Những nữ bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân

Discussion in 'Sống khỏe' started by bboy_nonoyes, Oct 20, 2013.

  1. bboy_nonoyes

    bboy_nonoyes Administrator Staff Member

    (Lượt xem: 521)

    'Cá nhà tôi bắt ở dưới sông, ngon lắm đấy bác sĩ ạ, bác sĩ ăn luôn cho nóng', bệnh nhân người dân tộc dúi vào tay bác sĩ Ly Va 4 con cá nướng khi được cô chữa khỏi bệnh sốt rét.


    Đó là bệnh nhân đầu tiên của bác sĩ Rơ Chăm Ly Va khi cô mới về công tác tại Trung tâm y tế xã Ia Tun, huyện Iapa, tỉnh Gia Lai, cách đây 3 năm. Khi đó khoảng 2h sáng, bệnh nhân được đưa đến trung tâm trong tình trạng rét run, sốt cao, đổ mồ hôi... Chị vợ bên cạnh run rẩy cầm tay các y bác sĩ, liên tục nói: "Bác sĩ ơi, cứu chồng tôi với, nó nằm mãi mấy này nay không dậy được".

    Cho bệnh nhân uống thuốc sốt rét theo đúng phác đồ điều trị, nữ bác sĩ 30 tuổi không quên đưa cho bệnh nhân gói xôi dặn anh cố gắng ăn cho lại sức. Sáng hôm sau, nhìn thấy bệnh nhân đỡ nhiều, ngồi dậy được, chị lặng lẽ nở nụ cười sau cánh cửa phòng khám.

    Vất vả vượt qua hủ tục thầy mo, thầy cúng tồn tại lâu đời ở các buôn làng, chị Ly Va và các y bác sĩ đã vận động bà con đến chữa bệnh tại trung tâm y tế ngày càng đông. Hiện tại, mỗi bác sĩ ở đây đều đảm trách sức khỏe cho hơn một nghìn dân. Nhìn người bệnh hồi phục sức khỏe, đi lại bình thường, chị cũng vơi nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con gái nhỏ mới 20 tháng tuổi phải ở nhà với bố. Cứ 2-3 tuần, khi dồn được ca trực với đồng nghiệp, chị mới bắt xe về thăm gia đình ở thành phố Pleiku, cách trung tâm hơn trăm cây số. May mắn, chồng chị cũng là bác sĩ quân y nên hiểu và thông cảm công việc của vợ.

    [​IMG]

    Bác sĩ Ly Va xa con gái từ khi bé mới hơn 1 tuổi để trở lại trạm y tế cách nhà hơn trăm cây số chăm sóc đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Lê Anh.


    Bác sĩ Nguyễn Thị Dịnh, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, cũng là người đã gắn bó với công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc hơn 33 năm nay.

    Trong nhiều kỷ niệm, chị nhớ nhất là lần xuống cơ sở, chỉ đạo công tác vệ sinh môi trường tại bản Hồng Tiến 1, xã Châu Tiến. Chị cùng đoàn y tế đến tận nhà dân làm công tác vận động bà con xây hố xí hợp vệ sinh đảm bảo môi trường. Kiểm tra 120 hộ, chỉ có gần 12% gia đình có hố xí, còn lại đều tiểu tiện ở ngoài vườn, sông suối.

    Đến nhà một anh người Thái, các bác sĩ càng giải thích anh ta càng xua đuổi. Một tháng sau, bác sĩ Dịnh lại xuống xã Châu Tiến chỉ đạo công tác vệ sinh chuẩn quốc gia, đến trạm xá nhìn anh người Thái hôm nọ đang nằm truyền dịch vì bị rối loạn tiêu hóa sau bữa ăn tối, vị bác sĩ chẳng nề hà đến chuyện từng bị quát mắng, liền đến bên, hỏi han, thăm khám cẩn thận. Nhận thấy tấm lòng chân thành của các bác sĩ, anh ta xin lỗi và hứa sẽ về bảo vợ xây hố xí, rời chuồng gia súc ra xa nhà.

