được là 27 triệu đồng; tổ chức Giáng sinh cho những mảnh đời bất hạnh ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An được 20 triệu đồng; tặng 10.000 phần mềm bản quyền diệt virus cho cộng đồng người khuyết tật trị giá hàng tỷ đồng… Thảo Vân trong một lần làm từ thiện ở Hà Giang. Với trái tim biết yêu thương và những việc làm thiện nguyện của mình, Thảo Vân được nhận các giải thưởng “Nhân tài đất Việt”, “Chim én”, và mới đây là giải thưởng “Tầm nhìn phụ nữ” do Hội Phụ nữ Quốc tế trao tặng. Bài và ảnh: Hữu Nam Nguồn VNExpress