5h sáng 15/10, gió rít cuồn cuộn bốc từng tấm tôn rồi nhấc toàn bộ mái nhà bà Trần Thị Hiền ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam, bay mất hút vào không trung. Bỗng chốc 5 con người, trong đó có một cụ già, đứng lặng giữa mưa bão xối xả vào ngôi nhà trống hoác của mình. Rồi tiếng "trời ơi" thảng thốt của bà Hiền vang lên cũng bị cơn cuồng phong nhấn chìm mất hút. Nước mưa dội vào nhà, lúa gạo nổi trôi lềnh bềnh, ngập toàn bộ đồ đạc vật dụng. Các căn nhà xung quanh nhà bà Hiền cũng bị bão cuốn tốc mái. Tiếng mái tôn bị gió cuốn bay rít vèo vèo trên đầu, cả nhà bà Hiền đội mưa nấp sau những bức tường mà không dám ra ngoài sợ tôn chém phải. Kể lại những giây phút này, người phụ nữ nghẹn ngào: "Chừ là màn trời chiếu đất thiệt rồi. Tôi đứng giữa trời mưa mà khóc chứ không biết làm chi". Nhà tan hoang, bà Hiền còn lo lắng cho số phận hai con bò cột trên núi chưa lùa về bởi "tài sản nhà tôi dồn hết vào đó". Huyện Tiên Phước nằm trong tâm bão Nari đang hoành hành từ Quảng Nam đến Đà Nẵng suốt đêm qua đến sáng nay. Cả nhà bà Hiền cũng như toàn bộ dân lối xóm đã thức cả đêm. 12h khuya, gió rít mạnh kèm theo mưa to, bà Hiền lục đục kiếm bạt che đậy thêm đồ đạc, lúa gạo. Chiều hôm qua, chồng và con trai bà đã đội mưa gió chằng chống mái nhà, chuồng heo, chuồng gà. Chuẩn bị sẵn sàng nhưng đến 5h sáng toàn bộ phần mái của căn nhà cấp bốn vẫn không chống chọi nổi với bão dữ. “Đất miền Trung tôi chẳng lạ gì mưa bão nhưng lâu lắm rồi mới thấy gió mạnh cuốn tất cả nhà kiểu vậy", bà Mai ở huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, thở dài. Nhà bà Mai cũng bị gió bốc toàn bộ mái. Bà nói rằng dân quê bà đã quen với việc chống bão nhưng lần này vẫn không trở tay kịp. Con cái đi học, đi làm xa, bà Mai ở nhà một mình. Từ tối qua khi bắt đầu gió mạnh, bà đã một mình che đậy đồ đạc nhưng không đủ sức níu cái mái nhà. Cả làng quê Hiệp Đức đêm dài nơm nớp. Bà con hàng xóm chạy qua hỗ trợ những nhà thiệt hại nặng, bị cây ngã đổ, đè nát đồ đạc. Bão vừa ngớt, người dân đi nhặt nhạnh lại những mái tôn bị gió tốc cuốn đi. Ảnh: V.S. Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam, gió bão trên đầu còn mặt đất ngập trong biển nước. Nhiều tuyến đường như Phan Bội Châu, Trưng Nữ Vương, Hùng Vương... nước mưa ngập cục bộ, tràn vào nhà dân. Nhà anh Đình Hoàng ở đường Phan Chu Trinh khuya qua bị gió thổi tung gác mái. Một tay băng bó vết thương đêm qua giằng mái nhà bị tôn cắt đứt, tay kia vơ vội đồ đạc bỏ vào bao phòng gió và nước cuốn thất lạc, anh Hoàng hô hào vợ con che chắn vật dụng trong nhà. “Nhà tôi từ xưa tới chừ chỉ một lần duy nhất nước tràn vào nhà là đợt đại hồng thủy năm 1999. 