Rải rác trong ngõ xóm của khu phố cổ Hà Nội ngày nay có những chiếc giếng khơi tuổi trên 100 năm mà nước vẫn còn trong mát. Cách đây khoảng 50 năm, những chiếc giếng khơi là một phần không thể thiếu của Hà Nội tạo nên nét "văn hóa giếng". Đó không chỉ là nơi lấy nước mà còn thành chỗ tụ tập của đám trẻ con mỗi khi đi đá bóng về; nơi những ánh mắt của trai gái trao nhau mỗi khi gánh nước, rửa rau; chốn để các bà nội trợ chia sẻ câu chuyện tưởng như không bao giờ hết. Cánh đàn ông còn thả cả chai bia xuống giếng để làm lạnh. Khi có nước máy, giếng vẫn được dùng vì cả xóm phải dùng chung một vòi nước công cộng. Mất nước máy, giếng là lựa chọn duy nhất của dân trong phố. Khi nước máy vào từng nhà thì giếng khơi bị bỏ quên. Giá đất nhảy vọt, có nhiều chiếc giếng đã bị lấp đi dành đất để sinh sống, kinh doanh hoặc đô thị hóa. Bên cạnh đó, một số giếng ô nhiễm hoặc cạn nước nên bị lấp đi. Sân giếng chung co hẹp lại để dùng cho mục đích khác. Nguồn nước mát trong từ giếng khơi không còn được trọng dụng, người dân quên dần tính cộng đồng nơi sân giếng. Tuy nhiên, trong lòng phố cổ Hà Nội vẫn còn sót lại những chiếc giếng dùng được. Người dân xung quanh vẫn dùng nước giếng để tắm giặt hoặc rửa xe... Hơn thế, với những người cao tuổi, dùng nước giếng còn là thói quen, hoài niệm. Những chiếc giếng khơi từ xa xưa vẫn còn sót lại, giữ cho phố phường Hà Nội một nét lạ, nét riêng về thời đã xa. Chúng gợi ký ức về nét văn hóa làng xã một thời ở phố cổ Hà Nội. Nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chiếc giếng thiêng của Hà Nội đã được phục hồi. Ngày 26/9/2010, giếng Ngọc được tìm thấy ở đền Bạch Mã (một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long xưa). Trước đây, giếng đã bị che đi để làm sân bán hàng của các hộ dân. Phần thành giếng mới được làm bằng đá xanh, giếng sâu khoảng 5m và nước vẫn trong. Giếng tại số nhà 86 phố Hàng Trống. Theo bà Hòa, một người sống ở đây, giếng gần 100 năm tuổi do người chủ trước thuê thợ về đào. Sau đó, người chủ sang Pháp sinh sống và hiện đã mất. Người dân ở xóm mang nước đi xét nghiệm và được cơ quan chức năng khuyến cáo là không dùng để ăn uống. Giếng khơi tại 15 ngõ Phủ Doãn vẫn còn trong veo nên được nhiều người sử dụng làm nước sinh hoạt. Tong khuôn viên Đình Yên Thái, ngõ Tạm Thương, cũng có một chiếc giếng cổ mới được trùng tu phần thành giếng. Theo cụ từ ở Đình, giếng có từ khi làm đình, khoảng 300 năm tuổi. Giếng tại số nhà 20 ngõ Huyện. Chiếc giếng có nhiều kỷ niệm với những người sống xung quanh. Ông Ngọc, người được thừa kế chiếc giếng ở 19 ngõ Tạm Thương, cho biết: "Giếng đã có từ đời ông tôi để lại. Nước giếng mùa hè thì mát, mùa đông lại ấm hơn nước máy". Người dân vẫn sử dụng giếng ở số nhà 13 Hàng Chuối để sinh hoạt. Bêng giếng vẫn còn bàn thờ thần giếng. Đoàn kịch nói Hà Nội thuê thợ về đào giếng ở 40 Hàng Bông để phục vụ diễn viên vì trước kia đây là nơi tập của đoàn. Trên thành giếng ghi rõ năm đào là 1968. Nước giếng ngõ Hàng Chỉ vẫn được dùng trong các sinh hoạt của các hộ xung quanh. Dưới giếng có nuôi cá để khi nước ô nhiễm cá chết người dân sẽ lau giếng. Hiện cạnh giếng là quán cà phê Giếng cổ. Giếng ở số nhà 39 Lý Quốc Sư được đào khoảng năm 1960. Lúc đó, mỗi nhà trong xóm phải góp 5 đồng để trả công thợ. Hiện nước giếng vẫn còn nhưng ít dùng nên bị bẩn. Theo ông Toàn, 64 tuổi, một người dân sống cạnh giếng số 1 ngõ Nhà Chung, giếng được xây cùng thời với Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Lê Bích Nguồn VNExpress