    [​IMG]

    Bác sĩ Nguyễn Thị Dịnh chia sẻ những kỷ niệm khó quên trong công tác y tế dự phòng của chị hơn 30 năm qua. Ảnh: Lê Anh.


    Chăm sóc cho những người bệnh bình thường với tinh thần khỏe mạnh đã khó, chăm sóc những bệnh nhân tâm thần, hoàn toàn không kiểm soát được ý nghĩ, không tự chủ hành động lại càng khó khăn hơn gấp bội. Bác sĩ Tú Uyên, bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đã đồng hành với những người bệnh đặc biệt này suốt 23 năm.

    Mỗi bác sĩ trong viện Tâm thần phải đảm nhận khối lượng công việc rất lớn. Như tại khoa của chị Uyên, 4 bác sĩ phải điều trị 80-90 bệnh nhân. Các nhân viên y tế phải chăm sóc đầy đủ bệnh nhân từ ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt, cắt móng chân móng tay, gội đầu... Có nhiều bệnh nhân không muốn điều trị, tìm mọi cách để trốn viện, các y bác sĩ phải trực 24/24h chăm sóc.

    Vì bệnh nhân không kiểm soát được hành động, suy nghĩ nên các nhân viên y tế thường xuyên phải đối mặt nguy hiểm. Có nhiều trường hợp bệnh nhân chống đối, nhổ đầy thức ăn đầy mặt bác sĩ; bệnh nhân trốn chạy bị tìm về, tức tối bẻ gãy tay nhân viên y tế hay có cả trường hợp khi đang tiêm truyền, bệnh nhân rút luôn kim tiêm chọc vào bác sĩ...

    "Hết cơn kích động họ lại trở về với con người bình thường, đáng yêu, giản dị như nhiều người khác. Họ dạy chúng tôi múa, hát thậm chí thêu thùa đan lát. Đó là những phút giây hạnh phúc hiếm hoi của chúng tôi. Bản thân tôi luôn cảm thấy tự hào về công việc của mình và chưa bao giờ hối hạn vì chọn chuyên ngành tâm thần để học tập và cống hiến", chị Tú Uyên nghẹn ngào nói về công việc của mình.

    [​IMG]

    Bác sĩ Tú Uyên (bên trái) ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 và bác sĩ Phạm Thị Thanh Thủy, Phó khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Anh.


    Thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV, lao và nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác nhưng bác sĩ Phạm Thị Thanh Thủy, Phó khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai vẫn đều đặn chăm sóc bệnh nhân, gắn bó với họ mỗi ngày. Với chị, giây phút được nhìn bệnh nhân nở nụ cười tươi rói, ngồi dậy ăn cơm sau những ngày nằm liệt giường... là động lực rất lớn, tiếp thêm cho chị tình yêu và niềm đam mê với nghề.

    Từng chữa trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng chị Thủy vẫn nhớ rõ về một bệnh nhân đặc biệt. Cách đây 2 năm, chị và các bác sĩ tại Khoa truyền nhiễm tiếp nhận một bệnh nhân nam ngoài 30 tuổi, có tiền sử nghiện ma túy. Anh ta biết mình nhiễm HIV 8 năm, nhưng vì ngại kỳ thị nên không dám đi đâu để chữa bệnh. Thời gian sau này khi anh sốt, ho liên tục, không ăn uống gia đình mới biết đưa đến bệnh viện.

    Các bác sĩ xác định anh bị lao và nhiệt tình chữa trị, chăm sóc. Anh khỏe dần lên, qua giai đoạn căng thẳng về mặt tinh thần, kiệt quệ thể xác. "Câu đầu tiên anh nói khiến tôi xúc động rơi nước mắt: 'Nếu biết bệnh có thể tiến triển, gia đình chia sẻ thế này, em đã đến đây từ 8 năm trước rồi'", bác sĩ Thủy kể lại câu chuyện về bệnh nhân nhiễm HIV mà chị từng điều trị với giọng tự hào.

    Lê Anh

    Nguồn VNExpress
     
  2. Facebook comment - Những nữ bác sĩ hết lòng vì bệnh nhân

Share This Page