14 năm rồi mới bị bão lùa một trận tơi bời như ri”, anh Hoàng tâm sự. Ông Văn Viết, xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ, suốt đêm cứ ngồi chống tay bên cửa sổ nghe tiếng rít của gió bão mà không ngớt lo âu, mặc con cái thu xếp đồ đạc chống bão. Gần chục hécta lúa của gia đình ông đang lên bông có nguy cơ bị tàn phá bởi sức gió đang gào thét ngoài kia. “Cả nhà chục mạng miệng ăn trông vô nhiêu đó”, ông Viết cứ lẩm bẩm mãi. Chứng kiến cơn cuồng phong suốt đêm, nhiều người dân Đà Nẵng - Quảng Nam cho rằng sức mạnh và mức độ thiệt hại của trận bão này có thể trầm trọng hơn bão Xangsane năm 2006. Anh Thanh Tùng, một người làm tò he gốm ở Hội An, chia sẻ chưa bao giờ anh có cảm giác bất an như khi bão Nari bắt đầu hoành hành ở nơi đây từ rạng sáng nay. “Nhà tôi làm gốm nên được thiết kế rất chắc để chống với các đợt giông bão bất ngờ, vậy mà gió vẫn thổi tốc vào cuốn bay cả đống tò he vỡ vụn", anh Tùng cho biết. Trời mỗi lúc hửng sáng rồi mà gió vẫn cứ rít từng đợt. Cả tổ dân phố đã giằng kín cửa từ tối qua, sáng ra nhiều nhà vẫn bị giật tung cả cửa, mái tôn, la phông ngổn ngang. Bão Nari chính thức đổ bộ vào Quảng Nam - Đà Nẵng vào khoảng 5h sáng 15/10, nhưng hoàn lưu đi trước đã kịp gây thiệt hại nặng cho người dân. 2h sáng, nhấc điện thoại gọi cho em ruột đang học ở TP HCM, chị Phan Thị Thư ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, run run thông báo: “Tan tành hết rồi em ơi. Bão mới sát bờ mà nhà mình mái tôn bị tốc phá, cửa kính đổ vỡ giờ tan nát hết rồi. Chừ mà đã như rứa, tới lúc tâm bão đổ bộ vô không biết răng đây?”. Mẹ con chị Thư thức thâu đêm đến sáng, dầm mưa bão trong ngôi nhà mình. Anh Hùng cũng ở quận Hải Châu, miêu tả, từ khuya gió rít dữ dội, cửa kính như muốn bay khỏi chốt, đập ầm ầm. Mưa càng lúc càng lớn, cây cối ngoài đường đổ rạp, anh Hùng nhanh chóng đánh thức con cái rồi cùng người dân sơ tán vào hầm trú bão của chung cư. “Sáng nay ngớt mưa một chút, tôi trở lên phòng xem xét tình hình thì thấy cửa kính vỡ nát, nhà cửa ướt nhẹp, mọi thứ tan hoang như bãi chiến trường, giờ phải cố thủ trong nhà chẳng dám ra đường". Trực đêm cơ quan tại quận Thanh Khê, anh Tâm cùng đồng nghiệp cũng có một đêm trắng chống bão trong khi gọi điện liên tục về nhà để cập nhật tình hình vì quá lo lắng. Xong ca trực, thấy ngớt gió, anh định chạy xe máy về nhà ở Điện Bàn, Quảng Nam, để hỗ trợ gia đình. Vừa chạy xe được vài km thì gió càng mạnh khủng khiếp, cây cối đổ ngã la liệt, anh Tâm kẹt luôn giữa đường trong tâm trạng ruột gan rối bời. Chung nỗi niềm hướng về quê nhà đang chịu cảnh bão lũ, những người con Quảng Nam, Đà Nẵng xa quê đang từng giờ mong ngóng tin tức sau bão từ người thân, bạn bè. Trên fanpage nhiều người, những lời nhắn hỏi thăm tình hình mưa bão ở quê tới tấp: “Tam Kỳ răng rồi mấy bạn ơi”, “Hòa Vang bị chi không hè”... Tất cả đều chung một lời khấn cầu gia đình sẽ tai qua nạn khỏi trong trận bão lần này. Thống kê bước đầu của cơ quan chức năng khi bão Nari vừa đi qua, Đà Nẵng có 12 người bị thương, rất nhiều nhà hư hỏng. Ở Quảng Ngãi, một người gãy chân do cây đổ, 80 nhà bị tốc mái và nhiều nhất là ở huyện đảo Lý Sơn. Tại Quảng Nam, 21 tàu thuyền bị sóng nhấn chìm trong khi neo đậu, 5 tàu thuyền bị sóng đánh hư hỏng nặng. Đến 10h ngày 15/10, cơ quan khí tượng cho biết, tâm bão đã sang đất Lào nhưng hoàn lưu của nó vẫn hút gió mạnh gây gió giật đến cấp 9-10. Mai Nhật - Lê Phương Nguồn VNExpress